• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nam Định: Phát triển nuôi thủy sản nước ngọt ở Hải Long

Nguồn tin: Báo Nam Định, 01/05/2017
Ngày cập nhật: 2/5/2017

Là điểm trũng nhất của huyện Hải Hậu (Nam Định) nên canh tác nông nghiệp ở xã Hải Long gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, những năm qua xã đã chuyển đổi 47,47ha diện tích chân ruộng trũng sang phát triển kinh tế gia trại, trang trại, nuôi thủy sản nước ngọt mang lại hiệu quả cao cho người dân.

Chăm sóc đàn cá tại hộ ông Phạm Văn Ninh, xóm 17, xã Hải Long.

Hiện nay, diện tích nuôi thủy sản được duy trì chủ yếu là nuôi cá nước ngọt truyền thống như cá trôi, trắm, mè… Nhiều hộ dân đã kết hợp ao nuôi cá nước ngọt với chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây dược liệu, cây màu các loại. Địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho người dân vay vốn của Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH; tạo mặt bằng cho các hộ có khả năng, nguyện vọng mở rộng diện tích sản xuất. Ngoài ra, xã còn thường xuyên phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt; các buổi hội thảo để các hộ nuôi thủy sản trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ giúp đỡ nhau để cùng phát triển nuôi thủy sản hiệu quả và bền vững. Với sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Nhờ chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản mà giá trị sản xuất tăng gấp 3-5 lần trước kia.

Được sự giới thiệu của chính quyền địa phương, chúng tôi tìm đến nhà anh Phạm Ngọc Yên, xóm 17, một tấm gương tiêu biểu nuôi thủy sản nước ngọt đạt hiệu quả kinh tế cao của xã. Gặp anh đang say sưa cho cá ăn, anh Yên chia sẻ: người xưa có câu “nhất canh trì, nhì canh viên, tam canh điền” nên khi xã Hải Long có chủ trương chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, xây dựng mô hình gia trại, tôi và nhiều người mạnh dạn nhận đấu thầu. Để có được cơ ngơi như hôm nay, tôi đã phải đầu tư cải tạo ao, hút bùn đáy, xây dựng lại bờ ao kiên cố. Mỗi vụ, sau khi thu hoạch cá xong, tôi lại thực hiện vệ sinh ao nuôi, phơi ao trước khi tiến hành cấp nước. Nước trước khi được bơm vào ao cần được lọc kỹ để loại bỏ tạp chất, vi khuẩn cũng như ấu trùng gây hại. Cùng với đó, tôi còn tích cực tham gia các lớp tập huấn về nuôi thủy sản nước ngọt do xã, huyện và một số cơ quan chức năng khác tổ chức. Đến nay đời sống sinh hoạt của gia đình tôi đã khấm khá hơn rất nhiều. Ngoài nuôi cá, anh Yên còn kết hợp nuôi ngan, vịt siêu trứng và trồng một số loại cây ăn quả như ổi Đài Loan, táo… để có thêm thu nhập. Chất thải chăn nuôi gia cầm được tận dụng làm thức ăn cho cá. Hiện anh Yên có 3 ao nuôi cá nước ngọt truyền thống, gần 400 con ngan và hơn 700 con vịt siêu trứng. Mỗi ngày anh Yên thu được gần 1.000 quả trứng vịt, ngan. Hiện anh còn đầu tư lò ấp trứng để mở rộng quy mô sản xuất của gia đình, đồng thời phục vụ con giống cho nhu cầu chăn nuôi của bà con trong và ngoài xã. Nhờ không ngừng đầu tư, học hỏi nên mỗi năm trung bình anh Yên thu được hơn 1 tỷ đồng chưa trừ chi phí.

Ngoài hộ anh Yên ở xã Hải Long còn nhiều hộ khác nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao như hộ ông Bùi Văn Tuyết, Phạm Văn Ninh xóm 17; Nguyễn Văn Tuấn, xóm 15; Vũ Văn Thuyên, xóm 6… Ông Phạm Văn Ninh, xóm 17 có diện tích gần 5 mẫu nuôi cá và trồng các loại cây ổi, táo và đinh lăng. Hằng năm, ông thu lãi từ 200-250 triệu đồng. Ông cho biết: “Những năm đầu nuôi cá thực sự rất khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Chính vì vậy nên tôi luôn không ngừng tìm kiếm, học hỏi kiến thức nuôi cá nước ngọt từ bạn bè, các địa phương lân cận cũng như tìm hiểu thị trường để có đầu ra ổn định. Đến nay, với những kinh nghiệm của bản thân đúc kết được, tôi nhận thấy, trong quá trình nuôi cá, để có được hiệu quả kinh tế cao thì khâu phòng bệnh là quan trọng nhất vì “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Tôi luôn chủ động theo dõi tình hình sức khỏe đàn cá cũng như môi trường ao để có những biện pháp phòng, chữa kịp thời khi cá có dấu hiệu mắc bệnh. Tất cả các ao nuôi đều được vệ sinh và xử lý nước thường xuyên”. Ông cho biết thêm trong những tháng đầu nuôi cá, ông định kỳ 1 tháng/lần thay nước cho ao nuôi. Ngoài ra cần chú trọng bổ sung thêm vitamin C, khoáng chất và tỏi tươi xay nhuyễn vào thức ăn cho cá, đặc biệt là trước và trong những thời điểm giao mùa nhạy cảm như hiện nay để cá tăng cường sức đề kháng, chống lại dịch bệnh. Đặc biệt vào những ngày trời nắng, nhiệt độ cao, tảo phát triển mạnh, cá dễ nổi đầu vào ban đêm do thiếu ô-xy nên ông Ninh điều chỉnh giảm lượng thức ăn, bật máy bơm sục khí trong ao để tăng ô xy để giảm thiểu tác động xấu đến sức khỏe của đàn cá.

Thời gian tới, xã Hải Long tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất; mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, tập trung chú trọng phát triển trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản nước ngọt./.

Thanh Hoa

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang