• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Để thủy sản là 'đầu tàu” của ĐBSCL

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 05/01/2017
Ngày cập nhật: 6/1/2017

Tại Hội nghị "Các nhà khoa học đóng góp ý kiến tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hội nhập"...

Tại Hội nghị "Các nhà khoa học đóng góp ý kiến tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hội nhập" do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 3/11, TS Nguyễn Văn Hảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đã trăn trở hiến kế để ngành thủy sản vươn lên đứng đầu trong nông nghiệp tại ĐBSCL.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc với các nhà khoa học tại Bộ NN-PTNT

NNVN xin ghi lại ý kiến đóng góp của TS Hảo cho lĩnh vực thủy sản, nhất là về SX tôm – đối tượng nuôi đã có sự bứt phá đáng ngạc nhiên trong năm 2016.

Những nút thắt phải gỡ

Trong định hướng của Bộ NN-PTNT về tái cơ cấu nông nghiệp cho khu vực ĐBSCL, đã có đề cập tới chủ trương các tỉnh ĐBSCL phải từng bước chuyển từ cơ cấu SX từ lúa – trái cây – thủy sản sang thủy sản – trái cây và lúa. Đây là điều rất mừng, bởi vai trò thủy sản đã được đặt lên hàng đầu ở ĐBSCL.

Khép lại năm 2016, ngành thủy sản vẫn đang tồn tại một số vấn đề nghịch lí lớn. Một là về tôm, đây là mặt hàng không sợ ế, có bao nhiêu cũng bán hết, nhưng rắc rối là chúng ta lại làm không ra để bán. Trong đó vấn đề dịch bệnh vẫn là nan giải nhất.

Ngược lại đối với cá tra, hiện nay chúng ta đang có khoảng 5.000ha, sản lượng khoảng 1 triệu tấn, năng lực chúng ta có thể SX được thừa sức lên 2 triệu tấn/năm, nhưng cái khó là chúng ta lại bán không được, giá rất rẻ.

Một đối tượng nữa có lợi thế là cá rô phi, hiện Trung Quốc, Đài Loan rất mạnh, trong khi chúng ta đang rất yếu, không SX được để bán. Để thủy sản có thể vươn lên theo định hướng mới đứng trên lúa gạo, thời gian tới, nhiệm vụ của lực lượng khoa học phải giải quyết cho được trước hết mấy vấn đề.

Đối với cá tra, phải tạo được đột phá về giống. Giống ở đây không phải là di truyền chọn tạo giống, cái này Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II hiện đã làm tốt rồi. Nhưng một con cá tra muốn đưa vào nuôi phải mất tới 3 tháng để ươm, trong khi hiện không có một DN nào đứng ra đầu tư để làm con giống cho bài bản hết, mà chỉ là nông dân nhỏ lẻ tự làm.

Vì vậy, muốn cá tra mạnh thì phải có cơ chế tạo điều kiện thu hút DN vào làm cho bài bản để có con giống tốt. Nếu giống không tốt, đưa vào nuôi ủ bệnh thì không chỉ nuôi hết sức vất vả mà còn buộc phải dùng kháng sinh, gây hệ lụy về dư lượng kháng sinh.

Nghĩa là nếu giải quyết được vấn đề chất lượng con giống, sẽ đồng thời giải quyết được câu chuyện quản lí kháng sinh. Cá tra chúng ta tự hào về sản lượng, năng suất, nhưng công nghệ thì rất lạc hậu. Chúng ta hiện chỉ biết có thay nước mà thôi, chứ chưa có gì cả.

Về tôm, trong số 700 nghìn ha hiện nay thì cơ cấu có khoảng 35 nghìn ha là tôm – rừng, khoảng 150 nghìn ha tôm – lúa, 400 nghìn ha quảng canh cải tiến và khoảng 15% diện tích còn lại là tôm thâm canh, bán thâm canh.

Con giống đang là một trong những nút thắt cần tháo gỡ ngay cho thủy sản

Trong số này, tôm rừng là nuôi sinh thái, không phải bàn nữa, cứ năng suất trung bình 300 kg/ha/năm mà làm. Nhưng các diện tích tôm – lúa rất nhạy cảm và dễ tổn thương nhất với biến đổi khí hậu. Bởi muốn trồng được lúa thì phải rửa được mặn trước, mà muốn rửa mặn thì phải có mưa.

Bên cạnh đó, năng suất hình thức nuôi tôm – lúa cũng đang rất thấp, chỉ mới 300-400 kg/ha/năm, trong khi nhiều nước hiện nay trung bình tới 1 tấn/ha/năm. Làm sao đưa được năng suất tôm – lúa lên bình quân 1 tấn/ha/năm đang là việc đặt ra mà các nhà khoa học phải giải quyết. Trước đây, chúng tôi đã từng có đề án trình Bộ NN-PTNT phải cải thiện vấn đề này, nhưng chưa triển khai được, nay phải thực hiện cho được.

Thủy lợi cho nuôi tôm: Phải làm ngay!

Với khoảng 15% diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh (khoảng 100 nghìn ha), phần nuôi thâm canh cao của DN chỉ có khoảng 10 nghìn ha. Nhưng DN hiện cũng rất khó khăn.

Con giống đang là một trong những nút thắt cần tháo gỡ ngay cho thủy sản

Năm 2016, chúng ta được mùa tôm, nhưng chủ yếu là được mùa từ nguồn của nông dân SX nhỏ bằng hình thức bán thâm canh, còn DN nuôi thâm canh thì năm 2016 thực chất là rất vất vả, nhất là tình hình dịch bệnh do yếu kém về vấn đề thủy lợi cho thủy sản.

Đây là vấn đề khó khăn đã tồn tại và nói nhiều năm, nhưng vẫn chưa làm. Vậy thủy lợi phục vụ cho thủy sản ở đâu? Trước hết phải tập trung cho nhóm đối tượng nuôi bán thâm canh nông hộ. Làm sao các diện tích nuôi thâm canh nông hộ phải có cấp thoát nước dành riêng cho nó. Cụ thể, những vùng như Vĩnh Hậu, Giá Rai của Bạc Liêu, Bình Đại của Bến Tre, Đầm Dơi của Cà Mau là những vùng cần phải được đầu tư thủy lợi cho thủy sản ngay lập tức.

Một trong những cái yếu nữa của ngành tôm hiện nay, vẫn là vấn đề giống. Giống cây trồng, vật nuôi nhiều loại chúng ta hiện đã làm tốt, nhưng thủy sản thì có cái khó, nhất là tôm giống. Bởi cái khó của làm tôm giống đó là tôm bố mẹ chỉ nuôi một năm là chết, không giữ được và buộc phải giữ đàn con. Vì thế mà các DN Việt Nam có tư duy ăn xổi, thường không muốn đầu tư dài hơi về giống, chỉ thích bỏ tiền ra mua bố mẹ về SX ra tôm con đi bán.

Hiện nay, các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, III đều có các trung tâm giống tôm ở Cát Bà (Hải Phòng); Phước Hải (Nha Trang), Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã có cơ sở vật chất rất tốt, nhưng tiền nghiên cứu không đủ.

Vì vậy, phải sớm có cơ chế làm sao để các Viện có thể phối hợp cùng các DN khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất đã có để quyết liệt làm cho được vấn đề giống tôm. Chứ không thể một ngành công nghiệp tôm rất lớn nhưng phải đi NK 100% tôm bố mẹ, lệ thuộc vào nước ngoài như hiện nay. Bản thân các Viện không thôi thì làm không nổi, mà phải có cả DN. Mà DN thì như đã nói, họ rất ngại làm, và cần phải sớm có cơ chế để đưa họ vào làm.

Tiếp thu ý kiến của TS Nguyễn Văn Hảo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Một số tập đoàn, Cty lớn như Cty Hùng Vương cũng đã liên hệ, hợp đồng làm giống cá tra với một số đơn vị nghiên cứu và cam kết sẽ nhân đủ con giống bố mẹ, đặc biệt là chuỗi ươm giống sẽ chính thức có đề tài khoa học được triển khai ngay trong thời gian tới. Về tôm, Bộ NN-PTNT đã có kế hoạch tổng kết 5 quy trình nuôi theo hướng thâm canh từ mức thấp đến mức cao để sớm đưa vào ứng dụng. Đặc biệt trong SX tôm bố mẹ (tôm sú và thẻ chân trắng) sẽ được các tập đoàn đặt hàng, bố trí kinh phí để các Viện nghiên cứu triển khai ngay trong năm 2017.

Trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2017 (3/1), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Bộ KH-CN đã có buổi làm việc với đông đảo các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước.

Theo đó, gần 20 ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực NN-PTNT đã hiến kế cho Bộ NN-PTNT về lĩnh vực KH-CN.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nghiêm túc tiếp thu, giao Vụ KH-CN (Bộ NN-PTNT) tổng hợp các ý kiến tham luận của các nhà khoa học, đồng thời khẳng định thời gian tới sẽ mở một kênh chính thức để lắng nghe, tổng hợp được các ý kiến thường xuyên của các nhà khoa học đóng góp cho công tác chỉ đạo điều hành nói chung, đặc biệt là về KH-CN.

Bộ NN-PTNT cũng sẽ tiếp tục tổ chức các diễn đàn chuyên sâu theo chủ đề như chăn nuôi, cây ăn quả, thủy sản… để mời các nhà khoa học dành nhiều thời gian hơn đóng góp, tư vấn cho Bộ những vấn đề chuyên sâu của ngành.

LÊ BỀN

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang