• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ngành tôm Cà Mau: Chuyển động và kỳ vọng: Bài 2: Tìm lời giải cho bài toán lớn

Nguồn tin: Báo ảnh Đất Mũi, 27/04/2017
Ngày cập nhật: 29/4/2017

Ngành tôm Cà Mau đang đứng trước những cơ hội phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, gia tăng tính cạnh tranh, hội nhập cùng cả nước và thế giới, khi có sự đồng hành và quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến tận người dân. Quyết tâm thôi chưa đủ, mà cần có sự hành động, nhất là phải giải quyết cho được 4 vấn đề chính, là điều kiện ban đầu không thể thiếu đối với nghề nuôi tôm: Đất, lao động, khoa học - kỹ thuật và vốn. Nhìn thực tế địa phương cho thấy, đây thật sự là bài toán lớn và khó có được kết quả hoàn hảo trong thời gian ngắn, nhất là khi nghề nuôi đang phát triển nhanh từng ngày; trong đó, việc sử dụng đất cho nuôi trồng thủy sản là một vấn đề cần suy xét.

Diện tích đất thoái hóa đang có chiều hướng gia tăng, rất cần có giải pháp hiệu quả, kịp thời, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu.

Thực tế đã qua, diện tích nuôi tôm ở Cà Mau lâu nay theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún, cùng với đó là lối tư duy “ruộng ai thì nấy đắp bờ” nên hiệu quả sản xuất không cao. Cải tạo, thả nuôi, thu hoạch, xử lý môi trường không theo một trật tự hay mùa vụ, dù đã được ngành chuyên môn khuyến cáo. Môi trường nước trong ao nuôi của người này thải ra trong quá trình cải tạo thì hộ khác lại thu vào để thả nuôi. Diện tích nuôi nhỏ, tiềm lực đầu tư theo kiểu “tới đâu hay tới đó”. Theo đó, quy trình sản xuất không đảm bảo nên dễ xảy ra dịch bệnh, và khi có bất trắc trong quá trình nuôi lại xử lý không đạt yêu cầu nên hiệu quả sản xuất không cao; không chủ động trong tái sản xuất khi xảy ra dịch bệnh... Và dù đi đến sự thành công của mùa vụ thì sản lượng cũng hạn chế nên thường bị thương lái ép giá, dẫn đến sản phẩm thiếu tính cạnh tranh, lợi nhuận thấp.

Việc nuôi tôm hiện nay rất cần có diện tích lớn theo hướng tập trung, nhằm hoàn thiện các điều kiện sản xuất, mang lại hiệu quả mang tính bền vững hơn.

Trong nền kinh tế thị trường thời hội nhập, rất cần thay đổi tư duy theo hướng sản xuất quy mô lớn mang tính tập thể, kinh tế hợp tác, thực hiện dồn điền đổi thửa. Thực tế đã chứng minh trên lĩnh vực trồng lúa, hình thức sản xuất Cánh đồng lớn đã phát huy được hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân. Những năm qua, Cà Mau cũng đã thí điểm mô hình Cánh đồng lớn trên hình thức sản xuất lúa - tôm, nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn để có thể nhân rộng. Các hợp tác xã hay tổ hợp tác hoạt động trên lĩnh vực nuôi tôm, cũng chưa có hình mẫu nào hoàn thiện nhất để có thể khuyến cáo thực hiện.

Trong 4 vấn đề chính để nghề nuôi tôm ở Cà Mau phát triển hiệu quả, bền vững như đã nêu, đi vào thực tế tình tình sản xuất hiện nay, càng cho thấy tính cấp thiết khi những hạn chế đã lộ rõ, cần phải được đổi mới. Về vấn đề vốn, ông Trần Quốc Khởi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh: “Ngành không thiếu tiền đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nhất là cho nuôi tôm, tuy nhiên hộ nuôi cần phải có phương án sản xuất hiệu quả, đặc biệt phải theo chuỗi giá trị, trên cơ sở có chế tài quy định chặt chẽ”. Không phải chúng ta thiếu nhận thức muốn sản xuất hiệu quả phải có sự liên kết theo quy mô lớn để có được nguồn vốn hỗ trợ, đầu ra sản phẩm cũng thuận lợi cao hơn, tuy nhiên cái thiếu ở đây là cơ chế và phương pháp vận động thực hiện.

Thực tế thời gian qua, sự chuyển đổi sản xuất ồ ạt đã dẫn đến kinh tế hộ thiếu tiềm lực đầu tư. Nhìn lại vấn đề, vì lợi nhuận quá lớn của con tôm, cũng như tác động nhanh của biến đổi khí hậu đã dẫn đến diện tích nuôi tôm tăng cao, trong khi các điều kiện sản xuất không đảm bảo, nhất là nguồn vốn tự có trong dân. Từ người trồng lúa canh tác theo thời tiết chuyển ngang sang nuôi tôm theo con nước, không theo kịp phương thức sản xuất mới, nên sau một thời gian sản xuất hiệu quả không như mong đợi, rất nhiều người đã phải vay vốn ngân hàng bằng việc thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất của mình.

Theo yêu cầu phát triển và thực tiễn nền kinh tế hiện nay, hình thức nuôi tôm cần có sự chuyển động nâng cao hơn. Muốn có vốn để tái sản xuất, làm ăn lớn thì cần phải có sự liên doanh, liên kết, hình thành một tổ chức, có phương án hiệu quả mới mong có sự đầu tư từ ngân hàng hay doanh nghiệp.

Về nguồn lao động và khoa học - kỹ thuật, phải khẳng định rằng nguồn lao động nông thôn rất dồi dào, tuy nhiên trên thực tế lại thiếu những người có sức lao động, công cụ và quyết tâm sản xuất. Cán bộ có trình độ khoa học - kỹ thuật được đào tạo nhiều, phân bổ rộng khắp ở các địa phương, song chưa giải quyết triệt để những vấn đề thực tiễn đặt ra trong sản xuất. Điều này được minh chứng khi dịch bệnh trên tôm nuôi những năm qua chưa thể kiểm soát.

Một thực tế cần nhìn nhận khi kết quả điều tra thoái hóa đất thời kỳ đầu được tỉnh công bố vào đầu năm nay cho thấy, trong tổng diện tích 429.123ha đất được điều tra thì có đến 317.281ha đất bị thoái hóa. Trong đó, diện tích bị thoái hóa nặng 186.168ha, chiếm 43,95%, phân bố hầu khắp các huyện và TP. Cà Mau (trừ huyện Ngọc Hiển). Trong 117.097ha đất thoái hóa mặn hóa, đã có đến 99.739ha đất mặn hóa ở mức độ nặng. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản được điều tra lần này là 223.864ha thì đã có 173.502ha đất bị thoái hóa, trong đó thoái hóa ở mức độ nặng 90.155ha.

Đất ngày càng bị thoái hóa nặng, phần lớn là do tình trạng xâm nhập mặn ngày càng sâu vào nội đồng, độ mặn cao. Bên cạnh tiếp tục thực hiện các giải pháp công trình nhằm ngăn mặn, Cà Mau đang tiến hành điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm thời kỳ cuối (2016 - 2020). Theo đó, đến năm 2020, diện tích đất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tăng thêm 20.424ha, diện tích này phần lớn được chuyển sang từ đất trồng lúa kém hiệu quả do xâm nhập mặn là 14.633ha. Dự kiến, vấn đề này sẽ được quyết nghị tại Kỳ họp thứ 3 - HĐND tỉnh khóa IX tới đây.

Thiên Trường

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang