• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mô hình mới trên đồng đất cũ

Nguồn tin:  Nhân Dân, 09/01/2017
Ngày cập nhật: 10/1/2017

Cánh đồng rau trồng theo công nghệ sạch của Công ty TNHH An Phú Hưng, trên đồng đất Lý Nhân (Hà Nam).

Với sự hỗ trợ về vốn từ ngân hàng, nhiều nông dân các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam đã giàu lên từ mô hình gia trại, trang trại. Các chuỗi sản xuất nông sản sạch đã hình thành tại nhiều vùng quê.

Những nông dân dám nghĩ, dám làm

Anh Phạm Văn Nhật là chủ trang trại chăn nuôi vịt trời kết hợp trồng chuối, ổi, táo tại xóm 7, xã Khánh Tiên (Yên Khánh, Ninh Bình). Sau khi tự tìm hiểu thị trường, thử nghiệm và học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, anh Nhật đã thử sức với việc nuôi nhím, lợn rừng. Năm 2013, nhận thấy đồng đất, nguồn nước sông quê mình hợp với chăn nuôi vịt trời, anh thử nghiệm nuôi thành công 500 con trên diện tích hai ha. Sau đó, được hỗ trợ vốn vay từ Agribank, anh mở rộng đàn lên hơn 10 nghìn con với diện tích 6 ha. Ngoài bán vịt thành phẩm, anh nghiên cứu kỹ thuật nuôi vịt đẻ trứng, ấp vịt giống. Mô hình chăn nuôi vịt trời đã cho gia đình thu nhập ổn định 600 triệu đồng/năm. Anh Nhật vừa được tặng Giải thưởng Lương Định Của, vinh danh những thanh niên nông thôn tiêu biểu có khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp tại quê hương.

Lắng nghe câu chuyện của anh Hoàng Văn Điền, sinh năm 1978, thôn Hồng Phong, xã Yên Mạc (Yên Mô, Ninh Bình), người làm giàu từ kinh doanh thức ăn chăn nuôi kết hợp mô hình gia trại, mới thấy để làm giàu từ nghề nông cần phải có kiến thức, vốn và cả sự năng động. Trên diện tích gần 2 ha, gia đình anh nuôi hơn 100 lợn nái và gần 1.000 lợn thịt. Doanh thu từ chăn nuôi đạt khoảng 20 tỷ đồng trong năm 2016, tạo thu nhập ổn định cho 10 lao động, từ bốn đến năm triệu đồng/tháng. Anh Điền thực hiện mô hình này từ năm 2002, sau khi tiếp cận nguồn vốn dành cho phát triển nông thôn của Agribank. Với dư nợ 6,5 tỷ đồng, anh đầu tư nâng cấp chuồng trại, tăng cường kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, anh nhận làm đại lý cấp 1 cung cấp thức ăn chăn nuôi chất lượng tốt cho nông dân theo hình thức trả chậm.

Anh Điền cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm với các thanh niên nông thôn đang tìm hướng lập nghiệp. Bản thân anh đã phối hợp Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp, Đoàn Thanh niên của huyện hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, tặng lợn giống, thức ăn chăn nuôi, giúp nhiều thanh niên lập nghiệp tại quê. Chi nhánh Agribank huyện Yên Mô đã phối hợp chính quyền địa phương, thành lập gần 200 tổ vay vốn, với dư nợ hơn 410 tỷ đồng. Riêng cho vay đối với các hợp tác xã, liên hợp tác xã vẫn còn hạn chế do năng lực người điều hành chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu phương án vay vốn khả thi, khả năng tài chính và phần góp vốn của các thành viên chưa bảo đảm quy định hiện hành.

Từ vốn vay ngân hàng, nhiều mô hình kinh tế hộ đã cho hiệu quả kinh tế cao như nuôi rắn, ba ba, trồng nấm quy trình bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… Tại các địa phương, không hiếm những người phụ nữ lam lũ tháo vát, dám làm, các cựu chiến binh say sưa với nghề nông có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank Ninh Bình Nguyễn Thừa Vũ cho biết, Chi nhánh đã phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân tỉnh ký thỏa thuận liên ngành nhằm thực hiện Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sự liên kết đó tạo điều kiện để các hội viên phụ nữ và nông dân tiếp cận được nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, phát triển các mô hình liên kết sản xuất. Các hội viên giúp nhau sử dụng vốn vay hiệu quả và nêu cao trách nhiệm trả nợ đúng hạn. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn hiện nay của Agribank Ninh Bình đạt gần 7.000 tỷ đồng với 35 nghìn khách hàng, chiếm gần 60% tổng dư nợ. Một số địa phương đã hình thành các tổ liên kết vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế, hoạt động hiệu quả.

Mô hình trồng nấm sạch đã mang lại cho gia đình ông Phạm Văn Mỹ, ở thôn Yên Vân, xã Khánh Vân (Yên Khánh, Ninh Bình) nguồn thu nhập ổn định và được nhân rộng ở vùng quê này.

Hình thành chuỗi giá trị trong nông nghiệp

Giới thiệu cánh đồng rau màu được trồng theo công nghệ sạch của Nhật Bản, trên đồng đất xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân (Hà Nam), Giám đốc Công ty TNHH An Phú Hưng Nguyễn Thu Đang tự tin khẳng định, thị trường Nhật Bản đang rất cần những sản phẩm sạch của Việt Nam, chỉ có điều năng suất của ta chưa đủ đáp ứng. Ngay thị trường Hà Nội, doanh nghiệp cũng mới chỉ đáp ứng được một phần ba nhu cầu đặt hàng của các chuỗi cửa hàng, siêu thị.

Từ một hộ kinh doanh cá thể phát triển thành công ty đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Hà Nam, chị Đang đã tham khảo, học hỏi công nghệ cao của Nhật Bản, tham vấn ý kiến các chuyên gia đầu ngành, tham gia nhiều hội thảo nông nghiệp. Chị nhận thấy xu hướng hội nhập trong nông nghiệp là hướng đi tiềm năng cho các doanh nghiệp có tầm nhìn và nội lực. Nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng thời tiết, nhưng ứng dụng công nghệ cao sẽ hạn chế tác động từ thiên nhiên và cho hiệu quả rất cao. Khi UBND tỉnh Hà Nam có chủ trương tích tụ ruộng đất, chị xung phong đi đầu trồng thử nghiệm 2 ha đậu bắp ở xã Phù Vân, sau mở rộng thành 34 ha tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân.

Chị Đang cho biết, công ty đang thử nghiệm trồng cà chua theo công nghệ giá thể I-xra-en, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Nhật Bản,… Tại vùng rau xã Nhân Khang, được Agribank Hà Nam đầu tư hơn 20 tỷ đồng với cơ chế ưu đãi, công ty của chị Đang đầu tư xây dựng nhà kính trên 20 ha, trồng dưa lưới Nhật Bản, phục vụ xuất khẩu. Doanh nghiệp đã cùng Bộ Công thương và UBND thành phố Hà Nội ký hợp đồng cung cấp nông sản sạch cho thị trường Thủ đô. Tuy nhiên, do trồng rau sạch phải đúng quy trình thời gian mới có sản phẩm, cho nên sản lượng chưa đủ đáp ứng nhu cầu… Dự án nông sản sạch của Công ty TNHH An Phú Hưng đã tạo việc làm ổn định cho hơn 120 lao động. Với thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Cái “bắt tay” của Ngân hàng và nông dân đã hình thành một số mô hình rau sạch và cây ăn quả ở xã Trắc Văn, huyện Duy Tiên. Nổi bật hơn cả là mô hình chăn nuôi bò sữa, một dự án lớn của tỉnh Hà Nam. Theo Giám đốc Agribank Chi nhánh Duy Tiên Phan Văn Dũng, dự án cho vay nuôi bò sữa được thực hiện từ năm 2003. Có giai đoạn, dự án không hiệu quả, do nông dân thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, vốn ít, nhập bò giống không chất lượng, chăn thả như bò thịt, cho nên chất lượng cũng như tỷ lệ sữa không cao. Được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân hàng, có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và hợp đồng chặt chẽ trong bảo quản và tiêu thụ sữa của các thương hiệu lớn như Vinamilk, Cô gái Hà Lan... một số hộ dân như gia đình ông Nguyễn Văn Can ở xã Mộc Bắc, đã mạnh dạn đầu tư công nghệ cao, mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, 90 hộ dân tại năm xã của huyện Duy Tiên tham gia nuôi gần 1.000 con bò sữa. Dự án chăn nuôi bò sữa bền vững đã góp phần thay đổi tư duy làm kinh tế nông nghiệp trong vùng.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Mộc Bắc (huyện Duy Tiên) Hoàng Đức Cảnh, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như để người dân tiếp cận khoa học, phát triển sản xuất, nhu cầu vốn là rất quan trọng. Sau khi xã Mộc Bắc được tỉnh quy hoạch là vùng chăn nuôi tập trung, cùng với Agribank Hà Nam, xã đã nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sữa theo quy chuẩn, được các doanh nghiệp lớn về sữa bao tiêu sản phẩm. Xã chuyển đổi 30 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, cỏ nuôi bò. Từ các mô hình nông nghiệp hiệu quả, có sự liên kết bốn nhà, nhiều dòng sản phẩm nông sản chất lượng cao được tạo ra như cà chua bi, cho giá trị từ 350 đến 370 triệu đồng/ha, gấp ba lần trồng ngô - lúa, nâng thu nhập bình quân đầu người của xã Mộc Bắc từ 33,5 triệu đồng năm 2015 lên 36,5 triệu đồng năm 2016. Xã Mộc Bắc chỉ còn 2,9% số hộ nghèo và đã được công nhận xã nông thôn mới. Kinh nghiệm tại Mộc Bắc cho thấy, tăng đầu tư vốn sản xuất nông nghiệp bền vững là hướng đi hiệu quả, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường nông sản sạch phục vụ trong nước cũng như xuất khẩu.

Chia tay vùng đất này, chúng tôi ấn tượng với những người nông dân đã đổi đời, trở thành những chủ doanh nghiệp, chủ nông trại, gia trại, có thu nhập cao mỗi năm. Nhiều nông dân mong muốn được vay vốn nhiều hơn với lãi suất hợp lý, Nhà nước có cơ chế đất đai linh hoạt hơn nữa để làm nông nghiệp thuận lợi hơn. Để thực hiện thành công các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, nhất là chính sách xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, trên phương diện vĩ mô, cần xem xét, đáp ứng những kiến nghị của người nông dân, để họ tiếp tục gắn bó với đồng đất quê mình.

TIỂU PHƯƠNG

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang