• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn hiệu quả cao

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 06/03/2017
Ngày cập nhật: 7/3/2017

Con tôm sú vẫn được người nông dân ven biển rất tin tưởng. Ảnh: CTV

Tỷ lệ tôm giống hao hụt giảm đáng kể. Tôm nuôi lớn nhanh, có thể lựa chọn thời điểm thu hoạch để bán giá cao… là những ưu điểm từ mô hình nuôi tôm biển quảng canh 2 giai đoạn, tạo phấn khởi cho nhiều nông dân nuôi tôm ở huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Đối với những vuông tôm luân canh vụ lúa mùa thì mô hình này phát huy tốt.

Hiệu quả tối đa

“Đều đặn trong 4 năm qua, gia đình tôi thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng đối với con tôm sú. Ngoài ra, vụ lúa mùa năm sau luôn có năng suất cao hơn năm trước. Chỉ riêng tôm bạc đất, thẻ thiên nhiên, cua, cá, thu nhập đủ cho chi tiêu sinh hoạt gia đình” - chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh, ấp Giao Hòa A, xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú cho biết.

Gia đình chị Trinh canh tác vuông tôm khoảng 3,5ha. Trong đó, chị ngăn đoạn nhỏ khoảng 0,5ha dùng làm ao ương tôm sú giống giai đoạn đầu lúc mới mua về. Chị Trinh chia sẻ: “Thường thì khoảng giữa tháng 9 (âm lịch), tôi ngăn bờ tách biệt với ao lớn để xử lý môi trường. Trong đó, chú trọng loại bỏ hết loại cá ăn tôm sú con như cá bống, cá chẽm…và cố gắng giữ sao độ pH ở 2 ao không chênh lệch. Đến khoảng cuối tháng 10, khi lúa đã trổ bông bên ao kia mới bắt đầu thả tôm sú giống bên ao này. Cuối tháng 11 thu hoạch lúa xong, lấy nước vào là bung bờ”.

“Do môi trường trong lành, phù hợp nên thu hoạch ít nhất cũng 50% trong tổng số 800 ngàn con tôm sú giống. Quan trọng là khi bung bờ ra tôm lớn nhanh đến bất ngờ. Trong tháng đầu, tôm từ bằng đầu đũa ăn đã có loại đạt 25 - 30 con/kg, còn chờ thêm tháng nữa thì loại 12 - 15 con/kg là bình thường. Tôi theo dõi chúng lớn từng ngày mà nhiều lúc còn không tin nổi vào mắt mình…” - anh Nguyễn Văn Yêm (chồng chị Trinh) chia sẻ.

Ao tôm quảng canh của hộ nông dân Nguyễn Văn Yêm ở xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú. Ảnh: T. Phương

Nói về kinh nghiệm tích lũy mấy chục năm với con tôm biển, anh Yêm cho hay, những thức ăn giàu dinh dưỡng từ lúa để lại là quan trọng nhất. Thức ăn này tôm sẽ ăn đủ trong tháng đầu. Đến tháng thứ 2, trong khi đặt lú để lựa những con lớn bán trước thì mỗi ngày ngâm khoảng nửa giạ lúa rải xuống cho tôm ăn. “Tôi nói dinh dưỡng từ lúa là quan trọng vì vừa an toàn với con tôm, vừa thân thiện với môi trường (nếu lỡ bị tồn đọng dưới đáy ao). Nhưng phải là lúa hữu cơ, chứ lúa có bón phân hóa học sẽ không bằng. Mấy năm qua, tôi vẫn chăm sóc 26 công lúa bằng phân hữu cơ” - anh Yêm khẳng định.

Tuyên truyền nhân rộng

Ông Lê Thành Nam - Chủ tịch UBND xã Giao Thạnh cho biết, toàn xã có hơn 121ha nuôi tôm biển, chủ yếu là nuôi tôm quảng canh. Với hiệu quả khá cao, ổn định từ mô hình ở hộ ông Nguyễn Văn Yêm, ông Nam tin rằng đây là điều kiện để nhân rộng trên địa bàn xã. “Trước đây, chúng tôi cũng có đợt tập trung tuyên truyền trong dân về hiệu quả, cách thức áp dụng mô hình này nhưng người dân vẫn chưa thực hiện nhiều. Phần lớn người dân cho rằng, diện tích đất ít không làm được, phần còn lại thì cho rằng chênh lệch về lợi nhuận không nhiều giữa có và không có ao ương. Nhưng theo tôi, những lý do đó là không thuyết phục. Trên thực tế, tỷ lệ hao hụt đối với tôm sú quảng canh dao động từ 65 - 80%. Đó là chưa kể đến việc bị thiệt hại nặng do dịch bệnh ngày càng tăng lên qua từng năm. Thời gian tới, chúng tôi sẵn sàng phối hợp với ngành chuyên môn để tuyên truyền mô hình nuôi tôm biển qua 2 giai đoạn rộng rãi trong dân” - ông Nam cho biết.

Ông Trương Thanh Hải - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thạnh Phú cho rằng, việc áp dụng mô hình nuôi tôm quảng canh 2 giai đoạn sẽ không gặp khó khăn về diện tích. “Chỉ cần dùng một phần diện tích mặt nước để thả tôm còn nhỏ chủ yếu tránh hao hụt vì mình có điều kiện xử lý và kiểm soát tốt môi trường. Sau đó bung ra, tôm vẫn hoạt động trên toàn diện tích ao nuôi” - ông Hải nói.

Theo ông Hải, mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn không mới với người dân. Tuy nhiên hiện nay do nhiều người vẫn chưa tìm hiểu kỹ về hiệu quả của mô hình nên chưa áp dụng. Trong khi đó, nhiều nông dân ở một số xã như: An Nhơn, An Điền, Mỹ An… áp dụng đạt hiệu quả khá cao, an toàn từ mô hình này. Thời gian tới, thông qua các lớp tập huấn chuyên môn, mô hình này sẽ được tập trung tuyên truyền đến tất cả nông dân đang canh tác trên tổng diện tích hơn 15.000ha tôm quảng canh trên địa bàn huyện.

Thông tin từ Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có trên 35.000ha nuôi tôm biển (chủ yếu tôm thẻ chân trắng) và hơn 2.000ha nuôi tôm càng xanh. Sản lượng từ việc nuôi tôm biển quảng canh quá thấp (chỉ khoảng 200kg/công/năm) và mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn là phương thức quan trọng để nâng năng suất tôm biển lên 350kg/công/năm. Mô hình này có thể áp dụng hiệu quả với cả 2 loại tôm nuôi chủ yếu hiện nay là thẻ và sú. “Nâng cao được nâng suất tôm quảng canh là một nhiệm vụ quan trọng của ngành thủy sản trong thời gian tiếp theo. Vì điều đó chẳng những làm môi trường nuôi luôn giữ được sức đề kháng cao trước dịch bệnh, thời tiết khó lường hiện nay, mà còn là một tiêu chí quan trọng để các nhà đầu tư hướng đến xây dựng nhà máy chế biến có quy mô lớn tại Bến Tre. Có nhà máy chế biến tại chỗ thì giá thu tôm của người nuôi chắc chắn cao và việc xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị liên kết đối với con tôm biển sẽ sớm thành công” - ông Bùi Văn Lâm - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.

“Thu hoạch bằng cách đặt lú với độ lưới tùy thuộc vào việc muốn bắt con tôm cỡ nào. Cách này mình có thể chủ động trước các rủi ro. Bởi, không cần xả cống (không may lấy phải nước bị ô nhiễm), tôm luôn ổn định; luôn có thể bán được tôm vào thời điểm giá cao; có thể yên tâm thả thêm các đợt khác để thu hoạch đều đặn trong năm. Ngoài ra, nếu siêng hơn mình có thể mua các thiết bị để con tôm sau khi bị bắt có thể sống khỏe mà cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn với giá cao” - nông dân Nguyễn Văn Yêm chia sẻ.

Thái Phương

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang