• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: Chuyện ở làng biển - Bài 1: Khi tàu cá “đói” lao động

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 15/02/2017
Ngày cập nhật: 19/2/2017

Tàu neo đậu trên rạch Bà Hiền, xã An Thủy, huyện Ba Tri. Ảnh: Thái Phương

Mặc dù chủ tàu đã chuẩn bị sẵn sàng ngư cụ, nhiên liệu để ra khơi sau Tết Đinh Dậu 2017 nhưng mãi cho đến nay, hàng trăm tàu cá vẫn phải nằm ụ vì không có lao động. Trong khi chủ tàu chẳng những “chạy đông, chạy tây” mà còn nhờ đến các “cò lao động” vẫn hết sức mong manh để tìm đủ người ra khơi. Trước thực trạng này, các vấn đề tiêu cực xung quanh đó đã xảy ra như “cơm bữa”…

Tàu nằm chờ người

Sau Tết cổ truyền, các chủ tàu đánh cá thường ra khơi trong khoảng thời gian từ mùng 6 - mùng 9. Theo quan niệm của họ, đây là khoảng thời gian may mắn để xuất hành chuyến đầu năm. Tuy nhiên, đến ngày 13-2-2017 (tức 16 tháng Giêng), chúng tôi vẫn thấy những chiếc tàu cá nối đuôi nhau neo đậu trên rạch Bà Hiền (xã An Thủy, huyện Ba Tri) và rạch Bình Châu (xã Bình Thắng, huyện Bình Đại). Hầu hết là những tàu cá đánh bắt không còn hiệu quả nên bị lao động từ chối tham gia hoặc vì sợ lỗ nên chủ tàu không dám ra khơi.

Hành trang đựng vỏn vẹn trong túi nylon nhỏ xíu, anh Bùi Văn Đời, xã An Điền, huyện Thạnh Phú mặt buồn so lủi thủi từ đò ngang tại Tiệm Tôm về bước lên tàu cá đang chuẩn bị xuất bến. Anh Đời tâm tư: “Nếu không mượn nợ chủ tàu 22 triệu đồng xài tết thì tôi không đi nữa đâu. Tại lênh đênh hơn 2 tháng ròng rã ngoài biển buồn lắm, mấy bạn ghe (thuyền viên) đi cùng cũng đã chuyển nghề hết rồi. Nghề biển thoạt nhìn hào nhoáng vậy chứ bạc lắm. Bạc với mình vì bị “rộng” trên biển hàng mấy tháng ròng rã và khi lên tới bờ thì nhiều bạn ghe bị những cô hàng quán, những trò cá cược đánh tâm lý ấy mà giăng “thiên la địa võng”.

Bữa cơm của các thuyền viên trên tàu cá. Ảnh: T.Phương

Cánh chủ tàu cho biết, trên biển ngày càng đòi hỏi khắt khe kỹ năng của ngư dân để xử lý các sự cố khi ra ngư trường lớn. Họ thậm chí đã phải chịu cất công đào tạo cho những thuyền viên mới. Ngay từ trước và trong Tết Nguyên đán 2017, các chủ tàu đã tranh thủ đi “đặt cọc” lao động nhưng cho đến nay, thậm chí nhiều cặp tàu lưới cào đánh bắt xa bờ vẫn “đói” lao động.

“Tình trạng như lúc này cũng không có gì khó hiểu. Bởi, đâu phải chuyến ra khơi nào cũng thắng lợi, nếu không muốn nói là lỗ nên đời sống bạn ghe nhiều lúc quá khó khăn mới có tình trạng này. Trong khi xưa nay việc đánh bắt có lợi nhuận luôn được chia theo phân mức giữa những anh, em trên chuyến ghe đó rất rõ ràng chứ đâu có chuyện cam kết “lương cơ bản” khi không thu được lãi trong chuyến. Tuy nhiên, nếu chuyến nào không có lãi để chia thì tôi cũng phải xuất tiền túi, nhiều khi phải mượn nợ ứng trước cho bạn ghe để họ có tiền tiêu xài và lo cho gia đình. Đã vậy, nhiều người còn bẻ chĩa bỏ trốn hòng giựt nợ chứ không muốn đi tiếp…” - chị Phương, chủ tàu cá ở xã An Thủy, huyện Ba Tri cho biết.

“Hộ tống” thuyền viên lên tàu

Trưa ngày 13-2-2017, tại khu vực cảng cá Ba Tri, chúng tôi chứng kiến một cặp tàu cào đã ra khơi khỏi mắt người nhưng hơn 10 người đến “tiễn đưa” vẫn còn đang bỏ ống ngắm liên tục về hướng con tàu. Ngoài chủ tàu có vẻ thân thiện, những người còn lại đều cởi trần xăm trổ khắp người, mặt dữ tợn và dưới gầm bàn nước của họ có nhiều tuýp sắt, dây cước chờ sẵn. Một chị chuyên nhặt cá vụn tại cảng này cho biết: “Đó là tụi mặt rô chuyên đi tìm bạn ghe và chịu trách nhiệm khi bạn ghe ứng tiền chủ tàu rồi bỏ trốn. Mỗi lần tàu ra khơi, họ phải đề phòng bạn ghe nhảy xuống biển trốn về.”

Cánh chủ ghe cho biết, vì quá khó khăn trong việc tìm lao động, cũng như quản lý họ sau khi cho ứng tiền trước nên họ mới phải sử dụng bọn “cò lao động”. “Mỗi lao động chấp nhận lên tàu đi biển, chủ tàu phải trả cho cò hơn 700 ngàn đồng. Số lao động từ nguồn này chủ yếu ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau. Mặt khác, mỗi lao động cũng phải được ứng trước số tiền ít nhất 10 triệu đồng/người để trang trải chi phí đời sống, sinh hoạt lúc trên bờ, nhưng chủ tàu chỉ làm việc này thông qua cò và cò chịu trách nhiệm với họ. “Bất đắc dĩ lắm chúng tôi mới phải sử dụng đến nguồn lao động này, vì phần nhiều trong họ là những người thích chơi hơn làm, lại hay kiếm chuyện gây gổ. Tuy nhiên, trong đó cũng có những người phải đùm túm vợ con đến đây sinh sống. Tôi biết tất cả họ đều ít nhiều bị các tay cò bóc lột. Nhưng thời gian qua có quá nhiều thuyền viên ứng trước tiền rồi bỏ trốn, thậm chí có nhiều người còn ứng liên tục vài chủ tàu rồi mới bỏ trốn” - một chủ tàu ở Bãi Ngao, xã An Thủy, huyện Ba Tri chia sẻ.

Chiều ngày 13-2-2017, xâm nhập vào khu nhà trọ H.T, ở khu vực chợ Tiệm Tôm - nơi cò Đ. tập kết các lao động, chúng tôi thấy có một số phụ nữ ăn mặc quần áo khá diêm dúa và được cho hay họ là vợ của những thuyền viên đã lên biển. Trong khi đó, những bà con sống xung quanh khu vực nhà trọ này cho biết, họ thường xuyên nghe được những tiếng trêu ghẹo trai gái lả lơi và những cuộc ẩu đả, đánh đập nhau rất dữ tợn…

Bà Trần Thị Kim Châu - Phó chủ tịch UBND xã An Thủy cho biết, tình trạng “cò” lao động đi biển đã tồn tại khá lâu ở địa phương và hệ quả của việc này khiến cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cũng khá phức tạp. “Chúng tôi tuyên truyền cho chủ tàu và thuyền viên nên ký hợp đồng lao động theo chuyến để tránh phải cần đến bên thứ ba (cò) và cũng có các thủ tục cần thiết nếu 2 bên có xảy ra mâu thuẫn về tiền bạc. Nhưng, tất cả họ đều phớt lờ cách đó…” - bà Châu nói.

Thái Phương

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang