• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

VietGAP còn “rối”

Nguồn tin:  Báo Ảnh Đất Mũi, 25/02/2017
Ngày cập nhật: 27/2/2017

VietGAP hiện đang được triển khai ở nhiều địa phương. Ở Cà Mau cụm từ này không còn quá xa lạ với nông dân nữa, nhưng thực tế triển khai vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, vướng mắc.

Nông dân đồng thuận với sản xuất nông nghiệp theo VietGAP, nhưng còn e ngại về vấn đề vốn.

Kết quả bước đầu

Vào đầu năm nay, Phòng Kinh tế TP. Cà Mau phối hợp với UBND xã Lý Văn Lâm (TP. Cà Mau) tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận sản phẩm dưa hấu của Hợp tác xã Lý Văn Lâm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sự kiện này làm nức lòng người trồng dưa ở Lý Văn Lâm bởi họ đã chờ đợi lâu lắm mới được công nhận thương hiệu. Dự án trồng dưa hấu theo hướng VietGAP được Hợp tác xã Lý Văn Lâm triển khai từ tháng 7/2016, có 8 hộ nông dân tham gia với diện tích 4ha. Trong quá trình triển khai, các hộ dân thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình, kết quả năng suất đạt 27,5 tấn/ha. Việc được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP giúp dưa hấu của Hợp tác xã Lý Văn Lâm tạo được thương hiệu, nâng cao uy tín, sức cạnh tranh trên thị trường, tạo thêm động lực để nông dân mở rộng quy mô sản xuất theo hướng bền vững.

Với thế mạnh của tỉnh, mô hình nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP bước đầu đã đem lại hiệu quả cao cho người nuôi tôm tại huyện Đầm Dơi. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp an toàn sinh học theo hướng VietGAP được Ban Quản lý dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” tỉnh Cà Mau (còn gọi là dự án CRSD) hỗ trợ từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án được triển khai tại 161 hộ nuôi tôm trên địa bàn ấp Tân Điền (xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi) trên diện tích trên 100ha. Hiện dự án đang được mở rộng thêm khoảng 90 hộ dân tham gia, với 4 tổ thực hiện. Trong đó, 1 tổ thực hiện mô hình nuôi tôm thẻ công nghiệp sinh học, còn 3 tổ còn lại nuôi tôm quảng canh cải tiến nước tĩnh. Nguồn vốn của dự án 17 triệu USD được hỗ trợ cho 5 huyện, gồm: Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn và huyện Ngọc Hiển.

Ở một thế mạnh khác đó là cây lúa, tỉnh Cà Mau đã đề xuất đặt hàng Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng và phát triển mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP cho hệ canh tác lúa - tôm tỉnh Cà Mau”, để Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, phê duyệt là dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, bắt đầu thực hiện từ năm 2017. Theo kế hoạch, sản xuất lúa ổn định diện tích đến năm 2020 của tỉnh Cà Mau là 313.500ha. Trong đó, lúa cao sản chất lượng cao 70.400ha và 51.100ha lúa mùa, lúa - tôm phù hợp để trồng lúa đặc sản kết hợp với nuôi trồng thủy sản. Đây là hệ canh tác phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu do xâm nhập mặn ngày càng tăng. Do đó, dự án trên là rất cần thiết để phát triển sản xuất lúa chất lượng cao và an toàn thực phẩm để đáp ứng nhu cầu hội nhập. Đặc biệt, hiện nay xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn; nhất là các thị trường khó tính. Vì vậy, nếu tổ chức sản xuất lúa theo VietGAP sẽ góp phần chứng minh việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo và xây dựng thương hiệu gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến, thời gian thực hiện Dự án khoảng 36 tháng, từ tháng 5/2017 đến tháng 4/2020; tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng.

Ngành Nông nghiệp Cà Mau đang hướng dần theo VietGAP, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, ông Tiết Tiến Dũng trăn trở: Hiện nay ở Cà Mau, ngoài dưa hấu Lý Văn Lâm ra thì hầu như chưa có giống cây trồng nào được chứng nhận VietGAP. Hiện nay, VietGAP của Cà Mau chỉ dừng lại ở việc định hướng cho dân hội nhập, chứ yếu tố bền vững thì vẫn chưa.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Thực tế được nhìn nhận, khó khăn lớn nhất trong việc áp dụng VietGAP là việc triển khai quy hoạch vùng sản xuất ở các địa phương còn chậm; thực trạng chung là diện tích sản xuất còn manh mún, nhiều giống cây không đạt chất lượng, vấn đề lạm dụng thuốc trừ sâu vẫn chưa thể dứt bỏ, công nghệ sau thu hoạch yếu kém, đầu ra còn bỏ ngỏ, là thách thức lớn đối với việc thực hiện cũng như mở rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hợp tác xã Lý Văn Lâm là nơi chuyên trồng dưa hấu theo hướng VietGAP và đã thành thương hiệu. Được biết, thế mạnh của xã Lý Văn Lâm là sản xuất nông nghiệp, nhưng tình hình sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ theo nông hộ.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo thực hiện dự án trồng rau an toàn theo kiểu hợp tác xã để giúp nông dân xã Lý Văn Lâm tiếp cận với những phương pháp trồng rau sạch trong nhà lưới và hỗ trợ đầu ra cho nông dân. Hiện nay, Hợp tác xã đang triển khai dự án trồng rau an toàn theo hướng VietGAP trong nhà lưới. Các hộ dân góp vốn đầu tư và thuê nhân công để sản xuất nhằm mở rộng quy mô, nâng cao năng suất của rau màu. Quy trình được triển khai trong 300m2 rau an toàn được trồng trong nhà lưới và 3ha trồng các loại: Dưa leo, cà chua, cải xanh, rau muống... với kinh phí trên 500 triệu đồng. Nhìn chung, mô hình sản xuất rau an toàn ở xã Lý Văn Lâm, TP. Cà Mau, không chỉ mang lại lợi nhuận hơn rau trồng theo cách truyền thống, mà nông dân có thể hạn chế được sâu bệnh, giảm chi phí về phân, thuốc, cải thiện môi trường sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, mô hình sản xuất rau an toàn cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Tiến, ở ấp Ông Muộn, cho biết: Người dân rất mặn mà với mô hình hợp tác xã và trồng rau theo VietGAP, nhưng do kinh phí cao hơn loại hình truyền thống nên nhiều người còn e dè, chưa mạnh tay tham gia. Hợp tác xã chưa có kinh nghiệm trong khâu dịch vụ; thiếu vốn đầu tư khép kín từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến bao tiêu thu mua, vận chuyển...

Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, song một trong những lý do chính là nông dân ngại thay đổi tập quán canh tác, trong khi bộ tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi rất cao. Đặc biệt, đầu ra cho nông sản đạt chuẩn VietGAP chưa tương xứng với công sức nông dân bỏ ra khiến họ không mấy mặn mà, rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có chi phí cao và tốn công chăm sóc hơn nhưng giá bán lại không có sự khác biệt so với các loại rau được sản xuất theo cách thông thường. Thực tế nông dân tham gia quy trình VietGAP sẽ được tập huấn nên kỹ thuật chăm sóc cây tốt hơn, năng suất cao hơn và chất lượng, an toàn hơn; nhưng nghịch lý ở chỗ: Nông dân xây dựng mô hình VietGAP song hiệu quả mang lại không cao, nên diện tích canh tác theo tiêu chuẩn này rất khó mở rộng.

VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, trên cơ sở kiểm soát các mối nguy trong quá trình sản xuất, thu hoạch và sơ chế.

PHÚ HỮU

Các tin mới:

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang