• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Yên: Hải sản đầm Ô Loan hồi sinh sau bão

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 27/12/2017
Ngày cập nhật: 28/12/2017

Nuôi hải sản ở đầm Ô Loan - Ảnh: LÊ TRÂM

Đợt bão lụt vừa qua, cửa biển An Hải (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) mở rộng hơn so với trước đây trên 120m, nước trong đầm Ô Loan lưu thông với biển nên dồi dào tôm cá. Người dân 5 xã An Cư, An Ninh Đông, An Hòa, An Hải, An Hiệp, sống ven đầm bắt cua, tôm đất, ốc cháy, cá hồng mang lại thu nhập cao.

Nhiều loại hải sản hồi sinh

Theo nhiều người dân sống ven đầm, đợt bão lụt vừa qua, cửa biển An Hải - nơi đầm giao thông với biển - tiếp tục mở rộng, nước biển tràn vào làm cho cua, tôm đất, ốc cháy xuất hiện với mật độ dày, nhờ vậy nhiều người đi đánh bắt thu tiền triệu. Ông Phan Văn Hân ở xã An Ninh Đông đi bắt con dắt, ốc cháy cho hay: Từ sau lụt đến nay, bà con nông dân quanh vùng ra đầm bắt con dắt, ốc cháy, trung bình một ngày, hai vợ chồng chịu khó ngụp lặn bắt được 2 tạ, bán với giá 5.000 đồng/kg, kiếm cả triệu đồng. Còn ông Phan Thế ở xã An Hiệp bơi sõng câu ra giữa đầm Ô Loan, dùng vợt moi bùn đổ vào sõng rồi chở vào bờ cho vợ con ngồi lựa bắt con dắt, ốc cháy ra khỏi bùn đá. Ông Thế cho hay: Mỗi ngày tôi đi xúc con dắt và bắt ốc cháy (bắt bằng tay), thu từ 3-4 tạ, còn người khác dùng chấn đăng bắt thì thu khá hơn, từ 1-2 tấn. Ông Đinh Văn Trung ở xã An Cư, thả 4 tấm chấn đăng, cứ mỗi tấm vớt lên cạo sạch thu vào gần 5 tạ con dắt, ốc cháy, được các thương lái mua về làm thức ăn cho tôm hùm.

Riêng tôm đất, mỗi đêm người dân đi đóng chấn bắt được 4-5kg, bán với giá 200.000 đồng/kg. Tôm đất là đặc sản của đầm, tuy nhiên trước đây do cửa biển An Hải bồi lấp nên nước trong đầm ô nhiễm nặng, mấy năm trước, tôm đất trong đầm “vắng bóng”.

Cửa biển An Hải mở rộng cũng khiến cua xuất hiện ở đầm khá nhiều. Người dân ở đây cho biết, cua y, con 2 lạng trở lên, thịt săn chắc, giá bán 150.000 đồng/kg; cua sô, yếm mềm thịt xốp giá 100.000 đồng/kg; cua gạch 250.000-300.000 đồng/kg (tùy loại). Trung bình một đêm, mỗi người đi bắt cua có thu nhập 500.000-600.000 đồng, có người đánh bắt cả ngày lẫn đêm thu tiền triệu. Ông Phan Minh ở xã An Hiệp, vui mừng nói: Cua năm nay xuất hiện nhiều. Ngoài cua lớn, cua nhỏ cũng rất nhiều. Hồ nuôi tôm ở đây bờ hồ làm bằng đá gọi là hồ hở, nhiều người lận lưới lỗ nhỏ vào bên trong mua cua nhỏ thả lại hồ tiếp tục nuôi, sau đó bán cua gạch.

Ngoài cua thì cá hồng cũng xuất hiện. Người dân đi bắt cá hồng bằng cách giăng lưới, thả lờ, kéo trủ; bình quân mỗi đêm bắt được từ 10-20 con/kg. Hiện giá cá hồng giống được các thương lái mua từ 7.000-10.000 đồng/con, tùy theo kích cỡ, trọng lượng.

Ngăn chặn cắm cọc ngầm dưới nước

Nước trong đầm Ô Loan không bị ô nhiễm nên nuôi thủy sản thuận lợi. Ngoài việc bắt ốc cháy ngoài tự nhiên, người dân các xã An Cư, An Ninh Đông và An Hải còn “tranh thủ” nuôi thêm hải sản bằng cách dùng đăng chấn mùng giăng, kết bè lấn chiếm đất mặt nước để nuôi tăng thu nhập. Đáng lo ngại hơn, nếu như trước đây việc nuôi ốc cháy chỉ kết bè nổi trên mặt nước, thì hiện nay nhiều hộ dân còn sử dụng phương thức cắm cọc ngầm dưới nước, sau đó dùng các loại lốp xe treo vào cọc để ốc đeo bám. Do vậy, các loại ghe sõng khi khai thác thủy sản trên đầm gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Ông Nguyễn Quang ở xã An Cư cho rằng, ban đêm ông bơi sõng câu đi đóng chấn thì gặp những cọc tre cắm dưới mặt nước làm cho mạn sõng móp méo. “Đó là sõng mới lận, chứ sõng cũ thì lủng rồi, rất nguy hiểm. Không những thế bơi sõng câu ra gặp các bè nuôi ốc cháy phải bơi vòng cua, tình trạng này đã làm bó hẹp không gian sống của các loại thủy sản tự nhiên trong đầm và làm cản trở dòng chảy. Người dân mong muốn các cơ quan chuyên môn ở huyện Tuy An và chính quyền các xã ven đầm phối hợp, tập trung tổ chức kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm đất mặt nước nuôi ốc cháy trái phép trên đầm Ô Loan”, ông Quang nói.

Theo UBND huyện Tuy An, chỉ riêng tại khu vực xã An Cư có 124 trường hợp nuôi ốc cháy trái phép. Vừa qua, UBND huyện tháo dỡ toàn bộ 23 bè tự ý nuôi ốc cháy trái phép. Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết: UBND huyện yêu cầu chính quyền xã An Cư, An Ninh Đông, An Hòa, An Hải chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự tháo dỡ cọc ngầm nuôi ốc cháy, đồng thời ngăn chặn người cắm cọc mới để sớm trả lại cảnh quan, môi trường cho đầm, không làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản ven đầm.

LÊ TRÂM

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang