• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nỗi lo xâm nhập mặn

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ, 06/03/2017
Ngày cập nhật: 7/3/2017

Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Nam Bộ, xâm nhập mặn (XNM) là một trong những hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH) xảy ra thường niên tại khu vực ĐBSCL. Những tháng mùa khô đầu năm 2017, XNM xuất hiện ở nhiều địa phương trong khu vực, ảnh hưởng sản xuất, sinh hoạt người dân. Giải pháp ứng phó đang được các ngành, các cấp khu vực ĐBSCL quan tâm thực hiện...

Không nên chủ quan, lơ là

Theo Viện nghiên cứu BĐKH (thuộc Trường Đại học Cần Thơ), ĐBSCL có địa hình bằng phẳng, với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc, đóng vai trò thiết yếu trong phát triển kinh tế, dân sinh. Đặc biệt, hệ thống sông ngòi cung cấp nguồn nước chủ yếu cho vùng, nhất là sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước trên sông rạch trong khu vực đang chịu tác động tiêu cực từ hiện tượng XNM sâu vào nội đồng, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, sinh kế người dân... Những tháng đầu năm 2017, XNM ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL, như: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Kiên Giang... xuất hiện ở mức cao, nhưng ít nghiêm trọng so với mùa khô năm 2016. Mặn xâm nhập sâu xuất hiện từ cuối tháng 2-2017. Trong đó, các vùng cách cửa sông từ 25-35 km độ mặn 4%o xâm nhập thường xuyên, nhất là trong các đợt triều cường, nước biển lên cao. Vùng cách cửa sông từ 35-45 km, mặn 4‰ xuất hiện không thường xuyên, chỉ vào lúc triều cường.

Huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) thường xuyên thực hiện công trình nạo vét, khai thông dòng chảy phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Tại tỉnh Bạc Liêu, hiện tượng XNM sâu vào nội đồng đã xuất hiện vào đầu năm 2017, ảnh hưởng đến đất sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, do nước ngọt ở thượng nguồn sông Cửu Long đổ về thấp, mực nước biển cao, dẫn đến hiện tượng XNM. Ở các địa phương vùng cửa sông, độ mặn xuất hiện dao động từ 1,1‰ đến hơn 4‰, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa. Ngoài ra, nước mặn xâm nhập sâu cũng khiến cho sinh hoạt của người dân gặp khó khăn. Lĩnh vực chăn nuôi cũng chịu tác động xấu. Theo thống kê, sản xuất lúa đông xuân 2016 của Bạc Liệu bị thiệt hại trên 1.300 ha; vụ lúa hè thu thiệt hại trên 20 ha do mặn còn lại trên hệ thống kênh từ đầu mùa khô và lượng mưa chưa đủ để rửa mặn; nuôi trồng thủy sản cũng thiệt hại hơn 1.500 ha...

Ở Sóc Trăng, hạn và XNM đang xuất hiện và ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Mùa khô năm 2016, Sóc Trăng có 31.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, làm thiệt hại gần 900 tỉ đồng. Trong năm có 7 đợt XNM từ Bạc Liêu và thị xã Ngã Năm, độ mặn có thời điểm rất cao, xóa trắng hàng ngàn ha lúa. Nhờ có sự phối hợp giữa 3 tỉnh (Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) trong việc điều tiết, vận hành hệ thống cống vùng sản xuất lúa nên khống chế được độ mặn, hạn chế thiệt hại nhiều vùng đất lúa tại các địa phương. TP Cần Thơ thuộc trung tâm vùng ĐBSCL, cách bờ biển hơn 65km nên nhiều năm trước không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng XNM. Tuy nhiên, tháng 5-2010, độ mặn 1‰ đã xâm nhập và cách trung tâm TP Cần Thơ 12km. Đến tháng 3-2016, độ mặn 2,05‰ xuất hiện trên sông Hậu thuộc địa bàn TP Cần Thơ (được đo lại khu vực Cảng Cái Cui). Độ mặn này vượt mức cho phép dành cho nước ăn uống và ảnh hưởng sinh trưởng một số hoa màu, nuôi trồng thủy sản...

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), cảnh báo: "Các địa phương vùng ĐBSCL phải lường trước được thời tiết bất thường, hạn hán, XNM có thể xảy ra thời gian tới. Nguồn nước ngọt đóng vai trò quan trọng cho sản xuất, sinh hoạt vùng ĐBSCL nên cần chủ động các giải pháp giảm tác động do ảnh hưởng XNM. Dự báo năm 2017 mặn không khốc liệt như năm 2016 nhưng vẫn nghiêm trọng hơn trung bình nhiều năm, các địa phương không nên chủ quan, lơ là trong phòng, tránh...".

Biện pháp ứng phó

XNM ở ĐBSCL diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là trong 10 năm trở lại đây. Việc nước biển xâm nhập sâu vào nội đồng trong mùa khô là mối lo ngại lớn cho toàn vùng. Nguyên nhân chính do thời tiết biến đổi, mùa khô kéo dài, lượng mưa thấp lại kết thúc sớm, lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về cũng hạn chế dần... dẫn đến hiện tượng XNM ngày càng tăng. Theo các nhà khoa học, trước năm 1975 trong mùa khô lưu lượng sông Cửu Long đạt khoảng 2.000m3/giây; lưu lượng các tháng 9, 10 là 40.000m3/s. Hiện nay, lưu lượng nước mùa khô không tới 1700m3/giây, có lúc chỉ đạt 14.000m3/s vào tháng 9, 10 âm lịch. Do đó, hiện tượng XNM sẽ còn tiếp tục kéo dài qua từng năm. Vì vậy, ĐBSCL phải chung sống với mặn. Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định: Tháng 3-2017, độ mặn 4‰ tiếp tục xâm nhập các tỉnh vùng ven biển ĐBSCL, cách cửa sông từ 25km đến 35 km; riêng vùng cách cửa sông từ 35km đến 45 km, mặn 4‰ xuất hiện vào lúc triều cường. Tháng 4-2017, nếu có xả nước từ thượng nguồn, mặn sẽ giảm thấp so với tháng 2-2017 và tháng 5, nếu không có mưa thì độ mặn trên các cửa sông còn cao và có khả năng kéo dài đến tháng 6-2017.

Để chủ động ứng phó và phòng chống hạn, mặn, thời gian qua, các địa phương ở ĐBSCL thực hiện nhiều giải pháp như: khảo sát, lựa chọn đầu tư công trình đập ngăn mặn, trữ ngọt; kiểm tra các công trình hệ thống thủy lợi; đo, quan trắc tình hình XNM trên các sông chính; cập nhật và theo dõi diễn biến tình hình XNM, kịp thời chuyển thông tin phòng, chống hạn, mặn đến các cơ quan chức năng, người dân nắm bắt để có biện pháp phòng chống...

Ở tỉnh Kiên Giang, thời điểm này Chi cục Thủy lợi đóng các cống ở huyện Hòn Đất, Kiên Lương để giữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các tỉnh: Tiền Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng tích cực giữ nước ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời, các công ty cấp nước sửa chữa, nâng hệ thống cấp nước, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở các vùng hạn, XNM. Ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đang triển khai thực hiện các công trình thủy lợi cấp thiết để chống hạn, mặn như: khai thông cống rãnh, nạo vét tạo dòng chảy nội đồng, đầu tư trạm bơm tưới ở các vùng cây ăn trái, xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi hợp lý…

Ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết thêm: "Tổng cục Thủy lợi sẽ dự báo sát tình hình hạn, XNM cả nước, đặc biệt vùng ĐBSCL. Do đó, đề nghị các địa phương theo dõi, cập nhật kịp thời để thông tin đến người dân, đồng thời chỉ đạo giải pháp ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất đạt hiệu quả cao năm 2017".

HÀ VĂN

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang