• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

“Nhóm lại thì giàu, chia nhau thì khó”

Nguồn tin: Báo An Giang, 20/04/2017
Ngày cập nhật: 21/4/2017

Giá cá tra tại các tỉnh ĐBSCL trong những ngày qua đã tăng lên mức 28.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi lãi ít nhất 5.000 đồng/kg. Giá cao, lãi nhiều nhưng người nuôi lẫn doanh nghiệp chẳng ai mừng vì hết cá, giá mới tăng. Về phía doanh nghiệp, giá nguyên liệu tăng cao, họ rất khó bán hàng cho các đối tác nước ngoài. Câu chuyện con cá tra một lần nữa cho thấy, trong sản xuất hiện nay “nhóm lại thì giàu, chia nhau thì khó”.

Nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu là ngành hàng mang nhiều lợi thế của ĐBSCL

Gia đình ông Trần Văn Cứng (xã Hòa Lạc, Phú Tân) là nông hộ chuyên sống với nghề nuôi cá tra xuất khẩu. Gia đình có 5 héc-ta ao, bình quân mỗi vụ nuôi cá, ông thu hoạch trên 1.500 tấn. 10 năm trước, để có đầu ra ổn định, ông tham gia Câu lạc bộ (CLB) 10.000 tấn của Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico). Liên kết sản xuất được 5 năm, CLB này tan rã, ông trở thành hộ nuôi cá tự do. Chính trong quá trình nuôi và phát triển tự do, hộ của ông cũng như bao nhiêu hộ nuôi cá khác trong tỉnh, gặp rất nhiều rủi ro (1 vụ nuôi lời, 4 vụ nuôi lỗ). Cung - cầu bị lệch pha khiến gia đình ông khánh kiệt. Nay, giá cá tra ở mức 28.000 đồng/kg, ngồi nhìn 5 héc-ta ao bỏ trống mà ông hối tiếc. “Cá tra tăng giá trong khi dân đã hết cá bán, nghĩa là hết cá, giá mới tăng. Cá tăng giá đột biến, điều này cho thấy cung - cầu của thị trường nguyên liệu xuất khẩu cá tra đang bị lệch pha. Trước đây, khi tham gia vào CLB, chúng tôi nghe rất nhiều thông tin về thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp có thị trường thì mới tổ chức cho dân nuôi. Lúc đó, dân lo nuôi cá, doanh nghiệp lo đi tìm thị trường, vì vậy quá trình sản xuất rất khớp với nhau. Nay, làm ăn riêng lẻ, mạnh ai nấy làm nên rủi ro rất cao” - ông Cứng trần tình.

Xuất khẩu cá tra là thế mạnh của vùng ĐBSCL. Song, gần 10 năm qua, khi doanh nghiệp đầu tư mở rộng vùng nuôi, hạn chế liên kết với nông dân để có vùng nguyên liệu ổn định thì cả 2 phía đều gặp khó khăn chồng chất. Cụ thể, doanh nghiệp phải đầu tư vùng nuôi, mỗi héc-ta mặt nước lên đến 7 tỷ đồng, trong khi công tác quản lý vùng nuôi không bằng nông dân, hiệu quả sản xuất kém. Một yếu tố khác tác động không nhỏ đến quá trình phát triển là rủi ro về thị trường xuất khẩu. Chính động thái đánh thuế chống phá giá của thị trường Mỹ, cùng với các hàng rào phi thuế quan đã làm cho việc tiêu thụ cá tra ở thị trường nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Thua lỗ liên tục, doanh nghiệp lẫn ngư dân đều đi chung một con đường là phá sản.

Để nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu mang tính ổn định và bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp và nông dân cần đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình HTX kiểu mới. Ở đó, nông dân chuyên lo nuôi, doanh nghiệp chuyên tìm kiếm thị trường để xuất khẩu. Phân công lao động trong chuỗi giá trị ngành hàng sẽ hợp lý hơn, từ đó tạo ra chất lượng nguyên liệu cao, thị trường tiêu thụ tốt sẽ tránh được sự lệch pha. “Sự đổ vỡ của các CLB nuôi cá xuất khẩu ở chỗ, doanh nghiệp và nông dân ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nhưng giá mua cá tra lại áp dụng phương thức mua theo giá thị trường, điều này khiến 2 bên rất khó gặp nhau. Khi giá cá ở mức cao, doanh nghiệp bắt cá trong vùng nuôi của mình để xuất khẩu. Lúc giá cá xuống thấp, doanh nghiệp mua cá của nông dân. Nếu thực hiện được phương thức bao tiêu với giá cố định ngay từ đầu vụ như cách làm của Công ty Angimex Kitoku thì tôi nghĩ sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân rất bền vững” - ông Nguyễn Văn Nam (xã Đa Phước, An Phú), kiến nghị.

“Cần xem lại sự phân công lao động trong ngành cá tra hiện nay. Trước năm 2008, khi nông dân và doanh nghiệp hợp tác, cùng ngồi lại với nhau thông qua mô hình CLB 10.000 tấn, 20.000 tấn thì ngành cá phát triển rất tốt. Lúc đó, nông dân lo nuôi, doanh nghiệp lo tìm thị trường xuất khẩu. Sau năm 2008, khi mô hình CLB bị phá vỡ, sự chia rẽ giữa nông dân và doanh nghiệp đã làm cho ngành cá yếu đi và đến nay luôn trong tình trạng khó khăn. Điều này một lần nữa chứng minh rằng, đoàn kết thì sẽ giàu, chia rẽ thì gặp khó” - ông Đỗ Văn Nghiệp, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty AFA, khẳng định.

Minh Hiển

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang