• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi tôm công nghệ cao

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh, 17/02/2017
Ngày cập nhật: 20/2/2017

Với sản lượng và lợi nhuận cao gấp 5-10 lần so với nuôi quảng canh (nuôi thả tự nhiên), 2 năm trở lại đây, người nuôi tôm, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng không còn khái niệm coi đây là nghề “đánh bạc với giời”. Việc đầu tư một vài tỷ cho đến hàng chục tỷ đồng để nuôi tôm theo hình thức công nghệ cao đang ngày càng được nhiều người mạnh tay đầu tư.

Những cặp tôm bố mẹ Công ty CP Thủy sản Tân An vừa nhập từ Singapore về ngày 14-2 để sản xuất giống.

Đặc thù của khí hậu miền Bắc là có mùa đông lạnh, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm lớn, gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng của tôm. Đây cũng là một trở ngại lớn đối với người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhiều nơi chỉ nuôi được một vụ/năm. Nhằm khắc phục bất cập này, ông Bùi Ngọc Liêm, Giám đốc HTX Cát Phú Hải (TP Móng Cái) đã mạnh dạn đầu tư gần 100 tỷ đồng để nuôi tôm công nghiệp cao. Theo đó, với hệ thống nhà nuôi có mái che khép kín, việc nuôi tôm đã được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là khi con tôm còn nhỏ sẽ được nuôi trong nhà bạt (thời gian từ 1 - 1,5 tháng) sau đó đến giai đoạn 2, khi tôm lớn, khoẻ mạnh hơn mới đưa ra môi trường ao nuôi nuôi tiếp trong vòng 1,5 tháng. Như vậy sẽ khắc phục được việc con giống nhỏ, yếu, chưa thích nghi được với môi trường bên ngoài dẫn đến chết như thường thấy ở các mô hình nuôi thả nuôi trong ao ngay từ khi xuống giống đến khi thu hoạch (3 - 3,5 tháng). Đồng thời công nghệ nuôi “2 giai đoạn” cũng giảm thiểu lượng thức ăn dư thừa, phân thải của giai đoạn tôm lớn khiến môi trường dễ chứa bệnh dịch, ảnh hưởng đến con tôm. Đồng thời, toàn bộ ao nuôi đều được áp dụng phương pháp tuần hoàn nước, tách loại bỏ chất thải trong ao và hệ thống cảnh báo, quan trắc môi trường. Với những công nghệ mới này, từ 3-5 năm các ao nuôi không phải thay nước, một năm người nuôi tôm có thể nuôi từ 3-4 vụ, tình hình dịch bệnh được kiểm soát triệt để. Theo tính toán của ông Liêm, việc mạnh tay đầu tư những công nghệ mới, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của VietGAP hoàn toàn đáng “đồng tiền bát gạo”. Bởi lẽ, với diện tích 1ha nuôi tôm khép kín, năng suất trung bình có thể đạt 15-20 tấn/vụ, tăng gấp 5-7 lần so với nuôi theo hình thức thâm canh. Lợi nhuận thu về đạt khoảng 2 tỷ đồng/ha. Trước thành công của mô hình này, hiện nay tại 11/12 vùng NTTS tập trung của TP Móng Cái, người nuôi tôm đã tự bỏ hàng tỷ đồng để đầu tư xây dựng các hệ thống đường, điện 3 pha, hệ thống cấp và xử lý nước thải riêng biệt, máy sục khí, đáy ao lót bạt, ao nuôi có mái che, máy bắn thức ăn, chế phẩm vi sinh để bổ sung thức ăn cho tôm... đưa Móng Cái thành vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh.

Không chỉ dừng lại ở việc nuôi tôm thương phẩm, nhận thấy nhu cầu về tôm giống trong tỉnh quá lớn, lên tới 3,5 tỷ con giống mỗi năm nhưng đều phải nhập từ các địa phương khác, Công ty CP Thuỷ sản Tân An (TX Quảng Yên) đã quyết định trở thành đơn vị tiên phong của miền Bắc trong việc sản xuất tôm giống. Năm 2016, Công ty đã đầu tư trên 2 tỷ đồng để xây nhà cách ly tôm bố mẹ, hệ thống nâng nhiệt, tạo oxy. Với 300 cặp tôm bố mẹ thẻ chân trắng từ Singapore, năm vừa rồi, Công ty đã cung ứng thành công ra thị trường hơn 100 triệu con tôm giống, doanh thu đạt được 3,2 tỷ đồng. Trên đà thành công này, ngày 14-2 vừa qua, Công ty đã tiếp tục nhập 1.000 cặp tôm giống bố mẹ sạch bệnh của Singapore. Dự kiến, sẽ cung ứng gần 400 triệu con tôm giống trong năm 2017 và bắt đầu có lãi ngay trong năm thứ 2 này. Ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty CP Thuỷ sản Tân An, cho biết: Con tôm nếu được đầu tư đúng hướng sẽ mang lại siêu lợi nhuận. Hiện Công ty đang ấp ủ triển khai dự án nuôi tôm thương phẩm thâm canh trong nhà kính với kinh phí đầu tư khoảng 500 tỷ đồng trên diện tích 70ha. Theo tính toán, mô hình mới này sẽ cho năng suất đạt gần 200 tấn/ha/vụ, doanh thu có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Cùng với ông Liêm, Công ty CP Thuỷ sản Tân An, từ năm 2016 trở lại đây, nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng ao nuôi, đưa diện tích nuôi công nghiệp ngày càng được mở rộng. Tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 9.692ha tôm, sản lượng đạt 10.000 tấn trong đó diện tích tôm nuôi theo hình thức công nghiệp đạt khoảng 3.300ha (tăng trên 1.240ha so với năm 2014), sản lượng chiếm tới 8.500 tấn. Với đà đầu tư mạnh mẽ này, năm 2017, diện tích nuôi tôm công nghiệp sẽ tăng thêm khoảng 20%, sản lượng đạt trên 12.000 tấn. Đây chắc chắn sẽ là yếu tố quan trọng, góp phần hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu kế hoạch đặt ra trong Nghị quyết 13 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế thuỷ sản.

Hoàng Nga

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang