• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông nghiệp và "con đường" trong tương lai - Bài 4: Gỡ bỏ "rào cản" để phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Nguồn tin:  Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 21/04/2017
Ngày cập nhật: 25/4/2017

Nuôi vịt trong phòng lạnh tại hộ ông Phạm Văn Đạo (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành), đây là một trong những mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Ngày 21-4, HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc với hơn 250 cử tri là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại, DN đầu tư vào nông nghiệp về thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC). Hội nghị do các đồng chí: Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Đình Khoa cho biết, hơn 20 năm qua, nông nghiệp BR-VT tuy có phát triển nhưng vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng, đời sống của bà con nông dân còn nhiều khó khăn, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, giá cả bấp bênh. Trong khi đó, hiện nay tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa của tỉnh ngày càng mạnh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng co hẹp lại, lực lượng lao động ở nông thôn càng lúc càng giảm và yêu cầu về sản phẩm nông nghiệp đưa ra thị trường đòi hỏi chất lượng ngày càng cao mới đáp ứng được yêu cầu khắt khe của khách hàng. Theo khảo sát, bình quân 1 lao động nông nghiệp có thu nhập chưa đến 500 ngàn đồng/tháng. Đây là mức rất thấp, vì vậy, nếu không thay đổi cách làm, thúc đẩy giá trị gia tăng của nông nghiệp thì người nông dân chưa thể sống được và làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri cho rằng, để phát triển NNUDCNC, cần tập trung giải quyết các vấn đề chính: Đất sản xuất NNUDCNC cần diện tích lớn và thời hạn sử dụng đất lâu dài để thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm; DN muốn đầu tư làm NNUDCNC cần có vốn lớn, chính sách ưu đãi lâu dài và ổn định; Năng lực điều hành, trình độ quản lý của nông dân chưa bắt kịp yêu cầu; Xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân và DN trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... Báo Bà Rịa - Vũng Tàu trích đăng một số ý kiến tại Hội nghị của lãnh đạo tỉnh và cử tri về phát triển NNUDCNC.

Ông Trần Văn Phương, chủ tịch hội nông dân huyện Xuyên Mộc:

Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rất rõ nền nông nghiệp truyền thống đang đứng trước rủi ro, thách thức và chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi hội nhập. Bởi hiện nay, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, giá cả hàng hóa không ổn định. Do đó, khi làm NNUDCNC sẽ giúp chúng tôi chủ động hơn, bớt lệ thuộc vào thời tiết, chi phí nhân công... Tuy nhiên, để làm NNUDCNC hiệu quả, trước hết, tỉnh nên quy hoạch những vùng nông nghiệp tập trung. Tại những khu vực quy hoạch này, Nhà nước đầu tư hạ tầng và có cơ chế khuyến khích để mời gọi nông dân và các thành phần kinh tế vào đầu tư sản xuất. Ví dụ như khu vực Hồ Tràm, Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) có thể quy hoạch xây dựng vùng sản xuất các loại dưa lưới, dưa lê. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xây dựng mô hình mẫu đáp ứng các tiêu chí NNUDCNC để chuyển giao công nghệ cho nông dân; xây dựng các chợ đầu mối nông sản để nông dân thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...

Bà Nguyễn Thị Hải Quỳnh, chủ trang trại Ne-Farm (huyện Tân Thành):

Mong muốn được vay vốn ưu đãi.

Hiện nay, Ne-Farm đang gieo trồng rau ăn lá và củ trên diện tích 1ha bằng 2 phương pháp thổ canh và thủy canh áp dụng theo công nghệ tưới của Israel. Tổng vốn đầu tư cho trang trại lên đến gần 3 tỷ đồng. Do vậy, Ne-Farm gặp không ít khó khăn trong vấn đề vốn lâu. Ngoài ra, sản phẩm của Ne-Farm cũng khó tiêu thụ do giá cao, chưa liên kết được với thị trường. Từ thực tế này, Nhà nước cần có chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để các DN, chủ trang trại có vốn đầu tư NNUDCNC. Các cơ quan, ban ngành liên quan cần cung cấp các kênh thông tin về nhu cầu thị trường, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến người tiêu dùng.

Ông Võ Thành Cang, chủ trang trại chăn nuôi heo Vĩnh Tân (huyện Tân Thành):

Tăng cường quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch

Với tổng diện tích khoảng 15ha, trang trại chăn nuôi Vĩnh Tân đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng nuôi 2.800 heo nái theo mô hình chuồng trại khép kín (trại lạnh tự động), kiểm soát chặt chẽ an toàn sinh học và cung cấp con giống đạt chất lượng cao. Từ kinh nghiệm chăn nuôi cho thấy, để tồn tại và phát triển trong lĩnh vực chăn nuôi, các trang trại chăn nuôi phải làm chủ 4 yếu tố gồm: năng suất cao; giá thành sản xuất thấp; thị trường tiêu thụ ổn định; phòng tránh, hạn chế được thiên tai dịch bệnh. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng như Sở NN-PTNT cần tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức sản xuất cho nông dân. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các trang trại tham gia các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.

Ông Lê Quốc Trầm, công ty TNHH Thiện Thoa (xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức):

Tạo quỹ đất lớn, ổn định

Trên thực tế, muốn làm NNUDCNC, ngoài vốn, công nghệ thì cần phải có quỹ đất đủ lớn, ổn định, lâu dài. Hiện Công ty đang trồng 100ha chuối tại xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức), vốn đầu tư 200 triệu đồng/ha, sản phẩm xuất khẩu sang Nga và Hàn Quốc. Tuy nhiên, do diện tích trồng còn quá ít nên DN mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu. Hiện chúng tôi đang có nhu cầu mở rộng diện tích lên 1.000ha để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Do đó, DN rất cần sự hỗ trợ từ địa phương, tạo quỹ đất cho DN thuê ổn định, lâu dài.

Đồng chí Lê Tuấn Quốc, phó chủ tịch UBND tỉnh:

Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy NNUDCNC

Hiện nay, tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển NNUDCNC, bao gồm nhiều lĩnh vực như: Nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất, ứng dụng CNTT vào sản xuất hàng hóa; xây dựng 7 vùng NNUDCNC; đào tại nguồn nhân lực; ươm tạo công nghệ và DN công nghệ cao; xúc tiến thương mại... Mục tiêu của tỉnh là vận động trên 50% DN đang hoạt động đủ các điều kiện công nhận DN NNUDCNC; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất NNUDCNC chiếm trên 30% tổng giá trị nông nghiệp của tỉnh. Tỉnh sẽ dành quỹ đất hơn 5.000ha để DN đầu tư NNUDCNC. Đồng thời, hiện nay tỉnh cũng đang xây dựng chính sách ưu đãi cho nông dân và DN đầu tư sản xuất NNUDCNC. Ngoài ra, tỉnh cũng rất quan tâm đào tạo nguồn lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu từng ngành, nghề trong phát triển NNUDCNC; mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, xây dựng thương hiệu, áp dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản...

Phương Thảo - Thanh Trí

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang