• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

An Giang: Nghề nuôi cá chợ gặp khó

Nguồn tin: Báo An Giang, 05/04/2017
Ngày cập nhật: 7/4/2017

Xuất khẩu cá tra gặp khủng hoảng, nhiều ngư dân đã chuyển sang nuôi các mặt hàng cá chợ để cứu vãn tình thế. Tuy nhiên, do sản xuất mang tính tự phát, hàng loạt ngư dân đang đối mặt với khó khăn ở thị trường nội địa.

Hơn 3 tháng qua, mỗi ngày gia đình anh Trương Văn Cần (phường Long Sơn, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) phải tốn 5 triệu đồng (tiền mua thức ăn) cho những bè nuôi cá rô phi, điêu hồng. Cá đã quá lứa thu hoạch, vợ chồng anh lặn lội khắp nơi kêu thương lái bán nhưng chẳng ai đoái hoài. Anh Cần cho biết, khoảng 3 năm trước, cá rô phi chưa đến kỳ thu hoạch, thương lái tìm đến bè đặt cọc mua, cá không có để bán. Cung thấp, cầu cao, có lúc cá rô phi bán được với giá 28.000 đồng/kg, cá điêu hồng từ 31.000 - 32.000 đồng/kg. Cùng thời điểm này, cá tra chỉ bán được giá 19.000 đồng/kg. Nuôi cá rô phi, điêu hồng và các mặt hàng cá chợ đã trở thành phương án tốt để nông dân gỡ nợ. Từ đó, hàng loạt ngư dân trong tỉnh nhanh chóng chuyển từ cá tra sang nuôi cá rô phi, điêu hồng, cá lóc, cá trê… “Chỉ tính riêng địa bàn phường Long Sơn, có ít nhất 80 bè nuôi rô phi. Mỗi hộ, 1 vụ thu hoạch thấp nhất là 50 tấn. Tình trạng cung vượt cầu đã xảy ra. Hậu quả cá tiêu thụ không được, giá chỉ còn 21.000 đồng/kg, trong khi đó giá thành sản xuất là 25.000 đồng/kg. Mỗi kg cá tăng trọng, người dân lỗ 4.000 đồng/kg…” - ông Cần bức xúc.

Quy hoạch vùng nuôi hợp lý. Ảnh: Minh Hiển

Tại xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), phường Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc), tình hình tiêu thụ cá rô phi, cá điêu hồng cũng không hơn. Nhiều ngư dân phải vay “nóng” tiền bên ngoài để đáo nợ ngân hàng, vì cá bán không được. Các địa phương khác như: Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, An Phú… những hộ nuôi cá lóc, cá trê để phục vụ cho việc xuất khẩu sang Campuchia (CPC) bằng đường tiểu ngạch cũng chịu thua, vì sản lượng xuất khẩu năm nay chỉ bằng phân nửa năm rồi. “Hiện giá cá lóc thương lái mua tại hầm chỉ còn 23.000 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi phải từ 27.000 - 28.000 đồng/kg. Cá trê vàng chỉ 17.000 đồng/kg, trong khi giá thành nuôi là 20.000 đồng/kg. Ngư dân ở đây nhiều người bị thua lỗ, bỏ nhà đi Bình Dương trốn nợ” - ông Phan Văn Nam (xã Hòa Lạc, Phú Tân) chia sẻ.

Hơn 10 năm qua, đối với mặt hàng cá chợ, ngoài tiêu thụ trong tỉnh, trong vùng, chợ đầu mối TP. Hồ Chí Minh, thương lái còn đưa cá sang Campuchia (CPC), Thái Lan để tiêu thụ. “Hai năm trở về trước, tại Cửa khẩu Tịnh Biên, bình quân mỗi ngày có trên 100 tấn cá xuất sang CPC. Năm nay sản lượng chỉ còn một nửa. Cá tra, ngư dân CPC nuôi chỉ 6 tháng là thu hoạch và hệ số chuyển hóa thức ăn (FCA) chỉ có 1.6, tương đương với ngư dân Việt Nam. Ngành thủy sản CPC phát triển nên việc nhập khẩu cá từ Việt Nam đã ít lại…” - ông Nguyễn Văn Vệ, thương lái chuyên xuất khẩu cá sang CPC, cho biết.

Trước đây, các mặt hàng cá chợ được đưa sang Thái Lan tiêu thụ rất mạnh, nay muốn bán được những lô hàng này, thương lái phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. “Thái Lan giờ đây quản lý các mặt hàng cá nước ngọt nhập khẩu đúng như thông lệ quốc tế, nghĩa là lô hàng nhập khẩu phải có nguồn gốc xuất xứ, để khi gặp sự cố, người ta có thể truy xuất được nguồn gốc. Chính điều này đã làm cho các mặt hàng cá chợ trong thời gian gần đây không bán vào được thị trường này. Những ngư dân nuôi các mặt hàng cá chợ ít ai quan tâm đến tiêu chuẩn chất lượng như nuôi cá tra xuất khẩu, vì vậy khi mua hàng xuất sang Thái Lan, chứng từ không hợp lệ…”- chị Trần Thị Thu, thương lái chuyên xuất khẩu cá sang Thái Lan, chia sẻ.

Nuôi cá xuất khẩu gặp khó, bán ở thị trường nội địa cũng không xong, điều này phản ánh thực trạng sản xuất có quá nhiều bất cập. Đại bộ phận ngư dân chưa thay đổi tập quán sản xuất cũ, vì vậy sản xuất khó mang tính bền vững. Phát huy vai trò của Hiệp hội Thủy sản trong tỉnh là việc làm cần thiết hiện nay. Thông qua hiệp hội, chúng ta tập hợp ngư dân vào một tổ chức nghề nghiệp để cơ cấu sản xuất cho hợp lý hơn. Trong sản xuất, cần cân đối lại sản lượng nuôi trên từng đối tượng sao cho tương thích với độ mở của thị trường. Cầu nhiều, cung ít là con đường mang tính bền vững cho nghề nuôi các mặt hàng cá chợ lẫn cá xuất khẩu hiện nay. Cần quan tâm hơn nữa các tiêu chuẩn chất lượng để có thể xuất khẩu các mặt hàng cá chợ sang Thái Lan…

“Thay vì phải tuân thủ nguyên tắc, có thị trường thì mới tổ chức sản xuất, đằng này nông dân vẫn chưa thay đổi được tập tính cũ. Việc hàng loạt ngư dân chuyển từ nuôi cá xuất khẩu sang các mặt hàng cá chợ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Tôi đề nghị cơ quan Nhà nước cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò quản lý của mình để trong thời gian tới, nền sản xuất không rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa như hiện nay” - ông Trần Văn Nhiều (phường Long Sơn, TX. Tân Châu), kiến nghị.

Minh Hiển

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang