• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

“Cuộc chiến mặn - ngọt”: Bao giờ kết thúc?

Nguồn tin:  Báo Bạc Liêu, 13/03/2017
Ngày cập nhật: 15/3/2017

Hằng năm, cứ vào mùa khô là “cuộc chiến mặn - ngọt” trong sản xuất lại diễn ra gay gắt. Vào thời điểm này, trong khi vụ lúa đông xuân đủ nước ngọt thì một số nơi nông dân thiếu nước mặn để sản xuất lúa - tôm. Điều tiết nước để phục vụ nhu cầu sản xuất cho nông dân sẽ mãi là một bài toán khó nếu không có sự liên kết chặt chẽ.

Cống Đá - một trong những cống ở TX. Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng (giáp với tỉnh Bạc Liêu) đóng - mở thường xuyên để điều tiết nước phục vụ sản xuất. Ảnh: P.Đ

Những ngày này, nông dân ở vùng ngọt thuộc các huyện Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi… phấn khởi vì sắp trúng đậm vụ lúa đông xuân. Do lượng nước ngọt năm nay dồi dào nên lúa đông xuân không chỉ đủ nước mà tình trạng xâm nhập mặn cũng không có. Theo ông Nguyễn Văn Hăng, nông dân xã Hưng Phú, huyện Phước Long: “Vụ lúa đông xuân năm nay đủ nước một phần là nhờ những trận mưa xen kẽ giữa vụ. Lượng nước ngọt dồi dào nên lúa không bị khô hạn như những năm trước. Đến thời điểm này, bà con xem như cầm chắc một vụ lúa đạt năng suất cao”.

Đủ nước ngọt là tín hiệu vui cho vùng chuyên canh cây lúa. Song, đối với không ít người nuôi tôm trên vùng chuyển đổi canh tác lúa - tôm lại gặp khó khăn vì thiếu nước mặn. Một số nơi ở huyện Phước Long, độ mặn của nước còn ở mức thấp như ấp Phước Hòa Tiền, ấp Phước Hòa A (thị trấn Phước Long); ấp Phước Trường (xã Phước Long)… Theo ngành chức năng, độ mặn đo được ngày 9/3/2017 tại Ninh Quới là 0,1‰, Hoa Rô 17,2‰, Đìa Muồng 3,6‰, độ mặn trên kênh xáng Hòa Bình dao động từ 6 - 8‰. Kết quả là sau nhiều lần thả tôm sú bị thiệt hại, người dân khu vực này phải thả nuôi tôm thẻ.

Điều tiết nước sản xuất cho vùng chuyển đổi không đơn thuần là đưa nước mặn vào để làm tăng độ mặn trong khu vực có độ mặn kém. Bởi lẽ, nếu đưa nước mặn về thì sẽ ảnh hưởng đến diện tích lúa đông xuân. Bên cạnh đó, có thể làm ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân tỉnh giáp ranh như Sóc Trăng.

Nông dân Lê Văn Thành (ngụ phường 3, TX. Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Hiện nay, nước sông đã bắt đầu mặn. Chính quyền địa phương đang tích cực trữ ngọt, ngăn mặn để bảo vệ trà lúa đông xuân sắp thu hoạch. Nếu phía Bạc Liêu rút nước ngọt đưa nước mặn từ biển đổ về sẽ ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất lúa hè thu sắp tới. Bởi, nếu đất nhiễm mặn thì phải đợi mưa xuống rửa mặn. Nếu nắng hạn như những năm trước thì nguy cơ trễ vụ và mất mùa là rất lớn”.

Ông Trương Phước Hiền, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho rằng: “Một trong những nguyên nhân khiến một số khu vực thiếu nước mặn sản xuất tôm trên đất lúa còn tùy thuộc vào lượng mưa trong năm. Cụ thể, trong năm 2016 - 2017 lượng mưa đo được là 1.160mm - cao gần gấp đôi so với năm trước, cộng với lượng nước từ thượng nguồn ở các tỉnh như Hậu Giang, Cần Thơ đổ về làm giảm độ mặn. Huyện Phước Long đang điều tiết nước cho khu vực thiếu nước mặn để đảm bảo nhu cầu sản xuất của nông dân. Đồng thời địa phương cũng đóng nhiều cống phân ranh mặn - ngọt để bảo vệ diện tích lúa đông xuân trong giai đoạn gần thu hoạch. Để giải quyết dứt điểm việc tranh chấp mặn - ngọt thì cần những giải pháp liên kết điều tiết nước liên tỉnh, thậm chí là liên kết vùng”.

Những ngày qua, nhờ sự nỗ lực điều tiết nước của ngành Nông nghiệp nên hiện nay độ mặn trên các sông đã cao hơn rất nhiều. Cụ thể như ở Chủ Chí (xã Phước Long) đã gần đạt mức 20‰, những ngày tới ở các vùng nuôi tôm sẽ duy trì độ mặn ở mức 5 - 20‰ đảm bảo cho con tôm phát triển tốt nhất. Mới đây, ngành Nông nghiệp có kế hoạch mở 2 cống để điều tiết nước mặn phục vụ nuôi tôm, gồm: cống Hộ Phòng được mở vào ngày 13 - 14/3, cống Giá Rai sẽ được mở vào ngày 15 - 16/3. Đồng thời, đảm bảo nước mặn không tràn qua khu vực phường 3 (TX. Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) để không ảnh hưởng đến vùng lúa đông xuân. Trong quá trình điều tiết nước mặn, các cống ngăn mặn trữ ngọt sẽ luôn được đóng chặt và được kiểm tra thường xuyên để tránh xảy ra sự cố rò rỉ xâm nhập mặn vào vùng ngọt.

Thực tế cho thấy, đặc điểm sản xuất chung của nhiều tỉnh trong khu vực ĐBSCL như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ… đều sử dụng cùng một nguồn nước. Vấn đề là làm thế nào để điều tiết theo từng thời điểm, tùy thuộc vào nhu cầu của cây trồng, vật nuôi ở từng địa phương. Thiết nghĩ, để giải quyết vấn đề này, bên cạnh việc liên kết điều tiết nước, ngành Nông nghiệp cần xây dựng hệ thống cống lớn để phục vụ sản xuất. Đồng thời cần có giải pháp cơ cấu lại mùa vụ chung cho cả khu vực để đảm bảo cân bằng trong sử dụng nguồn nước, tránh tình trạng “nơi thiếu nước ngọt, chỗ cần nước mặn”.

Phạm Đoàn

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang