• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tạo sức bật cho nuôi tôm nước lợ - Kỳ 4: Nút thắt hạ tầng nuôi tôm

Nguồn tin: Báo Thái Bình, 05/06/2017
Ngày cập nhật: 6/6/2017

Hiện nay, hai huyện Tiền Hải, Thái Thụy đã và đang xây dựng quy hoạch chi tiết, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật sản xuất, qua đó giúp nhiều hộ dân, doanh nghiệp ngày càng khai thác con tôm hiệu quả, dần đưa con tôm trở thành con nuôi chủ lực trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu nuôi tôm theo hướng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa thì cần sớm tháo gỡ những “nút thắt” cho hạ tầng nuôi tôm.

Sản xuất tôm giống tại Công ty Phương Nam (Thái Thụy).

Năm 2003, vùng chuyển đổi xã Thái Thượng (Thái Thụy) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư dự án nuôi tôm nước lợ. Nhờ vậy toàn vùng với diện tích 23ha được thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng gồm kênh cấp nước, ao lắng, kênh thoát nước, cống tiêu, hệ thống cấp điện hạ thế.

Ông Đỗ Khắc Bằng, Chủ tịch UBND xã Thái Thượng cho biết: Việc đầu tư cơ sở hạ tầng đã giúp địa phương phát triển nuôi tôm nước lợ với các hình thức quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh tại vùng chuyển đổi đạt kết quả tốt, người dân thu lợi nhuận cao. Hiện nay, vùng chuyển đổi có 50 hộ nuôi tôm với năng suất khoảng 5 tấn/ha/năm, doanh thu lên tới vài trăm triệu đồng. Tuy mặt bằng vùng nuôi được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, diện tích vùng nuôi không bố trí được hệ thống ao chứa lắng, hoặc ao xử lý; không có kênh cấp và kênh tiêu riêng biệt, hệ thống thủy lợi được lấy nước từ biển vào trực tiếp cho ao nuôi…, dẫn đến rất khó khăn cho người dân thực hiện nuôi công nghiệp và nuôi thâm canh theo công nghệ mới.

Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung xã Thái Đô (Thái Thụy) chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ.

Từ năm 2001 đến nay, hai huyện ven biển Thái Thụy, Tiền Hải đã đào đắp, chuyển đổi được trên 3.500ha diện tích ao đầm nước lợ. Trong đó, hơn 701ha được chuyển đổi từ diện tích đất trồng lúa, làm muối hiệu quả thấp sang 9 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung và khai thác đào đắp gần 2.900ha vùng cao triều ngoài đê quốc gia đưa vào nuôi trồng thủy sản. Nhìn chung, giá trị thu nhập đối với vùng nước lợ cao hơn gấp 2,5 - 5 lần so với trước khi chuyển đổi.

Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Đông Minh (Tiền Hải).

Để phát triển nuôi tôm nước lợ, tỉnh đã quan tâm công tác xây dựng kế hoạch, quy hoạch và ban hành các cơ chế chính sách phục vụ cho phát triển kinh tế biển. Các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương đã và đang được xây dựng, cứng hóa. Đến nay, Thái Bình là tỉnh đứng trong tốp đầu của cả nước về phát triển điện, hiện 100% số xã và 98% hộ dân có điện sử dụng. Các địa phương đã xây dựng hệ thống trạm bơm khá kiên cố, hồ chứa xử lý cấp nước, dẫn và thoát nước.

Tuy nhiên, hạ tầng 9 vùng nuôi tôm tập trung sau thời gian dài đưa vào khai thác sử dụng đến nay đã xuống cấp, không phù hợp với điều kiện phát triển nuôi tôm trong tình hình mới. Vùng đầm ngoài đê quốc gia được xây dựng tự phát từ những năm 1989 nên quy mô đầm nuôi không đồng đều, trung bình từ 5 - 8ha/đầm, lớn nhất 71ha (xã Nam Phú, huyện Tiền Hải), một số đầm diện tích chỉ có 1ha. Hiện chưa có quy hoạch vùng hoặc đối tượng nuôi cụ thể, chủ yếu nuôi tôm sú quảng canh, xen ghép với cá, cua, rong câu...

Hệ thống quạt nước tạo khí ôxy tại đầm nuôi tôm xã Nam Thịnh (Tiền Hải).

Bên cạnh đó, hệ thống cống đầu mối, kênh mương tưới, tiêu nước cho các vùng nuôi còn thiếu và xuống cấp. Một số vùng sử dụng chung hệ thống thủy lợi với sản xuất lúa như ở các xã Nam Thắng, Nam Thịnh (Tiền Hải). Hiện vùng nuôi tôm nước lợ chưa thực hiện được quan trắc, cảnh báo môi trường. Công tác quản lý chất lượng tôm giống, thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản hiệu quả chưa cao. Trình độ quản lý nuôi tôm của đa số người dân còn hạn chế. Cùng với đó, các vùng nuôi chưa có sự đầu tư máy móc thiết bị, khoa học công nghệ phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay; chưa phát triển được hình thức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm... Do đó, hiệu quả của nuôi tôm nước lợ còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Ông Bùi Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải: Nam Hưng có diện tích nuôi trồng thủy sản 310ha. Hiện nay, các hộ dân chủ yếu nuôi tôm nước lợ theo hình thức quảng canh do điều kiện của địa phương chưa có vùng chuyển đổi tập trung nuôi trồng thủy sản để phát triển nuôi tôm theo hướng công nghệ mới. Các hộ dân nuôi tôm tận dụng thức ăn sẵn có trong ao và kết hợp với thu hoạch các nguồn lợi tự nhiên, điều kiện môi trường ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh gia tăng, đất đai kém màu mỡ, làm cho tôm nuôi chậm lớn, dễ phát bệnh. Vì vậy hiệu quả nuôi tôm chưa cao.

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình: Những năm qua, Công ty Điện lực Thái Bình từng bước cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện trung hạ thế tại hai huyện ven biển nhằm hỗ trợ bà con nông dân nuôi trồng thủy sản có đủ điện để phát triển sản xuất. Trong đó triển khai nhiều công trình lưới điện, thay mới trạm biến áp đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển phụ tải, bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, liên tục, từng bước cung cấp điện ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nuôi tôm. Thường xuyên vận động người dân sử dụng điện phù hợp để tránh quá tải tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung.

Ông Đỗ Quang Bộ, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy: Việc áp dụng mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ mới sẽ giúp người nuôi chủ động về thời vụ, tăng vụ nuôi trong năm; tôm ít bị tác động bởi môi trường, thời tiết và mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi theo truyền thống. Để áp dụng và nhân rộng mô hình này, bên cạnh việc đầu tư xây dựng ao nuôi đủ các điều kiện áp dụng khoa học công nghệ thì nhà nước cần quan tâm và đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi tập trung chuyển đổi như hệ thống đường điện 3 pha, đường giao thông, tu sửa, nạo vét cống tưới, tiêu đầu mối, mở rộng hệ thống kênh mương cấp tưới, tiêu phục vụ nuôi trồng…

Phan Lợi - Mạnh Thắng - Mai Thư - Trần Tuấn

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang