• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển cá lồng ồ ạt tiềm ẩn nhiều rủi ro

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 18/04/2017
Ngày cập nhật: 20/4/2017

Khoảng 5 năm trở lại đây, nuôi cá lồng trên sông trở thành một phong trào lan rộng. Tính đến tháng 4-2017, toàn tỉnh Bắc Ninh có khoảng 1.600 lồng nuôi cá trên sông, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Số lượng lồng nuôi phát triển mạnh cho thấy những tín hiệu tích cực về hiệu quả kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường sinh thái, thị trường tiêu thụ, đòi hỏi sự quy hoạch đồng bộ, chặt chẽ hơn nữa.

Trung bình mỗi lồng có thể tích 108m3, sản lượng bình quân đạt 4-5 tấn/vụ, sau khi trừ chi phí, mỗi lồng cá cho thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Cùng với môi trường nước sông ổn định, cá tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon, giá thành tốt, thu hoạch từ một lồng cá có thể bằng 1ha diện tích nuôi trồng trong ao đất. Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, nhờ các chính sách hỗ trợ kịp thời của tỉnh đã khuyến khích nghề nuôi cá lồng phát triển, góp phần tăng năng suất, sản lượng thuỷ sản. Cụ thể, đến cuối năm 2016, có 917 lồng nuôi được hưởng kinh phí hỗ trợ với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng (15 triệu đồng/lồng) theo Quyết định 318 năm 2014 của UBND tỉnh.

Nuôi cá lồng phát triển mạnh trên sông Đuống, sông Thái Bình, tập trung ở các vùng như Trung Kênh, Minh Tân (Lương Tài); Đức Long (Quế Võ); Cảnh Hưng (Tiên Du); Song Giang (Gia Bình)… Hầu hết các hộ đều nuôi vài chục lồng đến gần 100 lồng. Ông Nguyễn Duy Hưng ở thôn Rền, xã Cảnh Hưng (Tiên Du) khởi nghiệp năm 2014 chỉ với vài lồng cá, đến nay đầu tư hơn 2 tỷ đồng cho 85 lồng cá trắm và rô phi đơn tính trên diện tích hơn 1.000m2 mặt nước.

Khi mật độ lồng nuôi cá lớn, cặn bã thức ăn thừa làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nước.

Tuy nhiên, phát triển nuôi cá lồng trong tỉnh vẫn còn mang tính tự phát và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi mật độ đặt lồng lớn, nhiều hộ chưa tính toán được về khoảng cách giữa các lồng, cụm đặt lồng, các đối tượng nuôi có nguy cơ dịch bệnh cao do lắng đọng chất thải của cá, thức ăn thừa. Ông Đào Xuân Chuẩn, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Xuân Tùng ở thôn Chi Nhị, xã Song Giang (Gia Bình) cho biết: “Mùa mưa bão, nước chảy siết mang theo nhiều rác trên thượng nguồn cộng với lượng chất thải tồn đọng trong lồng, cá nuôi thường không kịp thích ứng với môi trường, dễ bị dịch bệnh. Hầu như năm nào cá cũng chết rải rác vào mùa này nên tôi luôn phải vệ sinh hệ thống lưới và kiểm tra môi trường nước để có những biện pháp phòng, chống, chữa trị kịp thời. Số cá chết thì phải thu gom đưa lên bờ chứ không vứt ngay ra sông, thường xuyên gia cố lồng cá để bảo đảm an toàn”.

Ngoài ra, vẫn còn tình trạng một số người nuôi chạy theo phong trào, chưa trang bị đủ kiến thức về quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cá, nhất là một số giống cá đặc sản như cá chiên, cá ngạnh… nên gặp thất bại. Việt phát triển ồ ạt dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, sản phẩm bị ép giá khi thu hoạch.

Để tránh rủi ro, theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, các hộ cần lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp với khả năng kinh tế và kỹ thuật của mình. Những hộ nuôi nhỏ lẻ nên tập trung tổ chức lại sản xuất, liên kết nhau để chuyên sâu theo đối tượng nuôi, giảm áp lực khi thu hoạch, cũng là trợ lực tìm kiếm thị trường. Xây dựng hệ thống thu gom tập trung, phân loại hợp lý chất thải theo tiêu chuẩn về môi trường, từ đó bảo đảm năng suất, chất lượng của đàn cá… Về lâu dài, để phát triển cá lồng một cách bền vững thì cần phải nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc phối hợp quản lý, quy hoạch trên cơ sở phân vùng sinh thái, phát triển hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước và xử lý chất thải. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho các hộ nuôi cá lồng về kỹ thuật nuôi cá theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo điều kiện xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị cho sản phẩm này.

Huyền Thương - Việt Anh

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang