• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giải pháp tiết kiệm điện trong nuôi tôm

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 08/03/2017
Ngày cập nhật: 10/3/2017

Hộ nuôi tôm thuộc các vùng trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng thời gian qua được ngành điện hỗ trợ tối đa trong việc kéo điện đến ao tôm, đáp ứng nhu cầu cấp điện nuôi tôm và đặc biệt là việc triển khai dự án tiết kiệm điện cho hộ nuôi tôm sẽ là giải pháp hữu hiệu, giúp người nuôi tôm tiết kiệm được khá nhiều chi phí trong sản xuất và nuôi trồng thủy sản.

Từ cuối năm 2016 đến nay, Đề án “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho hộ nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam bộ giai đoạn 2016 - 2018” do Tổng Công ty Điện lực miền Nam được triển khai thực hiện sẽ là một giải pháp hữu hiệu nhằm giúp người nuôi tôm tiết kiệm được chi phí. Tại Sóc Trăng, các huyện: Mỹ Xuyên, Trần Đề, Cù Lao Dung và TX. Vĩnh Châu là những địa phương hưởng lợi trực tiếp từ đề án này.

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, vụ nuôi tôm nước lợ năm 2016, toàn tỉnh thả nuôi 54.797ha, đạt 122% kế hoạch năm; trong đó, tôm thẻ chân trắng được thả nuôi gần 35.908ha, chiếm 65,5% diện tích thả nuôi; diện tích thâm canh và bán thâm canh trên 48.029ha. Việc thả nuôi theo phương thức thâm canh, bán thâm canh, với đối tượng chủ yếu là con thẻ chân trắng sẽ có mật độ thả giống cao, cho nên nhu cầu sử dụng điện để vận hành hệ thống quạt tạo ôxy cho tôm tăng cao gấp 5 đến 6 lần so với nuôi tôm sú.

Theo phân tích của các chuyên gia về tiết kiệm điện, cánh quạt dùng trong nuôi tôm thường được gắn cố định trên thanh cọc gỗ bằng các tấm bố nhựa (đối với dàn quạt cắm cọc trên ao đất) hoặc các tấm ván khoét lỗ (đối với dàn quạt sử dụng phao nổi). Với các thiết bị này, khi đưa vào vận hành sẽ tạo ra độ ma sát rất lớn, độ ma sát càng tăng sẽ làm tăng nhiệt độ động cơ, từ đó gây ra tổn thất làm tăng trở kháng trong động cơ… do đó, đòi hỏi người nuôi tôm phải sử dụng motor điện công suất lớn, dẫn đến chi phí điện cao.

Các chuyên gia giới thiệu về các giải pháp thực hiện mô hình ở Hợp tác xã nuôi tôm Hòa Nghĩa.

Qua thời gian nghiên cứu, các chuyên gia đã đưa ra nhiều biện pháp để tiết kiệm điện sử dụng phục vụ cho nuôi tôm nước lợ. Trong Đề án “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho hộ nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam bộ giai đoạn 2016 - 2018” do Tổng Công ty Điện lực miền Nam triển khai thực hiện thì giải pháp được thí điểm sẽ áp dụng đối với hộ nuôi là tiến hành thay thế các gói đỡ hình chữ U cho dàn quạt sang gói đỡ theo dạng con lăn và lắp đặt trục động cơ đồng trục với trục giàn quạt.

Theo thông tin từ lãnh đạo Công ty Điện lực Sóc Trăng, đề án này được thực hiện thí điểm trong giai đoạn 1 trên địa bàn các huyện: Cù Lao Dung, Trần Đề, Mỹ Xuyên và TX. Vĩnh Châu với tổng số 150 hộ, mỗi hộ đăng ký từ 2 đến 3 ao nuôi, với diện tích mỗi ao khoảng 5.000m2. Khi tham gia vào đề án, hộ nuôi tôm sẽ được hỗ trợ con lăn và chi phí nhân công lắp đặt dàn quạt theo đúng quy trình kỹ thuật. Trước khi triển khai đề án, Công ty Điện lực Sóc Trăng đã tổ chức các cuộc tham vấn cộng đồng nhằm giới thiệu về các giải pháp của đề án này và tuyên truyền khuyến khích hộ nuôi tôm đăng ký thực hiện.

Công ty Điện lực Sóc Trăng đã xây dựng mô hình trình diễn tại vuông tôm của ông Nguyễn Văn Khởi, ngụ khóm Huỳnh Thu, phường Khánh Hòa (TX. Vĩnh Châu). Tại điểm trình diễn này tiến hành lắp đặt các hệ thống dàn quạt theo giải pháp cũ và giải pháp mới và đặt đồng hồ đo đếm điện cho từng giải pháp. Mô hình 1 có cách lắp dàn quạt thông thường là gói đỡ hình chữ U đối chứng với sử dụng con bằng lăn cho dàn quạt. Kết quả việc sử dụng con lăn cho dàn quạt đã tiết kiệm 11% điện năng so với gói đỡ chữ U. Mô hình 2 với cả 2 dàn quạt đều sử dụng con lăn nhưng một bên là lắp đặt động cơ không đồng trục với dàn quạt và một bên là lắp đặt động cơ đồng trục với dàn quạt. Kết quả mô hình 2 với giải pháp đồng trục đã tiết kiệm hơn 12% điện năng so với không đồng trục.

Từ các kết quả trên cho thấy, nếu sử dụng con lăn và lắp đặt động cơ đồng trục với dàn quạt sẽ tiết kiệm được trên 23% điện năng tiêu thụ. Theo chủ hộ nuôi tôm Nguyễn Văn Khởi, đối với hộ nuôi tôm quy mô lớn thì giải pháp sử dụng con lăn và lắp đặt động cơ đồng trục với dàn quạt sẽ được ưu tiên chọn lựa. Còn với hộ nuôi tôm với quy mô vừa như ông sẽ chọn giải pháp sử dụng con lăn cho dàn quạt thay thế gói đỡ chữ U. Với những tính năng hiệu quả như trên, ông Nguyễn Văn Khởi phấn khởi cho biết: “Qua thời gian thực hiện thí điểm, tôi nhận thấy mô hình này sẽ giúp người nuôi tôm như chúng tôi sẽ tiết kiệm được khá nhiều điện. Với lợi ích nêu trên, thời gian tới tôi sẽ áp dụng hết trên diện tích nuôi tôm của mình”.

Còn tại Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa, ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông (TX. Vĩnh Châu) có 19 thành viên với diện tích ao nuôi là 45ha. Trong 2 năm trước đây, đã có một vài thành viên sử dụng con lăn cho dàn quạt để thử nghiệm trên diện tích một vài ao nuôi. Qua quá trình thử nghiệm, bà con đã ghi nhận được những lợi ích thiết thực. Cụ thể, đã giảm được chỉ số tiêu thụ điện năng, nhưng do mức đầu tư khá lớn nên bà con chưa có điều kiện để mở rộng hơn.

Ông Tăng Văn Xúa - thành viên HTX nuôi tôm Hòa Nghĩa bộc bạch: “Trước đây, tôi có làm thử nghiệm mô hình này và nhận thấy đã tiết kiệm được lượng điện năng tiêu thụ. Giờ đây được ngành điện hỗ trợ, bà con nuôi tôm chúng tôi rất vui mừng và sẽ đăng ký thực hiện ngay”. Theo ghi nhận của chúng tôi, từ hiệu quả thực tế nêu trên, không những 19 thành viên của Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hòa Nghĩa đều đăng ký thực hiện mô hình, mà còn có thêm 4 hộ nuôi tôm ở địa phương cũng hào hứng đăng ký áp dụng giải pháp thay thế gói đỡ chữ U bằng con lăn cho dàn quạt.

Đề án “Hỗ trợ tiết kiệm điện cho hộ nuôi tôm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Nam bộ giai đoạn 2016 - 2018” áp dụng thành công sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm áp lực về cung cấp điện thông qua giảm sản lượng điện tiêu thụ đối với khách hàng nuôi tôm, đồng thời giúp khách hàng tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao uy tín của ngành điện. Khi thực hiện và đề án, bà con nuôi tôm sẽ tiết kiệm điện sử dụng, giảm chi phí đầu vào cho hộ nuôi tôm, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm. Mô hình đã thể hiện trách nhiệm của ngành điện với khách hàng.

Q.Bình

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang