• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tạo sức bật cho nuôi tôm nước lợ - Kỳ 2

Nguồn tin: Báo Thái Bình, 01/06/2017
Ngày cập nhật: 3/6/2017

Hiệu quả kinh tế cao trong nuôi tôm nước lợ đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân, giúp họ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Song, thực tế cho thấy “số phận” của con tôm hiện vẫn rất “long đong”.

Hộ nuôi tôm xã Thụy Xuân (Thái Thụy) kiểm tra sinh trưởng của tôm.

Năm 2016, gia đình ông Ngô Văn Phương, thôn Minh Châu, xã Đông Minh (Tiền Hải) là hộ đầu tiên của xã phát hiện dịch bệnh đốm trắng trên tôm. Ông Phương cho biết: Ao tôm rộng 2.400m2 của gia đình bắt đầu xuất hiện bệnh từ ngày 30/4/2016 khi tôm mới được 20 ngày nuôi. Ban đầu, chỉ lác đác có tôm chết nổi trên mặt nước nhưng chỉ sau đó vài ngày, tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại cho gia đình hơn 50 triệu đồng. Vụ nuôi xuân hè năm 2017, tôm của hộ ông Phương tiếp tục bị chết do bệnh đốm trắng với diện tích 1.000m2, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ cho gia đình ông.

Ông Ngô Văn Bừng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh cho biết: Trong 2 năm (2015 - 2016) không chỉ gia đình ông Phương rơi vào cảnh thua lỗ, mà nhiều hộ dân của xã Đông Minh đều bị thiệt hại nặng nề do bệnh đốm trắng trên tôm.

Còn trên địa bàn huyện Thái Thụy, vụ tôm xuân hè năm 2016, gia đình ông Lê Ngọc Trường, xã Thụy Hải thả hơn 70 vạn con tôm sú trên diện tích gần 1ha ao nuôi. Ông Trường chia sẻ: Trước khi bước vào vụ nuôi, tôi đã chú trọng tới việc vệ sinh, khử trùng khu ao nuôi như phơi đáy, rắc vôi bột, lọc nước… Sau gần một tháng nuôi thả, tôm phát triển bình thường, kích cỡ đã bằng đầu ngón tay người. Tuy nhiên, sau đó tôi thấy hiện tượng tôm trong ao nhà nổi đầu, lờ đờ dạt vào bờ và chết. Chỉ trong vài ngày, toàn bộ số tôm nuôi trong ao của tôi đã chết hết, thiệt hại lên tới hơn 100 triệu đồng.

Theo số liệu của cơ quan chuyên môn, năm 2016, để xử lý bệnh đốm trắng ở tôm, các địa phương trong tỉnh đã sử dụng hết 19.471kg hóa chất (huyện Tiền Hải 14.231kg, huyện Thái Thụy 5.240kg) để xử lý mầm bệnh trong 617 ao và 21 mương cấp nước với tổng diện tích được xử lý là 86,445ha (85,433ha ao nuôi và 1,012ha mương).

Tôm chết do bệnh đốm trắng gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi tôm tại xã Đông Minh (Tiền Hải).

Sang vụ xuân hè năm 2017, mặc dù số lượng tôm chết ít hơn năm 2016, song tính đến hết ngày 24/5/2017, bệnh đốm trắng đã xảy ra tại 8 xã (huyện Thái Thụy 4 xã, huyện Tiền Hải 4 xã), tổng diện tích có tôm chết là 79,551ha (44,561ha tôm thẻ chân trắng, 34,99ha tôm sú), số lượng giống thả 29,789 triệu con (19,575 triệu tôm thẻ chân trắng, 10,214 triệu tôm sú). Tổng lượng hóa chất các địa phương đã sử dụng để xử lý là 20.058kg Chlorine và 58 lít hóa chất BKC.

Theo ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản: Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng tôm bị chết, song chủ yếu là do chất lượng con giống chưa bảo đảm.

Ông Bùi Văn Minh, xã Nam Chính (Tiền Hải) chia sẻ: Chúng tôi mua tôm giống chỉ bằng niềm tin, sự quen biết với cơ sở buôn bán tôm giống bởi con tôm xuất xứ từ tỉnh ngoài nên không thể biết được nguồn gốc của tôm. Việc phân biệt tôm chỉ nhìn bằng mắt thường và kinh nghiệm.

Ngoài nguyên nhân từ con giống, hiện trên địa bàn tỉnh không có cơ sở chế biến thức ăn thủy sản. Toàn tỉnh có 44 cơ sở kinh doanh thức ăn; 2 cơ sở sản xuất chế phẩm sinh học với quy mô nhỏ ở huyện Quỳnh Phụ và Hưng Hà; 17 cơ sở kinh doanh sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản. Đến nay chưa thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường đối với vùng nuôi tôm nước lợ. Công tác phòng, chống dịch bệnh đã được thực hiện theo kế hoạch hàng năm song vẫn khó kiểm soát dịch bệnh trên tôm, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi tôm. Cùng với đó, diện tích nuôi tôm được quy hoạch đan xen với diện tích nuôi các đối tượng khác gây khó khăn cho công tác chỉ đạo mùa vụ, điều tiết thủy lợi, quản lý môi trường... Mặt khác, sau một thời gian đưa vào khai thác sử dụng đến nay hạ tầng các vùng nuôi tôm đã xuống cấp và thiếu đồng bộ không đáp ứng với yêu cầu kỹ thuật của đối tượng nuôi. Chất lượng nguồn nước cung cấp cho nhu cầu nuôi đang bị ô nhiễm. Công tác quản lý chất lượng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn.Thị trường và vốn đầu tư nuôi tôm manh mún, thiếu liên doanh, liên kết nên thị trường đầu ra chưa ổn định, thời điểm chính vụ tiêu thụ gặp khó khăn và thường bị thương lái ép giá.

Tất cả những hạn chế, khó khăn trên đã tạo nên rào cản khiến con tôm chưa thực sự trở thành thế mạnh, góp phần đưa thủy sản phát triển lên tầm cao mới.

Ông Vũ Đức Long, Đội phó Đội quản lý thị trường huyện Tiền Hải: Nhiều người dân chưa hiểu rõ được mục đích của việc kiểm tra, cho đó là sự phiền hà nên còn gây khó khăn. Bên cạnh đó, Đội chỉ có thể kiểm tra được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của con giống, giấy chứng nhận kiểm dịch, điều kiện vận chuyển. Việc xử phạt nhìn chung chưa có chế tài kiên quyết mang tính răn đe nên trong công tác quản lý chất lượng con giống vẫn còn nhiều “lỗ hổng”.

Ông Phạm Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Trường Đại (Tiền Hải): Công ty đã nhập tôm giống tại các cơ sở có uy tín về ương dưỡng để phục vụ cho các hộ nuôi tôm trên địa bàn. Công ty luôn chú trọng thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng, kiểm dịch tôm giống được ương dưỡng, lưu thông trên địa bàn bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Hiện nay, nhu cầu nuôi tôm rất cao, tuy nhiên mỗi khi vào vụ nuôi tôm có nhiều cá nhân ở các tỉnh khác đến địa phương bán tôm giống giá rẻ, không rõ nguồn gốc cho các hộ nuôi tôm. Mong rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý chất lượng, kiểm dịch tôm giống trên địa bàn, góp phần bảo đảm an toàn dịch bệnh, nâng cao hiệu quả và phát triển nuôi tôm bền vững.

Ông Hà Minh Tuấn, xã Thụy Trường,huyện Thái Thụy: Để con tôm phát triển tốt, người nuôi chúng tôi phải thực hiện nghiêm lịch thời vụ nuôi, học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi, áp dụng công nghệ, khoa học mới vào sản xuất. Trong nuôi tôm, việc chọn lựa nguồn giống tốt và thực hiện cải tạo ao, đầm rất quan trọng, quyết định tới thành công của vụ nuôi. Tuy vậy, việc mua giống tôm hiện nay chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Vấn đề quản lý chất lượng con giống chưa thực sự hiệu quả nên người nuôi tôm khó có thể lựa chọn để mua được giống tốt, bảo đảm chất lượng.

Phan Lợi - Mạnh Thắng - Mai Thư - Trần Tuấn

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang