• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

An Giang: Trồng hoa huệ bằng compost

Nguồn tin: Báo An Giang, 09/01/2017
Ngày cập nhật: 10/1/2017

Với mong muốn tạo điều kiện cho các hộ trồng hoa kiểng trên địa bàn tỉnh An Giang nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đã phát triển sản phẩm compost. Thông qua việc ứng dụng thành công trên cây hoa huệ, sản phẩm compost đang cho thấy những hiệu quả khả quan.

Là người chịu trách nhiệm thực hiện mô hình, Ths. Lê Thành Sơn cho biết: “An Giang có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển các loại hoa kiểng. Nhiều địa phương có truyền thống trồng hoa kiểng lâu đời, như: Chợ Mới, Châu Đốc, Thoại Sơn, Tân Châu… đã phục vụ tốt nhu cầu của người dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết. Việc tìm ra loại chế phẩm hữu cơ nâng cao chất lượng, năng suất hoa kiểng là rất cần thiết. Do đó, chúng tôi hướng đến việc phát triển compost nhằm đáp ứng nhu cầu trên”.

Theo ông Sơn, compost là sản phẩm được thực hiện trong quá trình phân hủy sinh học các chất thải hữu cơ đến trạng thái ổn định, dưới sự tác động và kiểm soát của con người. Quá trình phân hủy diễn ra như trong tự nhiên nhưng được tăng cường và tăng tốc bởi sự tối ưu các điều kiện môi trường cho vi sinh vật phát triển. Việc ủ compost cũng giúp tiêu diệt các mầm bệnh nguy hiểm, tiêu hủy các ấu trùng, vi khuẩn trong chất thải. Trong compost chứa các chất hữu cơ, nhiều nguyên tố vi lượng làm tăng độ ẩm, độ phì nhiêu cho đất.

Mô hình ứng dụng compost tại đất của ông Khoan

Hiện nay, mô hình ứng dụng compost trên cây hoa huệ có sự tham gia của 2 nông dân ở xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) và Mỹ Phú (Châu Phú). Là nông dân trực tiếp thực hiện mô hình tại xã Mỹ Hòa Hưng, ông Nguyễn Văn Khoan chia sẻ: “Thực tế, lúc đầu tôi chưa hiểu compost là gì. Khi được cán bộ nông nghiệp của xã và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (TTƯDTBKHCN) hướng dẫn, tôi đã mạnh dạn thực hiện mô hình. Sau 8 tháng canh tác, tôi nhận thấy compost thực sự có hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng cây huệ”.

Hiện tại, ông Khoan đang trồng 1.000m2 hoa huệ với 500m2 ứng dụng compost, còn lại là diện tích đối chứng. Theo ông Khoan, nguồn giống hoa huệ được mua về từ Lai Vung (Đồng Tháp). Sau thời gian canh tác, cây hoa huệ trong diện tích ứng dụng compost cho thấy những ưu điểm vượt trội về chiều cao, năng suất và chất lượng bông. “Trong quá trình canh tác, tôi đã thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn trong nhiều khâu, như: Làm đất, xử lý củ giống, tưới nước, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Kết quả thu được rất khả quan khi diện tích ứng dụng compost cho bông đẹp hơn số huệ bón phân chuồng” - ông Khoan tiếp lời.

Theo ông Khoan, cây hoa huệ ứng dụng compost có chiều cao bông đạt hơn 47cm, trong khi bông huệ đối chứng chỉ cao khoảng 42cm sau 5 tháng canh tác. “Quan trọng nhất là huệ ứng dụng compost có chất lượng bông đẹp, nhiều chồi mà bạn hàng hay gọi là bông nhất. Ngược lại, cây huệ đối chứng chất lượng không bằng, số lượng bông nhất khá ít, thường là bông loại 2. Bông nhất có giá 3.000 đồng/bông, trong khi loại 2 chỉ ở mức 1.000 - 1.500 đồng/bông. Vì vậy, hiệu quả kinh tế của huệ ứng dụng compost trội hơn hẳn so với huệ đối chứng” - ông Khoan kết luận.

“Thực sự, cây huệ Lai Vung chỉ chiếm ưu thế về số lượng chứ chất lượng không hơn huệ ứng dụng compost. Nếu tính tổng thu sau thời gian thí điểm, diện tích huệ ứng dụng compost mang lại lợi nhuận trên 2 triệu đồng, trong khi huệ đối chứng chỉ cho lãi khoảng 1 triệu đồng. Do huệ là cây cho thu nhập dài ngày nên tôi sẽ còn tiếp tục thu lãi trong thời gian tới” - ông Khoan cho hay. Hiện tại, ông Khoan thu hoạch bông vào thời điểm giữa và cuối tháng với mức thu nhập vài trăm nghìn đồng/cử bông. Nông dân này đang tiếp tục chăm sóc diện tích huệ của mình để thu lợi nhuận “đường dài”.

“Chúng tôi đã ứng dụng compost thành công trên các loại hoa màu khoảng 3 năm nay. Việc ứng dụng trên cây huệ nhằm kiểm chứng thêm tác dụng tích cực của loại mùn hữu cơ này trong việc nâng cao chất lượng cây trồng. Hiện nay, TTƯDTBKHCN đang chuyển sang thương mại hóa sản phẩm compost để phục vụ nông dân nhiều hơn. Mong rằng nông dân trên toàn tỉnh sẽ tiếp cận nhiều hơn đối với loại phân bón vi sinh này, góp phần cải tạo đất, nâng cao chất lượng nông sản trong thời gian tới” - ông Lê Thành Sơn mong mỏi.

THANH TIẾN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang