• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông sản Việt cần cải thiện hình ảnh

Nguồn tin:  Người Lao Động, 30/03/2017
Ngày cập nhật: 1/4/2017

Không chỉ nâng cao chất lượng, nông sản Việt Nam xuất khẩu còn phải truyền thông cải thiện hình ảnh với người tiêu dùng nước ngoài

Ngày 30-3, tại TP HCM, Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn chính sách thương mại với chủ đề: “An toàn thực phẩm: Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam” nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Giới thiệu thủy sản Việt Nam tại hội chợ

Ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, nhận xét những năm qua, nông sản thực phẩm Việt Nam đã xuất sang nhiều nước, kim ngạch đạt 22,2 tỉ USD nhưng cùng với đó cũng phát sinh những vấn đề như hàng bị cảnh báo, trả về, nước ngoài tăng cường biện pháp kiểm soát. Nhiều khách hàng có ấn tượng không tốt về nông sản thực phẩm Việt Nam do việc nuôi trồng chưa kiểm soát được hóa chất, kháng sinh.

Bà Miriam Garcia-Ferrer, Tham tán thứ nhất Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), dành nhiều thời lượng nói về thủy sản Việt Nam. Theo bà, EU là thị trường nhập khẩu nông lâm sản thực phẩm lớn nhất thế giới nên không có chuyện làm khó nhà nhập khẩu nhưng có yêu cầu cao về chất lượng nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Thực tế, những quy định của EU không quá phức tạp như nhiều nhà xuất khẩu vẫn nghĩ và nếu đáp ứng được yêu cầu của EU thì có thể dễ dàng thỏa mãn những yêu cầu của các thị trường khác trên thế giới. Như nhóm mặt hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ sống, Việt Nam đã có những DN nằm trong danh sách được EU phê duyệt nhập khẩu nhưng sau đó bị cấm vì khi hàng sang thì kiểm tra không đạt. “Do đó, không phải EU cấm cửa hàng Việt mà chính các bạn đã tự loại mình. Nếu muốn tiếp tục, Việt Nam phải sớm khắc phục theo yêu cầu” - bà Miriam Garcia- Ferrer khuyến cáo.

Một ví dụ khác được bà Miriam Garcia-Ferrer đưa ra là sản phẩm cá tra Việt Nam đã bị một số siêu thị của Pháp ngưng kinh doanh không phải vì vi phạm an toàn thực phẩm mà do nghi vấn về vấn đề môi trường. “Tuy nhiên, tôi đã đi thực tế tại các tỉnh ĐBSCL và thấy nhiều mô hình sản xuất cá tra bền vững nhưng những điều này người tiêu dùng EU không biết. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh truyền thông cải thiện hình ảnh cá tra bằng những câu chuyện tích cực về một nước thu nhập trung bình, người dân ngày càng khó tính hơn trong đòi hỏi chất lượng, quan tâm đến môi sinh...” - bà tham tán khuyến nghị.

Ngoài ra, Việt Nam nên tăng cường quảng bá các sản phẩm chất lượng cao với các tiêu chuẩn tự nguyện cao hơn yêu cầu của luật pháp như sản phẩm hữu cơ, phát triển bền vững, thương mại công bằng,... và người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao 2-3 lần.

Trước đó, tại hội thảo về phát triển cá tra bền vững, dự án do EU tài trợ 80%, một nghiên cứu về người tiêu dùng Áo cho thấy 48% có ấn tượng không tốt về cá tra Việt Nam vì những nguyên nhân như: sản phẩm sản xuất hàng loạt, nghi vấn về hóa chất, kháng sinh... nên cần phải có các hoạt động truyền thông để người tiêu dùng EU hiểu đúng về quy trình sản xuất cá tra tại Việt Nam.

Trao đổi với báo chí về việc chống lại truyền thông quốc tế bôi bẩn, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng chỉ VASEP thôi chưa đủ mà cần sự kết nối với các địa phương, các ao nuôi, nơi thực hiện giai đoạn nuôi trồng. Một vấn đề khác là giữa lúc những thị trường truyền thống như Mỹ, EU gặp khó thì cá tra lại phát triển nóng ở thị trường Trung Quốc với mức tăng trưởng dự báo lên đến 30%. Theo ông Hòe, nên nhìn nhận với cá tra, Trung Quốc có nhu cầu thật sự. Vấn đề là Việt Nam phải kiểm soát chất lượng cá tra xuất khẩu đi Trung Quốc kể cả đường tiểu ngạch và chính ngạch để giữ uy tín trên thị trường.

EU cảnh báo cá hồng Việt Nam

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa yêu cầu các DN chế biến hải sản rà soát chương trình quản lý chất lượng, nhận diện và đưa vào kiểm soát chỉ tiêu ciguatoxin trong nhóm các sản phẩm cá như: cá hồng, cá cam, cá mú, cá mó... và chủ động lấy mẫu kiểm nghiệm thẩm tra chỉ tiêu này.

Trước đó, EU đã cảnh báo về 2 lô cá hồng phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam nghi nhiễm ciguatera vì đã có một người bị ảnh hưởng khi tiêu thụ sản phẩm từ lô hàng trên thông qua các triệu chứng đặc trưng là nôn, rối loạn cảm giác nhiệt.

Theo tài liệu hướng dẫn “Thủy sản và sản phẩm thủy sản - Các mối nguy và biện pháp kiểm soát” của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), ciguatera được xếp vào các mối nguy tự nhiên, gắn liền với một số loài cá biển sinh sống tại các rạn san hô ăn các tảo độc sinh ra độc tố ciguatoxin.

Ngọc Ánh

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang