• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Làng cá thiếu... nước

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 16/04/2017
Ngày cập nhật: 18/4/2017

Đào ao không tính toán kỹ nguồn nước hoặc nguồn nước thủy lợi bị ô nhiễm khiến không ít làng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang gặp khó khăn. Nhiều thời điểm thiếu nước, dịch bệnh phát sinh làm một số hộ trắng tay sau bao ngày chăm sóc cá.

Ông Trần Văn Luyện, thôn Đụn 3, xã An Dương (Tân Yên) bơm giếng khoan bổ sung nước cho ao cá.

Ao cá trông nước trời

Nhờ nuôi thủy sản tập trung, người dân thôn Đụn 3, xã An Dương (Tân Yên) đã có cuộc sống khá giả. Thế nhưng, 5 năm gần đây, sự tăng trưởng nhanh về quy mô cộng với thời tiết diễn biến phức tạp, ít mưa khiến việc nuôi cá không còn thuận lợi như trước. Trong suy nghĩ của nhiều người, làng thủy sản thì nước luôn dồi dào. Vậy mà cùng cán bộ chuyên môn của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện "mục sở thị" vùng nuôi vào thời điểm này, chúng tôi ngỡ ngàng khi người dân cho biết toàn bộ các ao nuôi cá trông vào nước… trời. Bởi thế nên với hơn 40 ha, ao nuôi nằm san sát nhau song điều đáng ngại là nước ao nào cũng có màu đen, thiếu trong xanh như một số ao cá thông thường.

Tìm hiểu cặn kẽ hơn, chúng tôi gặp ông Trần Văn Luyện nuôi hơn một mẫu cá. Đang vận hành giếng khoan bơm nước cho ao, ông Luyện nói: “Tôi vừa xuống giống lứa cá mới nên phải tăng lượng nước để cá không bị ngạt. Đây cũng là cách pha loãng nước ao để giảm ô nhiễm”. Tuy nước ít nhưng hộ ông Luyện vẫn còn may mắn hơn bởi lượng nước đủ để nuôi lứa cá mới. Nhiều ao nuôi khác cạn trơ đáy hoặc chỉ còn lớp nước mỏng.

Đơn cử, hộ ông Lê Văn Hùng thu cá từ trước Tết. Hiện thời tiết ấm áp cộng với mưa xuân lất phất rất phù hợp với thả cá giống nhưng ao rộng gần 6 sào lại không có nước phải bỏ không. Ông Hùng chia sẻ: “Giờ chỉ còn cách đợi mưa lớn hoặc những hộ liền kề hút ao thì mới có nước. Bao năm nay, chúng tôi đều lấy nước theo kiểu nhà này đổ đi nhà kia hứng lấy để bổ sung nguồn nước cho ao cá”.

Mặc dù nằm cạnh kênh tưới chính thuộc hệ thống thủy lợi Cầu Sơn nhưng làng cá thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung (Việt Yên) nhiều khi vẫn thiếu nước. Ông Nguyễn Đức Thịnh, người dân trong thôn tâm sự: “Một số thời điểm kênh chứa nước thải màu đen đặc. Rác sinh hoạt, xác động vật nổi lềnh bềnh nên dù ao cạn, chúng tôi cũng không dám tháo nước vào vì sợ lây nhiễm nguồn bệnh”. Thực tế, đa phần các hộ ở đây phải chờ nước lưu thông trên kênh khoảng một tuần, có màu xanh trở lại mới lấy nước. Khoảng tháng 5, 6 nhiều năm, nắng nóng, nguồn nước không bổ sung kịp thời làm cá chết hàng loạt, có hộ chết hơn 2 tấn, thiệt hại lớn.

Thu hẹp diện tích

Ngoài những địa phương trên, thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, một số thôn ở các xã: Cao Xá, Cao Thượng, Phúc Hòa (Tân Yên), Nghĩa Trung (Việt Yên), Thái Đào (Lạng Giang)… người dân đào ao xa nguồn nước. Chính vì điều này dẫn đến hộ dân chỉ nuôi cá bằng nước tù đọng, không có điều kiện thay nước và khi nắng hạn kéo dài cá lớn chậm, bị bệnh, hiệu quả kinh tế thấp. Riêng năm ngoái, gia đình ông Trần Văn Luyện, thôn Đụn 3 có hơn một tấn cá rô phi chuẩn bị thu hoạch bỗng chết nổi trắng ao do bị nhiễm bệnh thối mang, đường ruột.

Hay như hộ ông Hoàng Văn Lâm ở cùng thôn vừa thả lứa cá vụ xuân cũng bị chết gần hết bởi nước ô nhiễm. Cũng do nước không bảo đảm nên tại thôn Tĩnh Lộc các hộ dân phải mua vật tư xử lý nguồn nước mặt, tăng chi phí đầu vào sản xuất.

Kênh chính gần thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung (Việt Yên) bị ô nhiễm nặng ảnh hưởng đến nguồn nước nuôi cá.

Bên cạnh việc đào ao phát triển tự phát, một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả kinh tế từ nuôi thủy sản là kênh mương dẫn nước bị ô nhiễm, bồi lắng. Khắp các tuyến kênh, đâu đâu cũng phải “oằn” mình “cõng” rác. Ví như kênh dẫn nước từ hệ thống thủy nông đến thôn Đụn 3 do không được nạo vét nên rác thải, bùn lắng làm tắc dòng chảy về các ao.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hệ thống thủy lợi được xây dựng trước. Khi nuôi quảng canh, nguồn nước thủy lợi cơ bản đáp ứng tốt cho nuôi thủy sản. Sau đó, thấy hiệu quả kinh tế cao từ nuôi cá, người dân một số địa phương đua nhau đào ao nuôi cá theo mô hình trang trại, gia trại không theo quy hoạch dẫn đến thiếu nước. Trước thực tế trên, để phát triển thủy sản bền vững, ngành nông nghiệp đề nghị các huyện, TP từng bước thu hẹp diện tích. Đối với những ao khan hiếm nguồn nước nên trám lấp.

Đi đôi với biện pháp trên, thường xuyên tổ chức khơi thông, nạo vét dòng chảy trên các tuyến kênh; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi xuống kênh, mương. Đối với thôn Đụn 3, xã An Dương (Tân Yên), giải pháp trước mắt cần thực hiện ngay là huy động nhân dân khơi thông tuyến kênh dẫn nước vào ao. Cùng đó, việc tận dụng nguồn nước khi nhà khác máy ao cũng là giải pháp tiết kiệm nước cần được khuyến khích song phải hướng dẫn biện pháp xử lý nước bảo đảm hiệu quả, tránh lây nhiễm nguồn bệnh. Đặc biệt, chính quyền cơ sở giám sát, khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích ao nuôi cá khi nguồn nước đang khan hiếm nghiêm trọng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, sử dụng nước giếng khoan nuôi cá chỉ là giải pháp tình thế trong trường hợp chống rét cho cá bởi lượng nước cho thủy sản cần rất lớn. Mặc dù điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có tính toán đến nhu cầu nước cho thủy sản nhưng để làm hệ thống thủy lợi riêng là điều không thể bởi đòi hỏi kinh phí rất lớn. Do vậy, việc xây dựng công trình thủy lợi tính toán theo hướng đa mục tiêu, đa chức năng. Mặt khác, khi xây dựng mới các công trình giao thông, khu, cụm công nghiệp, khu dân cư cần không làm “biến dạng” hạ tầng thủy lợi, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ.

Hơn 4 nghìn ha nuôi thủy sản thâm canh và bán thâm canh, tập trung tại các huyện: Tân Yên, Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam và TP Bắc Giang được cấp nước từ 24 công trình hồ đập, trạm bơm trong khu vực. Những vùng nuôi thủy sản phân tán khoảng 2 nghìn ha được cấp bằng hệ thống kênh Thác Huống, Cầu Sơn và công trình thủy lợi nhỏ do địa phương quản lý (nguồn: Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030).

Trịnh Lan

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang