• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Năm đầy “cam go” của người chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 26/04/2017
Ngày cập nhật: 28/4/2017

Khoảng thời gian từ cuối năm 2016 cho đến nay, nhiều hộ chăn nuôi thủy sản hay gia súc, gia cầm… vẫn chưa hết lo lắng về thị trường tiêu thụ. Nhiều hộ thiếu vốn tái sản xuất nên “ngậm ngùi” treo ao, treo vèo hay bỏ chuồng, vì nếu chuyển đổi vật nuôi thì biết chuyển sang nuôi con gì và biết đâu “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”.

Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Sóc Trăng Châu Minh Đức chia sẻ: “Quy luật của thị trường về giá heo hơi trước đây có thời gian xuống giá tầm từ 3 - 6 tháng thì tăng trở lại. Nhưng vài năm trở lại đây, giá thị trường càng giảm dần và minh chứng là giá heo hơi vẫn ở mức thấp hơn 1 năm qua, hiện tại vẫn chưa có gì khả quan”.

Từ những nhận định trên, phải chăng người chăn nuôi cần có sự tính toán lại phương thức chăn nuôi tại nông hộ. Người dân không thể đoán biết được tình hình, hễ thấy giá heo, cá, gà, vịt tăng lên là cứ ồ ạt tăng đàn, tái đàn và đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu”.

Những con cá sấu đang vào kích cỡ nhưng hộ nuôi neo lại chờ giá.

Trở lại thăm trang trại nuôi cá sấu của ông Lâm Văn Sơn, ấp Sa Mau 1, thị trấn Phú Lộc (Thạnh Trị), chúng tôi nhận thấy, vẫn chuồng cá sấu ngày nào nhưng với 75 con cá sấu của ông vào những tháng trước tết năm 2017 đã được xuất bán với giá dao động 70.000 đồng - 80.000 đồng/kg. Với mức giá trên không đủ số vốn đã bỏ ra đầu tư ban đầu, nhưng nếu bỏ chuồng thì thấy tiếc nên ông tiếp tục nuôi tiếp vài chục con và số lượng đã giảm một nửa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Sơn vẫn vững lòng tin và hy vọng giá cá sấu sẽ phục hồi trong thời gian tới, vì theo suy đoán của ông, giá xuống thấp, nhiều hộ nuôi lỗ họ không nuôi tiếp nên lượng cá sấu xuất bán giảm xuống, khi đó nhu cầu thị trường sẽ ổn định hơn, giá tăng lên do hàng cung không còn dồi dào.

Ông Đỗ Thành Đẳng - cán bộ phụ trách nông nghiệp thị trấn Phú Lộc chia sẻ: “Khoảng 10 năm trở lại đây, phong trào nuôi cá sấu phát triển mạnh trên địa bàn thị trấn. Ước tính có khoảng 50 hộ dân nuôi loại bò sát này; trong đó, có 5 hộ đăng ký thành lập trang trại. Trước đây, lợi nhuận từ con cá sấu có thể nói là ở hàng "top ten" so với nhiều vật nuôi khác. Qua quá trình nuôi, giờ chỉ còn khoảng 20 hộ duy trì bởi do tác động môi trường như nguồn nước, chuồng trại, giá cá đầu vào cao. Song song đó, tình hình giá cả xuống thấp như hiện tại sẽ có nhiều hộ tiếp tục ngừng nuôi hoặc treo ao chờ giá mới thả lại”.

Nếu như nhiều hộ nuôi cá sấu ở Thạnh Trị lao đao vì xuống giá thì những hộ dân ở ấp Mỹ Phú, xã Thiện Mỹ (Châu Thành) cũng đang lao đao vì giá cá lóc nuôi vèo vẫn còn giá thấp kỷ lục.

Gặp chúng tôi, ông Võ Công Thà - Tổ trưởng THT nuôi cá lóc vèo ấp Mỹ Phú đượm buồn chia sẻ: “THT có 10 thành viên chuyên nuôi cá lóc đầu nhím trong vèo hơn 4 năm. Hiện tại, các thành viên cố gắng nuôi cầm cự, do hầu hết đều không hoặc ít đất canh tác, họ sống chủ yếu dựa vào vèo cá lóc trên sông. Trước đây, con cá lóc đã góp phần lớn vào cải thiện kinh tế gia đình, hỗ trợ thành viên có đời sống ấm no, sung túc, nhưng kể từ giữa năm 2016 cho đến giờ, giá cá lóc xuống thấp, làm cho người nuôi gặp nhiều khó khăn”.

Theo tính toán của ông Thà, giá cá tại vèo sau thu hoạch là 35.000 đồng/kg, nếu đạt thì người nuôi mới thu được lợi nhuận, ước 10 triệu đồng/1 tấn cá. Còn giá cá lái thu mua là 26.000 đồng - 27.000 đồng/kg như bây giờ, người nuôi lỗ 10 triệu đồng/1 tấn là cái chắc. Một năm, THT nuôi cá lóc vèo ấp Mỹ Phú thả 2 vụ, ước sản lượng thu hoạch đạt 70 - 80 tấn. Nếu lỗ mỗi tấn cá 10 triệu thì con số lên đến tiền tỉ.

Ghé thăm vèo nuôi cá của anh Lê Thành Phú, ấp Mỹ Phú, anh không còn vẻ tự tin, tươi vui như lần gặp trước. Trao đổi với chúng tôi, anh Phú tâm tình: “Đợt bán cá tháng vừa rồi tôi lỗ vài chục triệu đồng, nhưng nhờ nuôi được cá trê bán phóng sinh nên gỡ gạc chút đỉnh. Thấy tình hình thị trường cá chưa khả quan lắm nên đợt này tôi giảm số lượng đàn cá xuống còn 7.000 con (bằng một nửa so với trước). Bên cạnh nuôi cá lóc, tôi tiếp tục nuôi cá trê theo đơn đặt hàng của khách. Tôi đang hy vọng giá cá sẽ tăng lại khi vào đúng vụ thu hoạch, để người nuôi gỡ gạc lại số vốn bỏ ra”.

Ông Võ Công Thà cho biết thêm: “Trong vai trò Tổ trưởng THT nuôi cá lóc vèo, tôi cũng chưa biết phải làm cách nào để giúp đỡ các thành viên, vì giá cả con cá lóc hiện đang phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường”.

Chủ tịch UBND xã Thiện Mỹ Bùi Khuyến Thiện thông tin: “Toàn xã có 56 hộ nuôi cá trong vèo, riêng ấp Mỹ Phú có đến 26 hộ nuôi cặp theo tuyến sông. Theo tôi, giá cá xuống thấp là do nguồn cung vượt cầu và cũng chưa thể biết được khi nào giá cá mới tăng giá vì phụ thuộc thị trường nên địa phương không thể định hướng cho người nuôi cá để họ yên tâm”.

Hiện con cá sấu, cá lóc xuống giá khiến người nuôi gặp khó, còn với người nuôi heo thì từ cuối năm 2016 cho đến nay, họ thật sự rơi vào bế tắc, lý do nhiều hộ ở nông thôn thường nuôi heo theo hình thức nhỏ lẻ nhằm kiếm thêm thu nhập gia đình, “nuôi ít lỗ ít, nuôi nhiều lỗ nhiều” - đấy là những lời tâm sự “bi đát” của các hộ nuôi heo.

Ông Lê Văn Oai, ngụ ấp Đắc Lực, xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành) bộc bạch: “Mấy tháng gần đây, bà con nuôi heo bỏ chuồng nhiều, nguyên nhân do giá heo hơi xuống mức quá thấp nên toàn bị lỗ”. Theo ông Oai, mấy mươi năm nuôi heo với số lượng lớn, khoảng gần 100 con heo thịt/năm, giờ phải hạn chế số lượng, thu hẹp chuồng do giá thịt heo xuống thấp.

Ông Oai tâm sự: “Ròng rã chăm sóc heo 3, 4 tháng trời mà xuất chuồng bán chẳng thu lại được vốn, lỗ vài ba triệu đồng/con. Ước tính, mỗi năm tôi bán 45 con heo thịt, trọng lượng bình quân 120kg/con, với mức giá 33.000 đồng - 36.000 đồng/kg bị lỗ là điều chắc chắn”. Ông Oai thở dài: “Không biết đến khi nào giá heo hơi mới trở lại mức 40.000 đồng/kg trở lên”.

Với thực trạng trên, không biết điệp khúc “được giá mất mùa, được mùa mất giá” sẽ đeo bám người nông dân đến bao giờ. Theo chia sẻ của nhiều nông dân, họ rất lúng túng không biết phải nuôi con gì, chuyển đổi loại cây trồng nào! Lời giải đáp rất cần ở chính quyền địa phương và ngành chức năng để người dân có giải pháp “căn cơ” cho việc trồng trọt, chăn nuôi tại nông hộ.

Thúy Liễu

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang