• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làng muối trải bạt

Nguồn tin:  Báo Khánh Hòa, 22/03/2017
Ngày cập nhật: 25/3/2017

Hiện nay, thôn Xuân Mỹ (xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), các hộ diêm dân đều áp dụng công nghệ muối trải bạt. Tuy hiệu quả sản xuất muối trải bạt khá cao, nhưng do vốn đầu tư lớn, giá muối bấp bênh nên diêm dân gặp không ít khó khăn.

100% hộ áp dụng công nghệ mới

Hiện nay, diêm dân thôn Xuân Mỹ đang tất bật vào vụ sản xuất sau hơn 2 tháng trễ vụ do thời tiết. Đang hướng dẫn nhóm thợ san phẳng nền của khu vực ruộng muối mới, ông Trần Hữu Độ cho biết, việc áp dụng công nghệ muối trải bạt tại Xuân Mỹ có từ năm 2013 và ông là một trong những người đi đầu. Đến nay, ông đã đưa 20ha ruộng muối với tổng diện tích ô trải bạt kết tinh khoảng 5ha vào sản xuất; bình quân 1ha ruộng kết tinh cần 40 cây bạt, tương đương 120 triệu đồng, đó là chưa kể kinh phí sửa chữa, gia cố kênh mương dẫn nước, san phẳng nền để sản xuất muối… Tổng cộng, ông đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng để sản xuất muối trải bạt. Theo ông Độ, sản xuất muối trải bạt có nhiều ưu điểm, năng suất cao gấp đôi (150 tấn/ha) và giá thành gấp 1,5 lần so với ruộng muối đất.

Ruộng muối mới của ông Độ đang chuẩn bị mặt bằng vào vụ

Còn ông Lê Văn Bình cho hay, ông đã đầu tư hơn 260 triệu đồng để trải bạt cho 2ha ruộng muối. Tuy còn khó khăn nhưng ông cũng cố gắng tích lũy, vay mượn để đầu tư, bởi năng suất, chất lượng cũng như giá bán muối trải bạt cao hơn nhiều so với ruộng muối đất.

Ông Trần Văn Lực - Trưởng thôn Xuân Mỹ cho biết, Xuân Mỹ là thôn có diện tích muối lớn nhất thị xã Ninh Hòa, với 180ha ruộng muối, tương đương sản lượng muối của cả xã Ninh Diêm. Khoảng 5 năm trước, hộ làm muối trải bạt rất ít, bởi mô hình này cần vốn đầu tư khá cao. Nhưng qua thời gian, thấy được ưu thế về năng suất, chất lượng, giá cả nên 100% hộ làm muối trong thôn áp dụng công nghệ muối trải bạt. Hiện nay, muối trải bạt có thể đạt sản lượng 150 tấn/ha.

Chờ nguồn vốn hỗ trợ

Tuy nhận thức được hiệu quả của công nghệ mới, nhưng diêm dân làm muối vẫn còn khó khăn do gánh nặng đầu tư, nhiều người vay nợ ngân hàng đến nay chưa thể trả hết nợ. Khoảng 3 năm trở lại đây, giá muối có khi chỉ còn 400 đồng/kg (bằng 1/2 so với lúc bình thường) nên diêm dân lao đao. Trong khi đó, bạt lót chỉ sử dụng được từ 3 đến 4 năm tùy thuộc vào chất lượng và sự gìn giữ của diêm dân. Ông Bình cho biết, gia đình ông phải vay mượn nhiều nơi, kể cả ngân hàng để đầu tư mô hình muối trải bạt. Do số tiền đầu tư lớn, trong khi giá muối luôn bấp bênh nên sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Vì thế, hầu hết người làm muối ở Ninh Thọ gặp không ít khó khăn, mong muốn được tỉnh hỗ trợ vốn sản xuất cũng như tìm đầu ra cho hạt muối.

Bà Trần Thị Điệp - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ cho rằng, diêm dân khi áp dụng công nghệ mới cần có tiền đầu tư. Tuy nhiên, do tiềm lực tài chính hạn hẹp nên hầu hết diêm dân phải vay ngân hàng. Vừa qua, HĐND tỉnh đã tháo gỡ khó khăn cho diêm dân khi ban hành Nghị quyết 26/2016 về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Tuy nhiên, đến nay, chính sách hỗ trợ vẫn chưa tới tay diêm dân.

Theo ông Trương Hữu Lan - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, ứng dụng công nghệ muối trải bạt được Nhà nước khuyến khích, Xuân Mỹ là thôn nhân rộng được công nghệ này, rất đáng biểu dương. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 26, trong đó có nội dung hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay đầu tư sản xuất muối kết tinh trên bạt; mức cho vay không quá 50 triệu đồng/ha; hạn mức đối với cá nhân là 250 triệu đồng, hợp tác xã 500 triệu đồng, thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 2 năm. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang làm văn bản trình tỉnh hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 26. Các địa phương sẽ phải thực hiện theo mẫu biểu của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, định kỳ ngân hàng báo kết quả cho Sở Tài chính. Sở Tài chính cân đối ngân sách để trả lãi suất hỗ trợ cho diêm dân.

V.L

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang