• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: Năng suất muối giảm hơn 70%, diêm dân gặp khó

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi, 08/05/2017
Ngày cập nhật: 9/5/2017

Đời sống diêm dân ngày càng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Trọng Đạt

Những diêm dân tham gia sản xuất vụ muối năm 2016 - 2017 tiếp tục gặp khó khăn. Bởi, không những giá muối bán thấp hơn giá thành sản xuất mà còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết diễn biến bất lợi (mưa trái mùa xuất hiện thường xuyên), năng suất giảm nghiêm trọng.

“Thời tiết năm nay khó mần lắm, đầu vụ tới giờ mỗi người làm được chỉ hơn trăm mấy giạ. Bị mưa trái mùa, mới có nắng lại nhưng nắng không được tốt, gió chướng làm còn có muối, gió nồm như hiện nay không có muối. Có người làm nhiều được 200 -300 giạ, của em năm nay được hơn 100 giạ, năm trước giờ này làm được 500 - 600 giạ. Không biết từ giờ đến mùa mưa làm được 200 giạ muối không nữa” - diêm dân Nguyễn Văn Phương canh tác gần chục công muối ở xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho biết.

Xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại và Bảo Thạnh, huyện Ba Tri là 2 địa phương có diện tích sản xuất muối lớn nhất tỉnh. Đây cũng là những nơi có truyền thống làm nghề muối từ thập niên 30 của thế kỷ trước. Vụ muối năm nay diêm dân sản xuất khoảng 1.514ha, giảm 108ha so với vụ muối trước, với sự tham gia của 1.487 hộ diêm dân và gần 3.500 lao động sản xuất.

Theo diêm dân, vụ muối năm nay, mưa kết thúc trễ so với những năm trước (xuống vụ trễ hơn 1 tháng), mưa trái mùa đột ngột… Vì vậy, một số hộ diêm dân bỏ đất trống, không tiến hành sản xuất, một số hộ có diện tích đất muối vùng trũng chuyển qua cải tạo thành ao nuôi tôm biển. Nguyên nhân dẫn đến diện tích sản xuất muối giảm là do năm 2016 giá muối luôn ở mức thấp hơn giá thành sản xuất (khoảng 230 đồng/kg so với 600 đồng/kg) lại khó tiêu thụ. Đáng nói hơn,việc triển khai mô hình sản xuất muối sạch (muối trải bạt) của địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính do giá muối bấp bênh, đầu ra không ổn định, đa số diêm dân chưa đồng tình mà vẫn sản xuất theo tập quán cũ, không mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất muối trải bạt.

Chị Nguyễn Thị Yến Xuân ở xã Thạnh Phước cho hay: Muối trải bạt đầu tư chi phí cao. Đầu ra so với giá muối thô không chênh lệch bao nhiêu, đầu tư không nổi nên không có làm. “Ở đây làm muối phủ bạt cực lắm, chi phí quá cao, từ 70 - 100 triệu đồng, nên đâu có mần nổi. Như cho mượn vốn biết năm nào mần hòa vốn trở lại, giá muối yếu như hiện tại không thể hoàn vốn được”- chị Xuân chua chát nói.

Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, từ đầu năm đến nay, diêm dân chỉ thu hoạch khoảng hơn 20 ngàn tấn muối, cùng với số muối còn tồn từ năm trước hơn 18 ngàn tấn muối, trong đó huyện Ba Tri tồn 14 ngàn tấn, Bình Đại tồn hơn 4.300 tấn. Muối tồn là do năm nay diễn biến thời tiết thất thường, hay xuất hiện mưa trái mùa nên sản lượng muối thấp, diêm dân trữ muối lại để chờ giá cao mới bán ra thị trường. Nghề này hiện đang giải quyết việc làm ổn định cho gần 4.000 lao động. Việc tháo gỡ các khó khăn liên quan đến ngành muối luôn là mối quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh trong những năm gần đây. “Hướng tới phải từng bước thay đổi tập quán sản xuất người dân và tổ chức sản xuất chặt chẽ hơn. Chúng tôi tổ chức liên kết giữa người sản xuất muối sạch và tổ chức 1 cơ sở chế biến muối tại địa phương, để thu mua với giá cao hơn muối thường từ 15 - 30%. Chúng tôi cũng đã xây dựng 1 dự án hỗ trợ cho các hộ diêm dân nghèo làm muối trải bạt. Hình thành tổ hợp tác để diêm dân tổ chức sản xuất và tiêu thụ tốt có vốn tích lũy, tái đầu tư trải bạt trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Thượng - Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết.

Do diễn biến nghề muối ngày càng lâm vào hoàn cảnh khó khăn, hiện nhiều diêm dân cho biết sẽ bỏ đất trống, không sản xuất muối năm sau hoặc chuyển sang nuôi thủy sản quảng canh. Nghề muối góp phần giải quyết việc làm khoảng 4.000 lao động ở 2 huyện ven biển vốn đã nhiều khó khăn vẫn chưa có hướng nào khiến diêm dân phấn khởi.

Trọng Đạt

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang