• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đáng nể những “kỹ sư chân đất”

Nguồn tin:  Báo An Giang, 22/03/2017
Ngày cập nhật: 23/3/2017

Từ những kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn sản xuất, cộng với niềm đam mê sáng tạo khoa học - kỹ thuật, nhiều nông dân đã tự tìm tòi, nghiên cứu, sáng chế ra các loại máy móc, công cụ có tính ứng dụng cao, tiện lợi, góp phần giải phóng sức lao động. Họ được gọi vui là những “kỹ sư chân đất”.

Từ máy tách vỏ đậu phộng…

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân huyện An Phú, tỉnh An Giang đặc biệt là các xã Phước Hưng, Phú Hữu… đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây đậu phộng có giá trị kinh tế cao hơn. Loại cây trồng này giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả nên diện tích ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong khi lao động nông thôn ngày càng khan hiếm thì việc trồng đậu phộng đòi hỏi rất nhiều nhân công, từ lúc trồng, thu hoạch cho đến tách vỏ ra thành phẩm cuối cùng. Nắm bắt được yêu cầu của người trồng đậu, bản thân cũng là nông dân nên anh Lê Hữu Phúc, ấp Phước Khánh (xã Phước Hưng), đã suy nghĩ, tìm giải pháp hạn chế sự can thiệp của lao động chân tay vào quá trình canh tác.

Ông Nguyễn Văn Hơn đang cải tiến một “xác” máy thành máy kéo cây phục vụ Tổ cất nhà từ thiện

Anh Phúc cho biết, từ năm 2008, cây đậu phộng phát triển rất mạnh ở xã Phú Hữu. Sau khi thu hoạch, nông dân thường dùng tay để tách hạt, vừa tốn công, vừa mất thời gian. Thấy vậy, anh Phúc bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu thiết bị có thể thay thế cho lao động chân tay. Qua 1 năm làm việc miệt mài bất kể ngày đêm, cùng với sự tâm huyết, chiếc máy tách vỏ đậu phộng ra đời. Với chiếc máy này, năng suất lao động tăng lên khoảng 100 lần so lao động chân tay. “Nếu trước đây, nông dân tách hạt bằng tay 1 giờ được 6kg thì với chiếc máy này, công suất đạt 600kg/giờ. Ngoài ra, chiếc máy còn đáp ứng được một số tiêu chuẩn như: Hiệu quả kinh tế cao, an toàn lao động, không gây hại cho môi trường, giải quyết bài toán về thiếu hụt lao động nông thôn” - anh Phúc nhận định.

Ngoài máy tách vỏ đậu phộng, anh Phúc còn nghiên cứu, chế tạo nhiều loại máy móc phục vụ nông nghiệp khác như: Máy nghiền rơm để phục vụ việc trồng nấm, máy cắt nước đá… Hiện nay, anh đang nghiên cứu, chế tạo máy sạ hàng phục vụ cho việc trồng lúa. “Anh Phúc là một trong những nông dân đi đầu trong việc sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, phát minh những nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân giải phóng sức lao động ở địa phương. Những sáng chế của anh Phúc đảm bảo tính an toàn lao động, nâng cao năng suất, mang lại hiệu quả cao, phù hợp túi tiền nên được nông dân ưa chuộng”- ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hưng, nhận định.

… đến lão ông chế tạo máy miễn phí

Là một kỹ sư tay ngang, ông Nguyễn Văn Hơn (60 tuổi), ngụ ấp Phước Thạnh, xã Phước Hưng (An Phú) không thua kém bất kỳ một thợ lành nghề nào, với tài chế tạo từ những cỗ máy bỏ đi. Tuổi cao và bắt đầu làm “thợ” từ vài năm nay, ông Hơn đã chế tạo được trên 30 máy các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp và từ thiện.

Anh Phúc với chiếc máy tách vỏ đậu phộng

Gia đình ông Hơn sống bằng việc buôn bán hoa màu, quanh năm rong ruổi trên ghe đi khắp xứ nhưng vẫn lỗ, mãi về già mới lên bờ làm ruộng. Những lúc rảnh, ông thường đem vật dụng trong nhà ra sửa cho đỡ buồn, cải tiến sao cho sử dụng dễ hơn, làm việc nhanh hơn. Dần dà có kinh nghiệm, ông nghiên cứu chế tạo ra các loại máy lớn. Lấy nguyên liệu là “xác” máy nông nghiệp, ông chế tạo máy suốt bắp, máy cải tiến kéo cây, máy bào thuốc nam, xe chữa cháy mini, lò áp suất nấu cơm bằng củi thay cho nhiên liệu gas, máy cày mini… Trong đó, nhiều loại máy đã được người dân “đặt hàng” làm với số lượng nhiều, như: Xe chữa cháy mini làm từ máy suốt cũ, có bơm nén xịt nước xa 40mét; máy suốt bắp năng suất 6-7 tấn/giờ, tách sạch hạt, vỏ, cùi riêng; lò hấp cơm cải tiến từ lò thị trường, rút ngắn thời gian nấu từ 3 tiếng còn 45 phút, nấu chín 20 xửng cùng lúc; máy bào thuốc nam sử dụng tại cơ sở từ thiện khắp các địa phương trong tỉnh.

Ông Hơn chia sẻ: “Tôi thường có ý tưởng trong đầu ăn chắc 70-80%, khi làm xong chỉ cần vận hành thử nghiệm 1 - 2 lần để điều chỉnh lại là sử dụng máy ngon lành”. Điều đặc biệt là làm ra rất nhiều loại máy nhưng ông Hơn chưa từng lấy tiền công của bất cứ ai. Mỗi loại máy, ông chỉ yêu cầu cung cấp nguyên liệu, còn ý tưởng và công lao động do ông Hơn bỏ ra, ngay cả thợ làm việc cũng là nhân lực của Hội Chữ thập đỏ xã hoặc từ các nơi khác đến phụ. Ngoài chế tạo máy miễn phí cho bà con, ông Hơn “bỏ ống” tiền làm ruộng và vận động người hảo tâm để giúp đỡ những hộ hoàn cảnh khó khăn ngay tại địa phương.

ĐỨC TOÀN - MỸ HẠNH

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang