• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông nghiệp hữu cơ - Người bạn của sức khỏe

Nguồn tin:  Báo An Giang, 26/04/2017
Ngày cập nhật: 27/4/2017

Trong thời điểm hiện nay, nguồn thực phẩm bẩn ngoài thị trường đã và đang tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng. Chính vì thế, một mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn sẽ là một hướng đi đúng đắn, cần thiết, hợp xu thế.

Hướng đi cần thiết

Theo nhiều nghiên cứu, đánh giá cho thấy, mức độ sử dụng phân, thuốc hóa học ở An Giang cũng như trên cả nước là khá cao. Quá trình thâm canh, tăng vụ liên tục đã làm cho nông dân “thua” ngay trên chính mảnh đất của mình. Chính chi phí sản xuất quá nhiều, đến cuối vụ bà con chẳng còn bao nhiêu lợi nhuận vì phải đầu tư phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)… Điều này làm cho đất ngày càng bạc màu, chưa kể nông sản tạo ra không an toàn vì còn tồn dư lượng thuốc BVTV. Nhận thấy được tính cấp thiết của vấn đề, cũng như những khó khăn của nông dân, Trạm BVTV TP. Long Xuyên phối hợp nhiều công ty, đơn vị trong và ngoài tỉnh hình thành dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất heo hữu cơ và rau hữu cơ tại TP. Long Xuyên”. Thời gian thực hiện dự án trong 2 năm (từ tháng 11-2016 đến tháng 11-2018), với tổng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng, trong đó trên 2,3 tỷ đồng được hỗ trợ từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương.

Khổ qua trồng hữu cơ cho trái sai và sớm hơn canh tác truyền thống

Ông Nguyễn Thanh Sơn (Trưởng trạm BVTV TP. Long Xuyên) - Chủ nhiệm dự án cho biết, khi được triển khai, dự án sẽ xây dựng thành công các mô hình: Nuôi heo hữu cơ theo phương thức gia trại (quy mô 1.000 con/năm, tương đương 85 tấn thịt); sản xuất rau hữu cơ (sản lượng 150-160 tấn rau/năm); tiêu thụ sản phẩm rau, thịt hữu cơ với hình thức liên kết các các doanh nghiệp. Đồng thời, đào tạo và tập huấn kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp hữu cơ kỹ thuật viên và nông dân ở địa phương. “Khi tham gia dự án, nông dân sẽ được hỗ trợ về nguyên, vật liệu và kỹ thuật xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ. Từ hạt, con giống, phân bón hữu cơ (phân bò, gà, đậu nành), hệ thống phun tưới tự động…”- ông Sơn thông tin.

Nông sản an toàn

Xã Mỹ Khánh và phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên) là 2 địa phương đầu tiên được chọn triển khai thực hiện dự án với diện tích 8 héc-ta trồng rau hữu cơ; 3 hộ nuôi heo hữu cơ với số lượng khoảng 80 con được ký hợp đồng liên kết tiêu thụ. Theo đó, có từ 8-10 loại rau sẽ được 30 hộ dân (4 héc-ta) và Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam (4 héc-ta) canh tác và tiêu thụ nông sản hữu cơ cho những hộ tham gia. “Thực ra, canh tác hữu cơ có thể hiểu đơn giản, là phương pháp canh tác đã có từ xa xưa của ông bà mình khi sử dụng nguồn phân chuồng: Bò, gà, heo… có sẵn ở địa phương. Bên cạnh đó, tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng cây trồng và các chất kháng sinh trong chăn nuôi…”- ông Sơn phân tích.

Đối với mô hình trồng rau hữu cơ, đầu tiên nông dân sẽ được hướng dẫn quy trình ủ phân bò, gà, đậu nành với những phương pháp đơn giản, tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp. Điển hình như việc ủ phân bò bằng cách rải vôi bột, hoặc tốt hơn thì đưa một vài dòng nấm vào… Bên cạnh đó, sử dụng mái vòm, mùng cho một số loại rau ăn lá hoặc chất xua đuổi, bã chua ngọt cho loại rau lấy quả. Còn nếu thấy phát triển tốt thì không cần sử dụng bất kỳ loại gì ngoài việc bón phân hữu cơ mỗi tuần 1 lần. Với mô hình nuôi heo hữu cơ, dự án sẽ cung cấp cho nông dân con giống F1 và không sử dụng bất kỳ chất tăng trưởng nào trong quá trình chăn nuôi, ngoài việc cho ăn tấm cám, cá nấu hàng ngày. Tuy thời gian nuôi có chậm hơn kiểu nuôi công nghiệp nhưng lượng thịt tạo ra đạt chất lượng là thịt sạch. Đây là điều mà thị trường cũng như người tiêu dùng đang rất cần.

“Tôi thấy trồng rau hữu cơ dễ lắm. Đầu tiên bón lót nền bằng phân bò, gà và hàng tuần tưới đậu nành được ủ sẵn là xong, đâu có giống như phân hóa học phải tưới rồi xả lại. Thay vì khổ qua trồng trước giờ 30 ngày mới cho trái, giờ áp dụng phương pháp này chỉ 25-27 ngày đã cho trái nhiều, to đẹp nữa”- anh Nguyễn Văn Bé Tám, người trực tiếp canh tác cho Công ty TNHH MTV TMDV Phan Nam cho biết.

Ánh Nguyên

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang