• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đầu tư cho đánh bắt xa bờ: Hiện đại hóa từ đội tàu đến khâu bảo quản

Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 27/03/2017
Ngày cập nhật: 30/3/2017

Cặp tàu lưới rê vỏ thép đóng mới bằng nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67CP của ngư dân Ngô Văn Linh và Ngô Văn Tịnh, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.

Trong chiến lược phát triển kinh tế biển của BR-VT, ngoài đóng góp của cảng biển, dầu khí và du lịch thì ngành thủy sản cũng giữ vai trò rất quan trọng. Vì vậy, trong chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến 2030, BR-VT cần phát triển đội tàu khai thác hiện đại. Đồng thời, chú trọng đổi mới công nghệ bảo quản, nâng cao chất lượng nguyên liệu hải sản, phục vụ cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu.

Hiện đại hóa đội tàu đánh bắt

Đầu tháng 8-2016, tàu dịch vụ hậu cần thủy sản BV 97979 TS của DNTN Thuận Huệ, phường 5, TP.Vũng Tàu đã xuất bến ra vùng biển thềm lục địa phía Nam để thu mua hải sản và cung cấp các nhu yếu phẩm cho tàu đánh cá. Đây là tàu dịch vụ hậu cần vỏ thép lớn nhất, hiện đại nhất tỉnh BR-VT. Tàu có trang thiết bị hiện đại như máy đo độ sâu, máy định vị GPS, rada quét và la bàn vệ tinh.

Tàu được thiết kế 13 khoang, trong đó có 4 khoang chở dầu và 9 khoang chở cá, dự trữ của tàu đủ hoạt động tại ngư trường 30 ngày. Đây là tàu vỏ thép được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Thuận, chủ DNTN Thuận Huệ, cho biết: “Tàu đã ra khơi để cung cấp dịch vụ hậu cần thủy sản được 4 chuyến, mỗi chuyến tàu thu mua và vận tải từ 200 đến 300 tấn hải sản vào bờ. Đồng thời, cung cấp 20 đến 30 ngàn cây đá lạnh, đáp ứng nhu cầu cho các tàu khai thác trên biển”.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 24 tàu vỏ thép đã đi vào hoạt động, công suất mỗi tàu từ 800 đến hơn 1.600CV. Hiện có 10 tàu vỏ thép đang đóng mới bằng nguồn vốn vay của Nghị định 67 đang được triển khai.

Là người được vay vốn ưu đãi Nghị định 67 với số tiền gần 39 tỷ đồng đóng mới 2 tàu vỏ thép hành nghề lưới rê, ông Nguyễn Đình Liến, ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, cho biết: “Tàu vỏ thép được đầu tư máy mới, công suất trên 1.000CV nên giúp ngư dân an tâm bám biển và đánh bắt hiệu quả, mỗi chuyến biển thu lãi 100 triệu đồng. Với chính sách hỗ trợ của Nhà nước ngư dân sẽ có nhiều cơ hội chuyển đổi qua sử dụng tàu vỏ thép”.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, số tàu khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh chỉ còn 5.000 chiếc (tổng công suất 1 triệu CV), so với thực tế hiện nay tổng số tàu cá của tỉnh là 6.327 chiếc, công suất hơn 1,2 triệu CV, thì đã vượt 1.327 chiếc.

Để thực hiện đúng quy hoạch, hiện tỉnh không cấp phép đóng mới tàu hậu cần, khai thác vỏ gỗ. Chỉ chú trọng đầu tư, phát triển tàu vỏ thép, composite và vật liệu mới công suất lớn, trang thiết bị hiện đại để khai thác xa bờ.

Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNN phân tích: “Một trong những nội dung tái cơ cấu nghề khai thác theo hướng giảm dần, tiến tới chấm dứt các nghề khai thác ven bờ, nghề khai thác kém hiệu quả, nghề gây xâm hại nguồn lợi thủy sản và môi trường thủy sinh.

Muốn thực hiện điều đó, cần có sự hỗ trợ về vốn của Nhà nước, Sở NN-PTNT đã kiến nghị Bộ NN-PTNT có chính sách hỗ trợ vốn cụ thể cho đối tượng nghề lưới kéo chuyển sang hoạt động các loại nghề như lưới rê, lưới vây, câu khơi, dịch vụ hậu cần thủy sản…”.

Bốc hải sản sau đánh bắt về bờ tại Cảng cá Incomap, phường 5, TP. Vũng Tàu. Ảnh: THÀNH HUY

Chú trọng khâu bảo quản sau khai thác

Mặc dù sản lượng đánh bắt hải sản của tỉnh đứng thứ 2 trên cả nước, tuy nhiên chất lượng hải sản sau đánh bắt vẫn chưa cao, lượng hải sản đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu chỉ đạt 30% đến 40%, còn lại chỉ làm cá phân (bột cá).

Là một trong những người chuyên thu mua hải sản tại Bến Đá, ông Đỗ Văn Minh (phường 5, TP.Vũng Tàu), cho biết: “Mỗi chuyến biển nếu tàu cá đánh bắt được 80 tấn thủy sản thì lượng cá tạp (dùng làm bột cá), cá chất lượng kém chiếm từ 50-60 tấn. Do vậy, lượng cá để đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu giảm theo”.

Ngư dân Thái Thuần Tốt, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, cho rằng: “Ngư dân cũng chưa chú trọng lắm đến việc bảo quản hải sản sau đánh bắt, thường chỉ bảo quản bằng đá lạnh là chính nên sản phẩm vào bờ giảm chất lượng, giảm độ tươi không đủ tiêu chuẩn để DN chế biến thu mua sản xuất. Thậm chí, có loại hải sản đã bước vào giai đoạn phân hủy, chỉ còn thích hợp với làm cá phân, bột cá với giá bán chỉ 5 đến 6 ngàn đồng/kg”.

Qua khảo sát thực tế, hiện nay do tình trạng thiếu nguyên liệu, nên nhiều DN chế biến hải sản xuất khẩu phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.

Ông Huỳnh Minh Tường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản BR-VT (Baseafood) kiêm Giám đốc XN Chế biến Thủy sản Xuất khẩu I cho biết: “Trong hướng phát triển bền vững, DN phải chủ động đầu tư dây chuyền sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng để giảm sử dụng nguyên liệu. (Nếu chế biến thô thì mỗi ngày Xí nghiệp I của Baseafood phải sử dụng 20 tấn nguyên liệu, còn sản xuất hàng tinh chế thì chỉ sử dụng 10 tấn nguyên liệu). Hiện nay, 80% sản phẩm xuất khẩu của Baseafood là sản phẩm giá trị gia tăng”.

Ông Huỳnh Minh Tường cho biết thêm, đánh bắt, bảo quản, chế biến là một chuỗi liên kết. Ngư dân vẫn chưa chú ý đầu tư đúng mức bảo quản hải sản để sản phẩm đưa vào bờ đạt chất lượng.

Vì vậy, trước mắt ngư dân cần đầu tư hệ thống bảo quản hải sản hiện đại để có sản phẩm về bờ đạt chất lượng. Sản phẩm sau đánh bắt đạt chất lượng sẽ giúp ngư dân bán được giá cao, nâng cao hiệu quả kinh tế. Vì vậy, nhà nước cần có biện pháp khuyến khích ngư dân đầu tư công nghệ bảo quản, nâng cao chất lượng hải sản sau đánh bắt, qua đó, góp phần tăng nguồn cung nguyên liệu cho các DN chế biến.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, ủy viên trung ương đảng, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh:

Hướng phát triển ngành thủy sản hoạt động theo chuỗi khép kín

Ngành thủy sản của tỉnh phải quy hoạch phát triển theo hướng bền vững, tăng chất lượng hải sản sau đánh bắt, hướng đến đánh bắt hải sản xa bờ, tuyệt đối không phát triển loại hình đánh bắt ven bờ mang tính hủy diệt. Tỉnh đang hướng phát triển ngành thủy sản hoạt động theo chuỗi khép kín từ khai thác đến chế biến xuất khẩu. Để thực hiện điều đó, các tàu khai thác phải ứng dụng công nghệ thiết bị hiện đại trong bảo quản sản phẩm nhằm nâng cao giá trị, giảm tổn thất sau khai thác. Đồng thời, các DN chế biến thủy sản phải nâng cao năng lực chế biến theo chiều sâu trên cơ sở đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, giảm dần chế biến thô tăng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng sử dụng ít nguyên liệu thủy sản, đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế và các yêu cầu của các thị trường nhập khẩu về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Sa Huỳnh

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang