• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ông Nguyễn Văn Đời: Tỷ phú nông dân miệt cù lao sông nước

Nguồn tin: Tiền Giang, 08/05/2017
Ngày cập nhật: 10/5/2017

Ông Nguyễn Văn Đời, cư ngụ ở ấp Tân An, xã Tân Phong (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) nổi tiếng là nông dân có tư duy khoa học, nhạy bén và thành công nhờ mạnh dạn khai thác tiềm năng bãi bồi cù lao đưa vào nuôi cá da trơn thâm canh. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu lãi ròng hàng chục tỉ đồng.

Ông Đời cho biết, để có được thành công ngày hôm nay, ông đã trải qua không ít gian nan, vất vả, từng nếm "trái đắng" thất bại trong quá trình sản xuất. Thế nhưng ông không nản chí mà đúc kết thành những bài học kinh nghiệm quí để khắc phục nhược điểm, hạn chế, tìm ra lời giải hợp lý cho bài toán thành công trong mô hình kinh tế đã chọn.

Cụ thể, ông Đời bắt đầu đến với nghề nuôi cá tra bãi bồi thâm canh từ năm 2004. Khi ấy, phong trào nuôi đang phát triển mạnh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có xã cù lao Tân Phong. Thấy triển vọng làm giàu từ mô hình này, ông bàn trong gia đình đưa 5.000 m2 đất nhà (0,5 ha) vào nuôi cá tra. Nghề nuôi cá tra bãi bồi đòi hỏi nguồn vốn lớn. Trung bình mỗi ha đầu tư riêng khâu đào ao đã lên đến 150 triệu đồng, còn nếu tính luôn con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản đến khi thu hoạch, xuất ao gần 6 tỉ đồng. Vốn tự có của gia đình, vốn huy động trong anh em, vốn vay ngân hàng..., tất cả ông đều đổ vào ao nuôi cá tra. Vậy mà trong vụ đầu tiên ông không thu được lãi, chỉ hoàn vốn.

Từ vụ đầu tiên, ông Đời đúc kết được những kinh nghiệm quí về chất lượng con giống, về phương thức thả nuôi, cách chăm sóc theo khoa học để đạt năng suất, sản lượng cao. Mặt khác, còn tìm cách giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành để đối phó với những giai đoạn giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh thời điểm thu hoạch rộ. Ông Đời chia sẻ, nuôi cá tra thâm canh trên đất bãi bồi cù lao Tân Phong phải kiên trì, kết hợp giữa kiến thức nuôi khoa học với kinh nghiệm thực tiễn cộng với một phần may mắn mới có thể thành công.

Thông thường, mỗi vụ nuôi kéo dài 8 tháng, mật độ thả nuôi có thể ở mức 70 - 100 con/m2 mặt nước tùy theo người nuôi thả dày hoặc thưa. Năng suất nuôi thâm canh rất cao, đạt 250 - 300 tấn cá tra thương phẩm/ha. Riêng ông Đời chọn thả nuôi mật độ 100 con/m2 mặt nước, đồng thời, chú trọng về chất lượng con giống, chế độ chăm sóc, khẩu phần ăn hợp lý, không sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn, chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn cá nuôi bằng phương pháp sinh học, xử lý môi trường nước trong ao mương... Sau vài vụ nuôi, tích lũy nhiều kinh nghiệm, tay nghề nâng lên, ông rút ngắn thời gian nuôi trong một vụ từ 8 tháng xuống còn 6 tháng/vụ, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Tiền lãi từ nuôi cá tra ông Đời tích lũy để tái đầu tư mở rộng qui mô sản xuất theo kiểu "vết dầu loang". Có khả năng đến đâu, ông tậu thêm đất đai, đầu tư vốn liếng làm ao mương thả nuôi cá tra thâm canh đến đó. Đến nay, từ 5.000 m2 mặt nước ban đầu, ông đã có một cơ ngơi đáng nể với 20 ha mặt nước nuôi cá tra.

Ông Đời chia sẻ, trong vụ nuôi 2016, giá cá tra nguyên liệu nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu thu mua chỉ ở mức 20.000 đồng/kg. Với phương pháp nuôi của ông và thực tiễn sản xuất, ông thu lãi ròng 2.000 đồng/kg. Năm 2017, giá cá tra nguyên liệu tăng khá, khoảng 25.000 đồng/kg, ông và bà con nuôi cá tra thâm canh rất phấn khởi. Theo ông Đời, người nuôi có kinh nghiệm như ông lãi từ 4.000 - 5.000 đồng/kg cá tra. Năm 2017, duy trì sản lượng 5.000 tấn trên diện tích mặt nước 20 ha, ông dự kiến thu lãi không dưới 20 tỉ đồng, gấp đôi năm trước.

Theo ông Kiều Mạnh Quân, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong, ông Nguyễn Văn Đời là nông dân nhạy bén, năng động và có tư duy khoa học, luôn chịu khó nắm bắt những tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp mới, mạnh dạn xây dựng mô hình làm ăn hiệu quả kinh tế cao trên cơ sở phát huy tốt tiềm năng đất đai, lao động. Qua mô hình nuôi cá tra bãi bồi thâm canh, gia đình ông giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 - 30 lao động.

Bên cạnh đó, ông Đời luôn chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá tra thành công cho bà con quanh vùng. Nhờ vậy, Tân Phong đã hình thành vùng nuôi tập trung duy nhất ở tỉnh Tiền Giang có diện tích trên 70 ha. Ông tích cực ủng hộ hộ nghèo khó, hưởng ứng đóng góp địa phương về tiền bạc, vật chất kiến thiết hạ tầng, cầu đường, góp phần tạo diện mạo nông thôn mới ở miệt vườn cù lao sông nước. Trung bình mỗi năm, số tiền ông hỗ trợ cộng đồng khoảng 30 - 40 triệu đồng.

Vừa qua, ông Đời đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về những thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, lập thân lập nghiệp và chung sức cho công cuộc giảm nghèo nông thôn.

Minh Trí

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang