• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thảm cảnh cá kèo rớt giá

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 28/03/2017
Ngày cập nhật: 29/3/2017

Hiện giá cá kèo giảm mạnh và không thể tiêu thụ hết khiến nông dân điêu đứng. Nếu như vài năm trước, cá kèo rớt giá thê thảm vì tin đồn thất thiệt “ăn cá kèo bị ung thư” thì nay giá giá cá tụt dốc không phanh vì điệp khúc “cung vượt cầu”, “được mùa, mất giá”.

Ông Tô Hoàng Xuyên, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, TP. Cà Mau, cho biết: “Giá cá kèo đang bị rớt thê thảm. Hiện giá cá kèo trên 35 con/kg dao động từ 60 - 63 ngàn đồng; cá dưới 35 con/kg giá bán thấp hơn 40 ngàn đồng. Với giá như thế bà con cầm chắc thua lỗ”. Thế nhưng, khi chuyện thua lỗ cầm chắc cũng không đáng ngại là không có thương lái đến mua cá, người nuôi phải cho cá ăn cầm chừng và lỗ càng thêm lỗ.

Neo ao chờ giá

Vào thời điểm này năm trước, giá cá kèo thương phẩm tăng cao, nhiều hộ dân đã vươn lên khá, giàu nhờ nghề này. Vì thế, vụ mùa năm nay nông dân đã ồ ạt đào ao, thả cá dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá”.

Nông dân xã Tân Thành trúng mùa cá kèo nhưng... bán không ai mua. Ảnh: Hoàng Tú.

Vừa mới lên 2 ao cá với diện tích hơn 4.000 m2, anh Nguyễn Thanh Tình (Ấp 5, xã Tân Thành, TP. Cà Mau) than: “Vụ này tôi lỗ gần 20 triệu đồng. Năm nay, tiền cá giống, tiền thức ăn và thuốc đều tăng so với năm trước nhưng đến thời điểm thu hoạch thì giá cá lại tụt dốc không ngờ. Và bây giờ nhiều thương lái đã ngừng thu mua hẳn”.

Kể về khó khăn khi mua cá giống, anh Tình cho biết, anh thả cá từ tháng 8 âm lịch năm trước, đúng vào lúc người dân ồ ạt chuyển từ nuôi tôm qua cá kèo. Rất nhiều người đến các đại lý ở Hố Gùi, Rạch Gốc để mua cá giống, nên anh phải chờ đến 5 ngày mới có cá giống mang về. “Nhớ cảnh nhiều người chen chút nhau ngủ trước cửa đại lý chờ mua cá kèo giống, đến giờ tôi vẫn còn ngán ngẫm”, anh Tình thở dài.

Với 5 năm kinh nghiệm nuôi cá kèo, anh Tình lý giải, do cá giống ở Hố Gùi được dèo hầm đất nên ít cá tạp và sức đề kháng cao. Vì thế nhiều người đã đổ xô về Hố Gùi mua cá giống dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung, nên nông dân phải chờ “dài cổ”.

Đồng cảnh ngộ với anh Tình, ông Trần Văn Hữu (55 tuổi, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi), cho biết: “Đoán trước được nguồn cá giống ở địa phương không đủ đáp ứng nên tôi phải nhờ người quen đặt mua ở Bạc Liêu. Ai dè, người dân Bạc Liêu cũng ồ ạt thả nuôi nên tôi phải chờ hơn 20 ngày mới có cá mang về thả nuôi”.

Thế nhưng sau niềm hồ hởi đã có cá giống thả nuôi và tâm thế đón chờ vụ mùa bội thu là sự hụt hẫng khi hiện tại thương lái không thèm ngó ngàng mặc dù giá cá đã “rẻ như cho”. Trước tình trạng rớt giá bất ngờ, nhiều hộ dân đã bán tháo chỉ mong thu lại vốn nhưng cũng không ít hộ cho cá ăn cầm chừng để chờ giá tăng trở lại.

Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh Nguyễn Thanh Hà, Ấp 5, xã Tân Thành là người đầu tiên thí điểm về mô hình nuôi cá kèo trên diện tích ao nuôi khoảng 15.000 m2. Ông Hà đã nhiều năm thu lãi rất cao nhờ con cá kèo và được mệnh danh là “Vua cá kèo Tân Thành”.

Ông Hà cho biết, mặc dù năm nay ông đã rất chú trọng khâu xử lý nước, chọn con giống và cung cấp đầy đủ thức ăn trong quá trình nuôi. Nhưng cũng do thời tiết chuyển biến phức tạp và giá cá xuống thấp nên vụ này chỉ mong huề vốn.

Chú trọng liên kết “4 nhà”

Những năm trước đây, anh Mã Trường Giang nuôi tôm công nghiệp ở huyện Đầm Dơi nhưng liên tục thất bại. Sau đó, anh nhận thấy nuôi cá kèo lợi nhuận cao, rủi ro thấp lại ít tốn công chăm sóc nên anh quyết định về ấp Bình Định, xã Tân Thành đào ao nuôi cá. Do là năm đầu, anh chỉ nuôi một ao với diện tích 3 công tầm lớn (tương đương 4.000 m2). Đến nay, cá trong ao của anh đã 8 tháng tuổi nhưng vẫn chưa thu hoạch do chưa tìm được thương lái.

Anh Mã Trường Giang đang điêu đứng vì không tìm được thương lái để bán lượng cá kèo trong gần 4.000 m2 ao nuôi của mình. Ảnh: Ngọc Trầm.

Anh Giang tâm sự: “Cá kèo nuôi từ 4 – 5 tháng là có thể thu hoạch được rồi. Nhưng do trước Tết, tôi thấy giá có 62 ngàn đồng/kg nên neo ao chờ giá lên. Nhưng hiện giá cá vẫn “giậm chân tại chỗ”, trung bình mỗi ngày tôi phải tốn cho chi phí thức ăn, thuốc men trên 600 ngàn đồng. Đến nay, tôi không còn khả năng cho ăn cầm chừng nữa thì thương lái lại không thu mua. Giờ khổ thiệt rồi!”.

Ông Tô Hoàng Xuyên cho biết, cá kèo chủ yếu tiêu thụ nội địa nên thị trường hẹp, khó sơ chế, chỉ có thể làm khô nên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của quy luật cung - cầu. Vào thời điểm hiện nay, nhiều địa phương thu hoạch cá rầm rộ khiến cung vượt cầu, dẫn đến giá cá tuột dốc.

Với mong muốn được tiếp tục gắn bó với nghề nuôi cá kèo, anh Giang bày tỏ: “Không chỉ việc tiêu thụ cá thương phẩm mà việc mua con giống hiện nay cũng đáng ngại. Hiện các hộ nuôi cá kèo chỉ có thể mua giống từ những người vớt cá trên sông, trên biển. Vì thế số lượng cá tạp rất nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng vụ nuôi”.

Ông Bùi Xuân Điệp (45 tuổi, Phường 8, TP. Cà Mau), thương lái thu mua cá kèo, cho biết: “Hiện không những cá kèo rớt giá mà giá cá lóc, cá trê, cá rô đều giảm mạnh. Giá cá xuống thấp không chỉ gây khó khăn cho nông dân mà cả thương lái. Nếu như trước đây, mỗi ngày tôi cân từ 7-8 tấn cá, thì giờ đây không cân quá 1 tấn vì đầu ra gặp khó, dẫn đến lợi nhuận thấp hơn rất nhiều”.

Cũng theo ông Điệp, cá kèo chỉ tiêu thụ nội địa vì hiện nay Trung Quốc, Singapore… đã ngừng thu mua hẳn. Dự báo thời trong vụ nuôi này, giá cá kèo khó có thể tăng trở lại.

Để nghề cá kèo có thể phát triển bền vững, cần có sự liên kết “4 nhà” nhằm tìm ra biện pháp hữu hiệu cho nông dân về vốn, kỹ thuật nuôi, con giống và đầu ra ổn định, tránh tình trạng “được mùa mất giá” tái diễn.

Thiếu liên kết “4 nhà”

Ông Tô Hoàng Xuyên cho biết, hiện xã Tân Thành có 23 hộ nuôi cá kèo với diện tích 17 ha, tập trung nhiều ở Ấp 5 và Ấp 3. Riêng Ấp 5 đã có 18 hộ nuôi với diện tích 14 ha. Xã Tân Thành cũng đã thành lập tổ hợp tác nuôi cá kèo để hỗ trợ vốn và kỹ thuật nuôi cho các thành viên. Thế nhưng đến nay tổ hợp tác vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm làm ra nên duy trì nghề này lâu dài là rất khó khăn. Những ngành chuyên môn như nông nghiệp, công thương thì chưa có hỗ trợ, định hướng gì cho nông dân.

Phùng Ngọc Trầm

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang