• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sản xuất khó khăn vì mực nước sông Hồng xuống thấp

Nguồn tin:  Kinh Tế Đô Thị, 22/03/2017
Ngày cập nhật: 24/3/2017

Mực nước sông Hồng hạ thấp trong những năm qua đã tác động mạnh mẽ đến tình hình sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.

Ngày 22/3, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tổ chức hội thảo “Đánh giá ảnh hưởng của hạ thấp mực nước sông Hồng và các giải pháp giảm thiểu”.

Trạm bơm Phù Sa, thị xã Sơn Tây.

Từ khoảng hơn 10 năm nay, dòng chảy mùa kiệt hệ thống sông Hồng đều ở mức thấp, không bảo đảm cho các công trình thủy lợi lấy nước. Để bảo đảm nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân cho khoảng 630.000ha thuộc 12 tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, hàng năm Bộ NN&PTNT phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các địa phương thống nhất kế hoạch điều tiết, bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện cho hạ du hệ thống sông Hồng.

Song những năm gần đây, việc duy trì mực nước trên sông Hồng đạt mức thấp nhất +2,20m để đáp ứng yêu cầu lấy nước cũng rất khó khăn. Đặc biệt, mực nước sông Hồng hạ thấp khiến cho một số trạm bơm ở khu vực Hà Nội như: Thanh Điềm, Liên Mạc, Đan Hoài… không có nước để vận hành máy bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Năm 2017, Hà Nội phải huy động tối đa các nhà máy điện vận hành ngày đêm mới cơ bản duy trì được mực nước +2,20m, song một số nơi vẫn còn khó khăn. Điển hình như Trạm bơm Phù Sa (Sơn Tây) do thiết kế trước đây có cao trình 5,2m trong khi mực nước sông Hồng chỉ đạt 4,8m nên không phát huy được hiệu quả.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến việc mực nước sông Hồng bị hạ thấp là sự xói lở lòng sông do ảnh hưởng từ các hồ chứa lớn ở Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang và tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sông. Theo ước tính, các hồ chứa hiện có tổng dung tích hơn 30 tỷ mét khối nước, hàng năm chỉ tính riêng vụ Đông Xuân, xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp (3 đợt) trong vòng 20 ngày với 5 tỷ mét khối nước đã gây tác động xói lở lòng sông Hồng. Bên cạnh đó, việc khai thác cát hằng năm khoảng 33 triệu mét khối khiến cho lòng sông Hồng bị hạ thấp, mực nước ngày càng xuống thấp.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã đưa ra một số giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của mực nước sông Hồng hạ thấp. Theo GS.TS Hà Văn Khối - nguyên giảng viên Trường Đại học Thủy lợi, quan trọng nhất là việc quản lý vận hành của các hồ chứa thượng nguồn để giảm thiểu mức độ xói lở lòng sông Hồng. Còn theo PGS.TS Đào Trọng Tứ, các công trình thủy lợi, hệ thống trạm bơm, hệ thống đập trên địa bàn Hà Nội thiếu đồng bộ không còn phù hợp với hiện trạng mực nước trên sông Hồng. Do đó, cần phải khẩn trương xây dựng mới hoặc cải tạo các trạm bơm dã chiến để hoạt động có hiệu quả trong công tác cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh, mực nước sông Hồng hạ thấp trong những năm qua đã tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, giao thông, môi trường và mọi sinh hoạt của Nhân dân Thủ đô. Do vậy, đề nghị Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam khẩn trương rà soát lại số liệu cụ thể xói lở và tình hình khai thác cát để báo cáo Chính phủ, Bộ NN&PTNT. Đặc biệt, có những tham mưu về các quyết sách trong khai thác cát và vận hành các hồ chứa nước thủy điện.

Được biết, hiện nay Bộ NN&PTNT đã có đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu giải pháp tổng thể công trình đập dâng nước nhằm ứng phó tình trạng hạ thấp mực nước, bảo đảm an ninh nguồn nước cho hạ du sông Hồng”.

THIÊN TÚ

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang