• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng bằng sông Cửu Long: “Nóng” từ vùng nguyên liệu “tỉ đô”

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 12/04/2017
Ngày cập nhật: 13/4/2017

Câu chuyện cá tra được giá kỷ lục đang làm “nóng” lại vùng nguyên liệu xuất khẩu trị giá “tỉ đô” trong nhiều năm qua. Nhiều nông dân đã và đang rục rịch tăng diện tích nuôi lại cá tra. Song, theo cảnh báo của các chuyên gia: việc mở rộng diện tích nuôi cá tra trong lúc này ẩn chứa nhiều rủi ro. Câu chuyện đầu ra cho cá tra phi - lê hiện nay trông cậy vào những dự báo, thông tin về thị trường tiêu thụ!

ĐBSCL thu hoạch cá tra.

Xuất khẩu gần 20 năm, sản xuất giống vẫn yếu?

Chuyện cá tra tăng giá liên tục trong 4 tháng qua được xem là một tín hiệu tích cực cho người nuôi cá khi họ đã trải qua thời gian dài thua lỗ. Trong tháng 3 và tháng 4-2017, với giá bán 26.000 đồng/kg, nông dân nuôi cá đạt lợi nhuận 4.000-5.000 đồng/kg. Đây được xem là mức lợi nhuận “trong mơ” của nhiều hộ nuôi cá trong nhiều năm qua. Cần đánh giá đúng những tác nhân tích cực đẩy giá cá tra ở mức cao hiện nay. Trước đó, nhiều người lo lắng về đầu ra của cá tra, khi một nước ở châu Âu đã chơi xấu “bôi bẩn” hình ảnh cá tra Việt Nam. Các cơ quan chức năng Việt Nam đã có phản ứng kịp thời để “giải oan” cho chuỗi nuôi cá tra bài bản của nông dân ĐBSCL. Trong bối cảnh tỷ lệ xuất khẩu cá tra phi - lê giảm ở một số thị trường thì thị trường Trung Quốc lại tăng mạnh trong những năm gần đây. Xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc năm 2012 chỉ chiếm khoảng 4%, năm 2016 đang tăng lên 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cảnh báo: “Việc người dân mở rộng diện tích nuôi cá tra ở thời điểm này có thể dẫn đến những rủi ro khó lường. Nếu phía Mỹ tiếp tục đưa ra các hàng rào về kỹ thuật thì sẽ tác động đến thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc. Một điều đáng lưu ý, gần đây kích cỡ cá tra và trọng lượng cá có xu hướng suy giảm so với nhiều năm trước đây. Nguyên nhân chủ yếu là do khâu đầu tư nghiên cứu sản xuất con giống chưa sâu”. Có lẽ câu chuyện cá tra phi - lê xuất khẩu gần 20 năm đến nhiều nước trên thế giới nhưng đến nay vẫn yếu về khâu giống không khỏi làm ngạc nhiên nhiều người. Thật chua xót khi nhìn nhận, khâu sản xuất giống hiện nay không có cơ quan nghiên cứu sâu, chủ yếu do tư nhân đảm trách. Có người đặt vấn đề, là quốc gia nông nghiệp nhưng sao để khâu sản xuất con giống yếu kém? Bộ NN&PTNT có chỉ đạo về khâu sản xuất giống cá tra nhưng không rõ. Trong bối cảnh hiện nay cần phải có sự đầu tư, hợp tác nghiên cứu sâu hơn để cải thiện chất lượng con giống.

Cần thông tin về thị trường mới nổi!

Thị trường xuất khẩu cá tra lâu nay vốn chịu nhiều hàng rào kỹ thuật khắt khe. Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng đã cố gắng phối hợp với nhiều tỉnh ĐBSCL lập Bản đồ vùng nuôi thông minh để hình thành chuỗi nuôi cá tra bài bản, nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu. Thế nhưng có một điều đáng buồn là đến nay vẫn còn một số tỉnh có vùng nuôi cá tra lớn trong vùng nhưng làm xong chuyện quy hoạch vùng nuôi cá tra!

Các chuyên gia kinh tế nhận định: Đà suy giảm của xuất khẩu ở thị trường EU sẽ khó cải thiện. Cả cá tra và mặt hàng tôm sẽ đối diện khó khăn và khó tiên lượng điều gì xảy ra. Khi thị trường Trung Quốc tăng tiêu thụ thì các doanh nghiệp cần nhanh chóng học và tiếp cận với một cấu trúc thị trường mới. Song, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước đây nữa. Phía Trung Quốc đã cử người sang kiểm tra các kho hàng gạo. Tương lai ngành cá tra cũng thế.

Ông Vương Chính Bảo, Lãnh sự Phòng Kinh tế - Thương mại, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: Quan điểm của Chính phủ Trung Quốc kiên quyết phản đối, ngăn chặn doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài thực hiện các thương vụ bất hợp pháp. Trung Quốc cũng yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc ra nước ngoài nghiêm túc tuân thủ luật pháp nước sở tại. Nếu doanh nghiệp Việt Nam gặp những trường hợp doanh nghiệp làm ăn bất hợp pháp thì hãy khiếu nại hoặc thông báo đến Lãnh sự Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực tế, nghề nuôi và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL đã hình thành các chuỗi liên kết căn cơ, vấn đề là lựa chọn phương thức xuất khẩu. Lâu nay xuất khẩu theo đường tiểu ngạch luôn ẩn chứa nhiều rủi ro. Theo TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương cần nắm và cung cấp thông tin kịp thời về thị trường Trung Quốc, sớm đưa ra những cảnh báo cần thiết, để hạn chế rủi ro cho nông dân.

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2017, nông dân ĐBSCL đã thả nuôi 739ha và đã thu hoạch 672ha, sản lượng trên 210.000 tấn. Năm 2016, ĐBSCL thả nuôi hơn 3.000ha cá tra, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn. Trong đó, các tỉnh có diện tích nuôi cá tra lớn nhất trong vùng là Đồng Tháp (995ha), Bến Tre (727ha), An Giang (617ha), Cần Thơ (313ha)…

Cao Phong

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang