• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sớm quy hoạch mô hình nuôi cá lồng bè - Bài 1: Hướng đi cho nông dân hậu giải tỏa

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng, 23/05/2017
Ngày cập nhật: 25/5/2017

Được thử nghiệm từ đầu những năm 2000, mô hình nuôi cá lồng bè trên các sông Cẩm Lệ và Cổ Cò mang lại tín hiệu vui cho nông dân ở phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng) với những thành công bước đầu; hiện nay lan ra các sông Vĩnh Điện, Cu Đê trên địa bàn thành phố. Đến năm 2006, UBND thành phố có văn bản cấm nuôi cá lồng bè trên sông Cẩm Lệ và Cổ Cò, nhưng số lượng bè nuôi đến 2017 lại tăng gần 2,5 lần. Thực tế đó đặt ra vấn đề cần sớm quy hoạch mô hình này.

Mô hình nuôi cá lồng bè mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trọng Huy

Bài 1: Hướng đi cho nông dân hậu giải tỏa

Sau khi 9 lồng đầu tiên của nông dân phường Hòa Cường Nam được làm thí điểm, nhân rộng mô hình theo nghị quyết của Đảng ủy phường Hòa Cường Nam năm 2005 có hiệu quả, mô hình nuôi cá lồng bè bắt đầu phát triển mạnh, tạo chuyển biến tích cực giúp nông dân hậu giải tỏa không có đất sản xuất chuyển đổi ngành nghề, họ bắt đầu có việc làm, thu nhập ổn định.

Tuy bước đầu thí điểm mô hình gặp không ít khó khăn về kinh nghiệm, nguồn vốn đầu tư, tìm đầu ra sản phẩm cũng như kỹ thuật nuôi cá lồng bè, nhưng bằng sự nỗ lực, tự tìm tòi của các hộ, cùng sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, đã mang lại những dấu hiệu tích cực…

Phát triển số hộ nuôi

Theo ông Ngô Văn Hưng (trú tổ 50, phường Hòa Cường Nam), nguyên Chủ tịch Hội Nông dân phường, từ năm 1997-2000, khoảng 90% nông dân trên địa bàn phường Hòa Cường (sau năm 2005 tách thành 2 phường Hòa Cường Nam và Hòa Cường Bắc) nhường đất cho các dự án trong quá trình đô thị hóa, đồng nghĩa với việc mất đất sản xuất, thiếu việc làm, dẫn tới nguồn thu nhập bấp bênh.

Số liệu từ Hội Nông dân quận Hải Châu cho thấy, trên địa bàn hai phường Hòa Cường Bắc và Hòa Cường Nam, gần 1.800 hộ được di dời, trong đó 900 hộ mất đất sản xuất nông nghiệp phải chuyển đổi ngành nghề. Song, quá trình chuyển đổi ngành nghề, đào tạo nghề mới, tạo việc làm hậu giải tỏa của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không đáp ứng đủ nhu cầu của nông dân.

“Từ năm 2003, tôi vào phía nam học cách nuôi cá lồng bè, tự lo chi phí đi lại, học phí. Sau khi về địa phương, tôi bắt đầu thử nghiệm nuôi cá lồng bè trên sông Cẩm Lệ. Ban đầu, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư hỗ trợ 4 tấn thức ăn, 300 cá giống, 4 lồng lưới (hỗ trợ 40% kinh phí làm thí điểm). Quá trình nuôi cá lồng bè sau đó có sự phát triển tích cực, việc tiêu thụ được bảo đảm. Từ đó, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng thấy hiệu quả nên đã hỗ trợ nhân rộng mô hình này”, ông Hưng kể.

Theo thống kê của Hội Nông dân phường Hòa Cường Nam, từ 11 hộ năm 2005, đến cuối tháng 3-2017, toàn phường có 50 hộ nuôi cá lồng bè với khoảng 400 lồng (1 bè = 8 lồng). Theo ông Hưng, bình quân mỗi vụ cá, trừ mọi chi phí, ông vẫn lãi từ 70-150 triệu đồng tùy từng vụ. Hiện nay, ông Hưng tập trung nuôi các loại cá nâu (giá 450.000 đồng/kg tại lồng), cá dìa (250.000 đồng/kg), cá diêu hồng…

Năm 2015, ông Phan Thanh Dũng (ở tổ 4, thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) bắt đầu thử nghiệm nuôi với 3 lồng cá mè kẻ (cá vược) trên sông Cu Đê; đến nay tăng lên 10 lồng, trong đó có 4 lồng cá dìa, 4 lồng cá mè kẻ, 1 lồng cá diêu hồng và 1 lồng cá ông hương (cá tự nhiên).

Ông Dũng chia sẻ: “Trong thôn hiện có 3 hộ nuôi theo mô hình cá nước lợ. Tôi nuôi cá theo thời vụ, thường kéo dài từ tháng Giêng đến cuối tháng 7. Tiền giống bỏ ra gần 50 triệu đồng, tiền thức ăn cho một vụ khoảng 100 triệu đồng”. Bỏ ra 150 triệu đồng (chưa kể tiền lồng, bè, công cụ phụ trợ), cuối vụ thu hoạch, ông Dũng lãi từ 70-100 triệu đồng.

Năm 2006, UBND thành phố có văn bản không cho phát sinh hộ nuôi cá lồng bè trên các sông Cẩm Lệ và Cổ Cò và gia hạn đến năm 2009 những hộ đang nuôi phải tự tháo dỡ lồng bè. Đến năm 2012, UBND thành phố tiếp tục có văn bản “nhắc lại” và gia hạn đến năm 2013. Tuy nhiên, tính đến tháng 3-2017, toàn thành phố có 117 bè nuôi cá lồng trên các sông Cẩm Lệ, Cổ Cò, Vĩnh Điện, Cu Đê…

Phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) chiếm gần 50% với 50 bè cá; phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) có 30 bè; xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) có 3 bè; phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) và một số nơi khác có 24 bè (đã tập kết về sông Cổ Cò để nuôi). Việc phát triển hộ nuôi phần vì giải quyết nhu cầu việc làm, phần vì hiệu quả kinh tế mang lại cao nên nhiều người dân vẫn “làm liều”.

Tạo việc làm, thu nhập ổn định

Ông Ngô Văn Hưng cho biết, ngoài 3 lao động chính thường xuyên làm việc tại bè, đến mùa thu hoạch còn giải quyết thêm khoảng 5 lao động thời vụ, chưa kể các dịch vụ khác đi kèm như thức ăn, giống... “Tính sơ sơ, mỗi bè cá giải quyết được khoảng vài chục lao động. Còn thực tế ở bè, bình quân mỗi tháng tôi thu nhập trên 10 triệu đồng. Những lao động chính và lao động thời vụ đều có mức thu nhập xấp xỉ 7-10 triệu đồng/tháng”.

Theo ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Cường Nam, nghề nuôi cá lồng trên sông Cẩm Lệ bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2006. Những người nuôi cá ở nơi đây đã có kinh nghiệm chăm sóc cũng như phòng ngừa, trị bệnh cho cá để bảo đảm hiệu quả kinh tế. Tỷ lệ sống của cá điêu hồng nuôi trên sông Cẩm Lệ đạt trên 80%.

Độ sâu và dòng chảy phù hợp, nguồn thức ăn cho cá bảo đảm chất lượng… là những điều kiện thuận lợi cho phép phát triển nghề nuôi cá điêu hồng ở sông Cẩm Lệ. Với 50 bè hiện nay của phường, đã giải quyết được 150 lao động thường xuyên và 300 lao động thời vụ có thu nhập ổn định.

Trong khi đó, ông Ngô Văn Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Liên cho biết, với 34 dự án triển khai trên toàn xã, đã thu hồi diện tích 1.697ha đất nông nghiệp. Có 2.800 hộ nông dân bị ảnh hưởng từ các dự án nên việc đầu tư phát triển các mô hình kinh tế, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống còn rất khó khăn.

Do đó, phát triển mô hình nuôi cá lồng bè trên sông Cu Đê là hướng đi đúng cho nông dân hậu giải tỏa, để giải quyết tình trạng thiếu việc làm, thừa lao động. Ông Phan Thanh Dũng cũng nói rằng, ở tổ 4 thôn Quan Nam 3 hiện nay đất sản xuất nông nghiệp rất ít, có 15 hộ dân hoàn toàn theo nghề nuôi cá, tôm. Nếu phát triển mô hình nuôi cá lồng bè theo một quy hoạch cụ thể, sẽ giải quyết tốt vấn đề việc làm cho người dân nơi đây.

Ngày 7-11-2012, UBND thành phố Đà Nẵng có Công văn số 9339/UBND-KTN gửi các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); UBND các quận: Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và Hội Nông dân thành phố. Theo đó, công văn nêu rõ: Xét nội dung Báo cáo số 1297/BC-SNN ngày 18-10-2012 của Sở NN&PTNT về tình hình nuôi cá trên sông Cẩm Lệ, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố thống nhất ý kiến tại cuộc họp ngày 22-10-2012 như sau:

- Không đồng ý nuôi cá trên sông Cẩm Lệ, sông Cổ Cò.

- Đồng ý chủ trương gia hạn thời gian nuôi cá lồng cho các hộ dân đã đóng 38 bè nuôi trên sông Cẩm Lệ đến ngày 31-10-2013. Kết thúc thời điểm gia hạn nuôi, các hộ dân tự tháo dỡ bè nuôi, thành phố không hỗ trợ bất cứ khoản kinh phí nào. UBND các quận: Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn tăng cường quản lý địa bàn, không cho tăng số lượng bè nuôi. Trong thời gian gia hạn được phép nuôi của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi cá không để gây ô nhiễm nguồn nước.

- Giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân thành phố, Sở LĐ-TB&XH, UBND các quận, huyện báo cáo, đề xuất UBND thành phố chuyển đổi ngành nghề cho các hộ dân nêu trên.

Trọng Huy - Đăng Bình

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang