• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trăn trở từ “vựa lúa”!

Nguồn tin:  Báo Hậu Giang, 01/03/2017
Ngày cập nhật: 2/3/2017

Giữa tháng 2-2017, nông dân ĐBSCL bước vào thu hoạch lúa Đông xuân. Giá lúa ở mức cao 5.200-5.400 đồng/kg là tín hiệu vui đầu vụ. Cùng lúc này, giá cá tra tăng lên mức 22.000-23.000 đồng/kg. Đó là hai “gam sáng” khởi đầu cho năm 2017. Song, nhìn toàn diện, sản xuất nông nghiệp ĐBSCL ngày càng đối diện với nhiều thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế và thị trường nội địa.

Mô hình cánh đồng mẫu ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Tín dụng có “co rút” sau “trốn nợ”?

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năm 2016, diện tích nuôi cá tra ĐBSCL hơn 3.400ha. Đáng chú ý là có 4 tỉnh (Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bến Tre và Đồng Tháp) đã ban hành quy hoạch nuôi cá tra. Cùng lúc này, gần 4.800 ao nuôi cá tra đã được cơ quan chức năng nhận diện và cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu. Trong đó, có gần 3.000ha (khoảng 60% diện tích) được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP và các tiêu chuẩn tương đương. Hiện Việt Nam có khoảng 200 doanh nghiệp xuất khẩu đến 138 thị trường. Trong đó, thị trường tiêu thụ mạnh là Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN… Hiện nông dân nuôi cá tra ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang… được thương lái mua cá với giá 22.000 - 23.000 đồng/kg, nông dân có thể đạt lãi từ 2.000-3.000 đồng/kg. Đây cũng là những địa bàn mà “Top 10” doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam có nhà máy chế biến xuất khẩu như: Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, Hùng Cá, Agifish… Top 10 doanh nghiệp này chiếm đến 55% tổng kim ngạch xuất khẩu (năm 2016 giá trị xuất khẩu đạt trên 1,7 tỉ USD, tăng 9,6%).

Song, một “sự cố bể nợ” đã xảy ra tại An Giang, đặt hàng trăm hộ dân nuôi cá tra vào cảnh khốn đốn. Bởi Công ty Thủy sản Thuận An (ở địa phương) sau khi mua cá chưa trả tiền cho người nuôi thì bỗng nhiên “biến mất”. Điều đáng nói là doanh nghiệp này nằm trong dạng “thí điểm cho vay theo chuỗi”. Cụ thể năm 2014, Công ty Thuận An đã triển khai dự án “chuỗi liên kết dọc trong sản xuất cá tra”. Dự án này có sự tham gia của 3 bên, gồm: Công ty Thuận An, Ngân hàng NN&PTNT An Giang (Agribank An Giang) và các hộ nuôi cá tra. Trong đó, người nuôi được vay vốn từ Agribank An Giang nhưng không nhận tiền mặt mà thông qua việc nhận thức ăn nuôi cá được Agribank trả tiền thay. Thế nhưng các chủ thể đại diện pháp lý của công ty này gần đây đã “mất tích” một cách bí ẩn, để lại số nợ hàng trăm tỉ đồng cho ngân hàng và người nuôi cá. Đây không phải là doanh nghiệp cá biệt “gãy gánh” trong kinh doanh chế biến xuất khẩu cá tra. Trước đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cá tra cũng rơi vào cảnh tương tự, phá sản, chủ doanh nghiệp bị bắt, bị kiện cáo trầm ê.

Người nuôi cá tra lâu nay đang rất khát vốn để tái tạo sản xuất. Tuy nhiên, sự cố chủ doanh nghiệp Thuận An bỏ trốn để lại khối nợ hàng trăm tỉ đồng đang làm cho niềm tin từ các ngân hàng mai một. Liệu có xảy ra tình huống các ngân hàng co cụm tín dụng? Đây là câu hỏi mà những người nuôi cá ở ĐBSCL rất quan tâm. Tuy nhiên, theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ: “Sau sự cố Thuận An, phía ngân hàng cần minh định việc nào ra việc đó. Không vì thế, mà co rút tín dụng sẽ ảnh hưởng đến ngành sản xuất cá tra”.

Rủi ro rất lớn khi doanh nghiệp sụp đổ nếu cho vay theo chuỗi (nắm kẻ có tóc). Đây là những nguyên nhân làm ngành ngân hàng chùn bước, hạn chế cho vay.

Cơ sở hạ tầng yếu thì khó kết nối nông sản

Nhiều nông dân ĐBSCL đang vui mừng khi giá lúa vào vụ thu hoạch đứng ở mức cao từ 5.200-5.400 đồng/kg. Vụ Đông xuân năm nay ước tính sản lượng lúa trong vùng đạt 11 triệu tấn. Đây là sản lượng lớn so với những năm trước đây. Chính vì vậy, áp lực tìm kiếm đầu ra càng cao. Cùng lúc này, Chính phủ Thái Lan đã quyết định sẽ bán xả kho 8 triệu tấn gạo dự trữ lâu nay. Áp lực đầu ra càng đè nặng lên hạt gạo Việt Nam. Mới đây, ngành cá tra đang học hỏi ngành gạo khi đang đưa ra các giải pháp thiết thực để giới thiệu, quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ cá tra ở thị trường nội địa như thông qua: hội thi chế biến các món ăn từ cá tra (Mekong Chef)… Có lẽ đây là phản ứng khá chậm của ngành cá tra nhưng có còn hơn không. Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thị trường đang phát triển mạnh ở nội địa. Kéo theo thay đổi cấu trúc của người tiêu dùng. Hiện người tiêu dùng ở thị trường nội địa đòi hỏi cao hơn các sản phẩm an toàn, nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn. Đây chính là những nguyên nhân gián tiếp ảnh hưởng đến nông sản trong nước. Có thể nói, hơn lúc nào hết, sản xuất nông nghiệp ĐBSCL lúc này cần được đầu tư đúng mức theo hướng chuyên nghiệp.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã về làm việc với tỉnh Cà Mau - một trong những vùng trọng điểm nuôi tôm của cả nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Trong điều kiện biến đổi khí hậu, đó vừa là nguy cơ vừa là thời cơ cho ngành thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm. Điều quan trọng là Việt Nam có đủ điều kiện và lợi thế để phát triển ngành tôm. Chúng ta cần phải có một quyết tâm chính trị và giải pháp đồng bộ để đặt ra mục tiêu đưa ngành tôm tiến lên sản xuất lớn, sản lượng lớn, hiệu quả cao. Mục tiêu của chúng ta đưa ra chậm nhất đến trước năm 2025 phải đạt kim ngạch xuất khẩu ngành tôm là 10 tỉ USD. Ngành tôm phải phát triển bền vững, phấn đấu đạt khoảng 10% GDP quốc gia”.

Những mong muốn ĐBSCL là thủ phủ của ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới là có cơ sở. ĐBSCL không chỉ là vựa lúa, vựa trái cây, còn là nơi có đặc thù nuôi cá tra, nuôi tôm cung cấp cho nhiều nước trên thế giới. Tiềm năng là thế nhưng để vực dậy và phát huy hết thế mạnh của vùng cần có những đánh giá chính xác, đầu tư đúng mức đồng bộ cơ sở hạ tầng để kết nối toàn vùng phát triển. Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ, cho rằng: “Chính phủ đánh giá cao về vai trò ĐBSCL nhưng hành động rất chậm chạp. Cụ thể là tuyến đường cao tốc trong vùng chuyển động rất chậm chạp. Chờ hoài không thấy đường cao tốc Trung Lương đến Cần Thơ. Cơ sở hạ tầng yếu thì khó hình thành các dịch vụ logistic và các khu đô thị”.

Ông Lê Phước Thọ (Sáu Hậu), nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nhận định: “Nông dân còn rất nhiều băn khoăn về vựa lúa của mình. Một bộ phận không nhỏ người dân vùng nước mặn hầu hết đi làm thuê ở Thành phố Hồ Chí Minh. Một số vùng nông thôn không còn lao động. Vấn đề đặt ra lớn nhất cho vùng: Biến đổi khí hậu, nước dâng, hạn, xâm nhập mặn. Mối đe dọa từ hệ thống thủy điện trên sông Mekong… ĐBSCL có nguy cơ thiếu nước ngọt, gây ra ô nhiễm môi trường, không còn phù sa. Trước tình hình như thế, giải pháp để giải quyết thiết thực thì chưa rõ lắm. Theo tôi, không thể làm kiểu cũ. Tư duy phải thay đổi cách làm. Biến cái khó khăn thành tiềm năng lớn, thuận lợi phát triển. Nếu không ĐBSCL sẽ tụt hậu xa hơn. Nhiều hội thảo được tổ chức, nhưng chưa giải quyết được vấn đề. Thay đổi cơ cấu cây trồng ra sao? Mặn, lợ, ngọt đều là tài nguyên. Trước đây tập trung vùng nước ngọt. Chưa nhìn và phát huy tiềm năng vùng nước mặn đúng mức - chưa chắc giá trị thua vùng nước ngọt. Có đặt ra nhưng giải pháp cụ thể thì chưa rõ ràng”.

Những trăn trở của ông Sáu Hậu cũng là những trăn trở lâu nay của nông dân vựa lúa ĐBSCL.

CAO PHONG

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang