• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển bền vững nghề nuôi cá tra

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 10/03/2017
Ngày cập nhật: 12/3/2017

Những năm gần đây, tỷ lệ hao hụt khi nuôi cá tra ngày càng cao, thậm chí có ao nuôi hao hụt trên 50%. Để nuôi cá tra bền vững, ngay bây giờ song song với quy hoạch phát triển nghề nuôi cần chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường. Trong đó, quan trọng là tìm ra các giải pháp hợp lý, có tính thực tiễn cao để xử lý các chất thải phát sinh trong quá trình nuôi.

Mỗi ký cá nguyên liệu có 0,7-1kg thức ăn thừa thải vào ao nuôi.

Môi trường ô nhiễm

Với lợi thế sông ngòi, điều kiện thủy văn phù hợp, thêm vào đó kỹ thuật nuôi không quá khó nên nghề nuôi cá tra ngày một phát triển mạnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL trong năm 2016 đạt gần 5.000ha, với hình thức nuôi chủ yếu là thâm canh. Sự gia tăng liên tục về quy mô diện tích và mật độ nuôi thủy sản nói chung và cá tra nói riêng là dấu hiệu đáng mừng vì góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho kinh tế hộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hình thức nuôi này đã tác động rất lớn đến môi trường do thức ăn dư thừa, chất thải dạng phân, chất bài tiết tích tụ lại trong nước và nền đáy. Dưới tác động của vi sinh vật và các quá trình phân hủy tự nhiên, chất thải chuyển thành Amoni, Nitorat, Photphat... các chất khoáng đã kích thích sự phát triển của tảo dẫn đến hiện tượng nở hoa của tảo trong ao. Thêm vào đó, các độc tố phát sinh từ quá trình phân hủy các chất thải trong ao nuôi và sự tàn rụi của tảo làm cho môi trường nuôi nhanh chóng bị suy thoái, từ đó làm cho các đối tượng nuôi dễ bị nhiễm bệnh, thiếu ô xy hay nhiễm độc tính của các chất chuyển hóa.

Ông Phan Văn Ninh, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh An Giang nhận định, những năm gần đây, tỷ lệ hao hụt khi nuôi cá tra ngày càng cao, thậm chí có ao nuôi cá hao hụt trên 50%, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Nguyên nhân một phần do người nuôi thả với mức độ thâm canh ngày càng cao, mật độ nuôi dày dẫn đến lượng thức ăn quá nhiều làm phát sinh vào môi trường một lượng lớn chất thải do thức ăn dư thừa, ảnh hưởng đến môi trường nước trên các sông, rạch và vùng nuôi cá tra, khiến dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Liên quan đến vấn đề môi trường nuôi cá tra, phó giáo sư Dương Trí Dũng, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên - Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Thời gian gần đây, các công nghệ về sản xuất con giống, thức ăn, quy trình nuôi thâm canh ngày càng hoàn thiện, quy mô nuôi ngày càng lớn, vì thế đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường nuôi cá. Bởi, trong quá trình nuôi người dân lạm dụng thuốc thủy sản và không chú ý đến liều lượng thức ăn. Trong khi đó, chỉ một lượng nhỏ thuốc và thức ăn bỏ ra được cá hấp thu, phần còn lại được thải trực tiếp ra ngoài. Thức ăn công nghiệp có thành phần dinh dưỡng cao, đặc biệt là giàu đạm, phospho, tuy nhiên đây cũng là nguồn tác động đến chỉ số nước khiến tình trạng ô nhiễm cao hơn”.

Theo phân tích của các chuyên gia, để có được 1kg cá tra nguyên liệu phải tiêu tốn khoảng 1,7-2kg thức ăn tổng hợp. Như vậy, cứ mỗi kg cá nguyên liệu có 0,7-1kg chất thải của cá và kể cả lượng thức ăn thừa thải vào ao nuôi. Mặt khác, các nghiên cứu cho thấy cá da trơn chỉ hấp thu được 27-30% nitrogen (N), 16-30% photpho (P) và khoảng 25% chất hữu cơ đưa vào từ thức ăn. Thử nghiệm nuôi cá da trơn trong 90 ngày cho thấy cá chỉ hấp thu được khoảng 37% hàm lượng N và 45% hàm lượng P trong thức ăn đưa vào ao nuôi. Như vậy, để đạt được sản lượng trung bình khoảng 200 tấn cá/ha với hệ số chuyển đổi thức ăn là 1,8 cần sử dụng lượng thức ăn tối thiểu là 360 tấn và lượng chất hữu cơ thải ra môi trường gần 290 tấn.

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2015, toàn vùng ĐBSCL cung ứng cho các nhà máy chế biến 1 triệu tấn cá tra. Như vậy đã có gần 1 triệu tấn chất thải có nguồn gốc từ thức ăn nuôi cá trong các ao nuôi thải ra trong năm 2015.

Một khía cạnh khác cần được đề cập là bên cạnh thức ăn còn có một lượng không nhỏ hóa chất đưa xuống ao nuôi cá tra để xử lý môi trường, phòng trị dịch bệnh. Trong khi đó, vấn đề xử lý chất thải từ ao nuôi hiện nay chủ yếu là thay nước, vét bùn... mà đặc biệt hơn, lượng bùn cũng như nước lại được trực tiếp xả ra các hệ thống kênh rạch gần ao nuôi. Số liệu nghiên cứu cho thấy, có khoảng 33-40% số hộ nuôi thải bùn thẳng ra sông rạch trong khi đó mỗi héc-ta ao nuôi cá tích tụ khoảng 1.000m3 bùn lắng vào cuối mỗi vụ. Điều này càng làm gia tăng khả năng lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và chất lượng cá thương phẩm.

Cấp bách tìm giải pháp

Có thể nói, nghề nuôi cá tra thâm canh ở ĐBSCL cho hiệu quả cao và có nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, nếu tiếp tục bỏ quên vấn đề bảo vệ môi trường thì tình trạng suy thoái môi trường do nuôi cá sẽ tác động mạnh đến nghề nuôi và là cản trở đến việc phát triển con cá tra trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, giải pháp đảm bảo môi trường nuôi cá tra trước mắt là thay nước. Bởi, chất dinh dưỡng, tảo cùng các chất ô nhiễm sẽ theo nguồn nước ra ngoài ao và thay vào đó là nguồn nước chất lượng hơn. Tuy nhiên, về lâu dài người nuôi cần phải tính toán thật kỹ. Theo Trung tâm Nghiên cứu môi trường và xử lý nước - Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mức độ ô nhiễm của vùng nuôi cá tra là khá lớn, đặc biệt là chất ô nhiễm dạng Nitơ. Có tới 80-82% hàm lượng Nitơ hòa tan dưới dạng NH4+. Xét giá trị hàm lượng cácbon cho thấy 32-46% hàm lượng cácbon ở dạng hòa tan trong nước và 54-68% ở dạng lơ lửng. Với số liệu trên cho thấy mức độ ô nhiễm vùng nuôi khá cao.

Giải pháp dài hạn để khắc phục vấn đề ô nhiễm trong ngành nuôi cá tra được phó giáo sư Dương Nhựt Long, Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ đưa ra là các địa phương cần có quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trên các cơ sở phân vùng sinh thái và các hệ sinh thái phù hợp với các hình thức thả nuôi tập trung hoặc phân tán. Đồng thời, cần có quy chế bảo vệ môi trường trong nuôi thủy sản, đặc biệt quan tâm tới các mô hình nuôi có nguy cơ ô nhiễm cao.

“Cần quy hoạch chi tiết vùng nuôi thủy sản và phải đảm bảo đủ hệ thống cấp, thoát nước đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tránh lây nhiễm bệnh giữa các ao trong vùng nuôi. Ngành chuyên môn cần nghiên cứu đưa mô hình nuôi hợp lý, sử dụng hiệu quả nitơ và phospho từ nguồn thức ăn tránh dư thừa nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu tác hại đến môi trường. Đồng thời hướng dẫn người nuôi biện pháp xử lý chất thải hiệu quả để người dân dễ áp dụng. Ngoài ra, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vùng nuôi cá tra theo hướng an toàn, vùng nuôi sạch, vùng nuôi sinh thái theo các tiêu chuẩn quốc tế mà thị trường yêu cầu. Có như thế mới đảm bảo chất lượng môi trường chăn nuôi thủy sản và thúc đẩy phát triển bền vững ngành cá tra”, phó giáo sư Long nhấn mạnh.

THÚY AN

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang