• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vụ cá, tôm chết nhiều ở TX Sông Cầu (Phú Yên): Do môi trường ô nhiễm và thời tiết thay đổi

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 27/05/2017
Ngày cập nhật: 29/5/2017

Tôm hùm nuôi ở xã Xuân Phương (TX Sông Cầu) bị chết - Ảnh: A.Ngọc

Tình trạng cá tự nhiên và tôm hùm nuôi ở TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên chết hàng loạt (như Báo Phú Yên ngày 25/5 thông tin) vẫn tiếp tục diễn ra với mức độ nghiêm trọng hơn, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.

Cá, tôm vẫn tiếp tục chết nhiều

Sáng 27/5, người dân khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, TX Sông Cầu tập trung ra vịnh Xuân Đài tìm cách cứu chữa đàn tôm hùm nuôi của gia đình. Đàn ông, con trai lớn thì đưa thuyền ra khu vực lồng bè để chuyển những con tôm hùm còn sống sót vào bờ; phụ nữ và trẻ em thì chuẩn bị sẵn thùng xốp, bình sục khí tạo ôxy để “trợ sức”, đưa tôm đến các vùng nuôi khác.

Ông Nguyễn Quốc Phong ở khu phố Phước Lý, cho biết: Tình trạng cá tự nhiên và tôm hùm nuôi chết xảy ra nhiều ngày qua, nhưng từ tối 24/5 đến nay chết với số lượng rất nhiều, gây thiệt hại lớn. Có gia đình nuôi 20 lồng tôm, đã chết sạch. Không chỉ cá, tôm mà chình sống dưới bùn cũng chết, trồi đầu lên mặt nước.

Còn gia đình ông Phan Văn Đến cũng ở khu phố nuôi 30 lồng tôm hùm, với 6.000 con. Sáng 27/5, gia đình ông Đến kiểm tra lồng nuôi thì chỉ còn khoảng gần 2.000 con và quyết định chuyển số tôm còn sống vào bờ để đưa ra vùng nuôi thuộc đầm Cù Mông.

Theo người dân Phước Lý, từ chiều 24 đến trưa 25/5, nước tại khu vực nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài có màu đỏ, nghi ngờ là tảo độc, khiến cá tôm chết. Hiện nước vẫn còn đỏ nhưng nhạt hơn, nước ở tầng đáy có màu xanh rêu.

Tại các vùng nuôi tôm hùm thuộc các thôn Phú Mỹ và Dân Phú 1 của xã Xuân Phương cũng chung tình cảnh như Phước Lý, phường Xuân Yên. Ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng thôn Phú Mỹ cho biết: Thôn có hơn 340 hộ nuôi tôm hùm với khoảng 1.600 lồng, nhưng có đến 80% số tôm chết. Cá biệt có gia đình thiệt hại hàng tỉ đồng. Phần lớn tôm hùm nuôi ở đây bị chết là tôm sao, nếu còn sống có giá khoảng 1,5 triệu đồng/kg, nhưng chết chỉ còn vài chục ngàn đồng/kg.

Người nuôi tôm hùm ở phường Xuân Yên (TX Sông Cầu) chuyển tôm còn sống đến các vùng nuôi khác - Ảnh: A.Ngọc

Môi trường ô nhiễm nặng

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đã có trên 523.000 con hùm nuôi ở vịnh Xuân Đài chết. Trong đó, tại xã Xuân Phương có 7.150 lồng nuôi của 631 hộ, tỉ lệ tôm chết từ 40-60%. Còn tại phường Xuân Yên có 3.200 lồng tôm ương và 2.950 lồng tôm thịt của 315 hộ, trong đó tôm xanh chiếm 70%, tôm bông chiếm 30%. Qua thống kê có đến 105.200 con tôm của 202 hộ đã chết. Ông Nguyễn Minh Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN-PTNT), khoảng từ ngày 15/5 tại vịnh Xuân Đài bắt đầu xuất hiện một số loài cá, cua, ghẹ sống ở tầng đáy chết bất thường. Đến ngày 19/5, qua kiểm tra, quan sát thấy màu nước khu vực nuôi chuyển sang màu đỏ, có khả năng gây sự cố cho tôm nuôi nên đã khuyến cáo người nuôi tiến hành nâng lồng nuôi tôm lên cách mặt nước từ 1-1,5m và sang thưa lượng tôm trong lồng để tránh tôm bị thiếu ôxy, gây chết ngạt về đêm. Chiều tối 24/5, ở TX Sông Cầu thời tiết nắng nóng, sau đó có mưa dông lớn. Tại khu vực biển vùng nuôi này xảy ra hiện tượng nước có màu nâu đỏ trên diện rộng, khiến cá, tôm chết hàng loạt trong khoảng thời gian ngắn, đột ngột, nhưng không có các dấu hiệu bệnh lý truyền nhiễm; thời điểm chết vào ban đêm.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng, kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, thành phần tảo giáp chiếm ưu thế, mật độ tế bào tảo rất cao; tế bào tảo tương đối lớn, sắp tàn. Chỉ tiêu NH3 (amoniac), PO4 (photphat) vượt ngưỡng cho phép trong nuôi trồng thủy sản, chỉ tiêu ôxy hòa tan trong nước rất thấp. Kết quả phân tích mẫu bệnh phẩm tôm hùm, do Chi cục Chăn nuôi và thú y lấy, gửi Cơ quan Thú y vùng 4 xét nghiệm cho thấy tôm bị nhiễm bệnh sữa. Từ những kết quả trên, nhận định ban đầu nguyên nhân tôm hùm chết là do mật độ nuôi quá dày cả về số lượng lồng nuôi và số tôm trong một lồng (tại thời điểm kiểm tra là 150-300 con/lồng đối với tôm hùm xanh và 70-75 con/lồng đối với tôm hùm bông). Thức ăn dư thừa, chất thải từ hoạt động nuôi tích tụ, gây ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nuôi. Thêm vào đó, những ngày gần đây thời tiết chuyển đổi đột ngột, có mưa dông đã làm nước có hiện tượng phân tầng; nắng nóng kéo dài, cường độ ánh sáng mạnh, nhiệt độ cao làm quá trình phân hủy hữu cơ ở tầng đáy diễn ra mạnh và tảo phát triển quá mức đã gây hiện tượng thiếu ôxy cục bộ vào ban đêm, làm cho các loài thủy sản nuôi và sống trong tự nhiên chết ngạt. Mặt khác, khi tôm bị yếu tác nhân gây bệnh có sẵn trong môi trường nước dễ dàng xâm nhập vào cơ thể tôm nuôi làm tôm chết nhanh hơn.

Anh Ngọc

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang