• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu: Đừng để thuốc kháng sinh và hóa chất cấm cản bước

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu, 19/04/2017
Ngày cập nhật: 21/4/2017

Với ưu thế 56km bờ biển, hệ thống sông ngòi chằng chịt và hệ thống dẫn nước mặn vào các kênh nội đồng thuận lợi, Bạc Liêu đang dần trở thành ngôi sao sáng trên bản đồ tôm Việt Nam, thúc đẩy Việt Nam tiến lên “công xưởng tôm” thế giới. Tuy nhiên, việc nông dân lạm dụng kháng sinh và các loại hóa chất cấm trong nuôi tôm đã trở thành lực cản và làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững nghề nuôi tôm.

Nghề tôm và những kỳ vọng

Với hơn 200.000ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 130.550ha, Bạc Liêu trở thành tỉnh đứng thứ hai cả nước trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là cả về diện tích và sản lượng.

Nông dân Bạc Liêu thu hoạch tôm nuôi công nghiệp.

Công nhân chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: T.A

Năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bạc Liêu cần tập trung phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản với mục tiêu là xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Xác định nuôi trồng thủy sản là ngành kinh tế chủ đạo, đó là vùng nuôi tôm thâm canh gắn với công nghiệp chế biến tôm lớn nhất của cả nước. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp xử lý nước thải nuôi tôm bảo vệ môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện, Bạc Liêu đã xây dựng xong đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu để thực hiện mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước và đang trình Chính phủ phê duyệt.

Nghề nuôi tôm ở Bạc Liêu phát triển khá sớm và trở thành phong trào nuôi tôm rộng khắp từ năm 2001, nhất là khi bắt đầu thực hiện chuyển đổi sản xuất. Đến nay, cả hai vùng sản xuất lớn của Bạc Liêu là phía Bắc và phía Nam Quốc lộ (QL) 1A đều có tôm nuôi. Nếu như vùng sản xuất phía Nam QL 1A nông dân làm giàu từ con tôm công nghiệp với mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và cả siêu thâm canh trong nhà kính, thì vùng sản xuất phía Bắc QL 1A tôm nuôi trong ruộng lúa với các mô hình lúa - tôm, lúa - tôm càng xanh kết hợp cá đồng, cua - tôm sú... giúp nông dân cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu.

Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, đặc biệt là quy trình nuôi tôm sử dụng các chế phẩm sinh học. Cùng với đó, nhiều người nuôi tôm cũng trở thành tỷ phú. Những nông dân được mệnh danh là “vua tôm” như ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn) đã không còn lạ với nông dân trong nước và thế giới. Nghề nuôi tôm thật sự trở thành cứu cánh cho nhiều gia đình. Những vùng đất vốn bị phèn mặn, bỏ hoang vì mỗi năm chỉ sản xuất 1 vụ lúa, nay đã trở thành vùng sản xuất 2 vụ tôm - 1 vụ lúa và mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha.

Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT: “Từ nay đến năm 2020, để Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” của ngành tôm công nghiệp của Việt Nam, bên cạnh việc quy hoạch hơn 418ha tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, tỉnh còn quy hoạch lại nhiều tiểu vùng sản xuất tôm khác nhau gắn với đầu tư hạ tầng sản xuất đồng bộ. Đặc biệt, sẽ phát triển và nhân rộng các mô hình nuôi tôm sinh thái nhằm tạo sản phẩm sạch (như mô hình tôm - rừng). Bạc Liêu sẽ phát triển diện tích sản xuất lúa - tôm từ 35.000 - 40.000ha vào năm 2020. Đồng thời, hướng đến xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt Nam”.

Khổ vì rào cản kháng sinh

Tiềm năng và thế mạnh là thế, nhưng việc người nuôi tôm lạm dụng các loại kháng sinh cùng nhiều loại hóa chất cấm mà người nông dân xem như “thần dược” trở thành lực cản cho phát triển nghề nuôi tôm. Cũng như đẩy sản xuất vào cảnh rủi ro, thiếu bền vững, tác động xấu đến môi trường sản xuất, làm ảnh hưởng chất lượng con tôm Việt Nam xuất khẩu.

Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, để giải quyết tôm bệnh, bà con không ngần ngại “đổ” kháng sinh trị bệnh cho tôm mà không lường hết những hậu quả của nó. Kháng sinh và hóa chất tiêu diệt cả vi khuẩn có hại và vi khuẩn có lợi, phá vỡ cân bằng hệ sinh thái và gây tác động xấu đến môi trường. Môi trường nước ao nuôi biến đổi khiến tôm trở nên yếu ớt, bệnh tật. Thế là bà con lại cứu vãn bằng cách tiếp tục cho tôm “uống thuốc” kháng sinh với liều lượng cao hơn. Từ đó dần dần tạo ra những dòng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, gây nên hiện tượng “lờn thuốc”, tôm ngày càng dễ bị bệnh và khó điều trị. Việc lạm dụng thuốc càng nhiều nhưng hiệu quả thấp làm cho chi phí đầu tư tăng cao, lợi nhuận giảm, đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào cảnh rủi ro. Nhiều lô hàng tôm xuất khẩu có dư lượng kháng sinh cao bị trả về gây ảnh hưởng tới uy tín và thương hiệu của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể như thị trường Brazil từng tạm ngừng cấp phép nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam; Nhật Bản đã yêu cầu kiểm tra Oxytetraxycline với 100% tôm từ Việt Nam; nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam cũng bị thị trường châu Âu trả về vì phát hiện vi phạm về chất lượng tôm. Đó là chưa kể đến những hiểm họa lâu dài với sức khỏe người tiêu dùng. Kháng sinh tích tụ trong cơ thể sẽ dẫn đến suy tủy, suy thận… thậm chí ung thư, đột biến gien.

Có thể nuôi tôm sạch hay không?

Những năm qua, nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ khoa học mới để hỗ trợ bà con nuôi tôm “sạch”. Đơn cử như việc sử dụng các chế phẩm sinh học. Trong đó, có nhiều loại chế phẩm sinh học giúp ổn định hệ sinh thái, cải tạo nguồn nước, giúp tôm hấp thụ thức ăn triệt để, góp phần nâng cao kháng thể tự nhiên của đàn tôm nuôi. Qua thực nghiệm đã cho thấy các sản phẩm này cho kết quả khả quan, con tôm khỏe và vẫn đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Như vậy việc nuôi tôm sạch là khả thi, song, vì chưa biết đến các loại chế phẩm hỗ trợ (như vi sinh sống), nên bà con vẫn cứ mãi lạm dụng kháng sinh và tạo nên những hệ lụy tác động xấu đến nghề nuôi tôm.

Một trong những định hướng chiến lược cho phát triển kinh tế của Bạc Liêu từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 là phát triển nghề nuôi tôm - được xem là ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy, việc có các giải pháp và kiên quyết nói không với nạn lạm dụng kháng sinh cần được quan tâm nhiều hơn. Điều quan trọng và mang tính quyết định vẫn là ý thức của bà con trong việc nuôi tôm sạch, và điều này hoàn toàn thực hiện được trong điều kiện công nghệ sinh học đã đạt được nhiều thành tựu như hiện nay.

Ngọc Thương

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang