• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hướng giải quyết nào cho chuỗi liên kết cá tra?

Nguồn tin: Báo An Giang, 22/12/2017
Ngày cập nhật: 24/12/2017

Giải pháp thỏa đáng nhất là chuyển nợ vay của nông dân tham gia chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco sang Công ty TNHH SX-TM-DV Thuận An (Công ty Thuận An), giải chấp tài sản để nông dân tái đầu tư sản xuất. Nếu để kéo dài, Nông dân càng chịu thiệt và vụ việc càng trở nên bế tắc.

Nông dân “ngồi trên đống lửa”

Sau khi báo An Giang đăng bài viết “Tham gia chuỗi liên kết cá tra, bỗng biến thành… con nợ”, phản ánh những khó khăn của nông dân (ND) trong chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco sau khi lãnh đạo Công ty Thuận An “đi nước ngoài rồi biến mất”, các ND tham gia chuỗi liên kết đã cùng ký đơn yêu cầu Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh An Giang (Agribank An Giang) chuyển nợ vay của họ sang Công ty Thuận An.

Các ND gồm các ông: Lê Quang Vinh (thị trấn An Châu, Châu Thành), Nguyễn Văn Nghiệp, Nguyễn Danh Cởn (cùng ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), Nguyễn Văn Phu (xã Quốc Thái, An Phú), Thái Văn Minh, Trần Văn Tường (cùng ngụ xã Khánh Hòa, Châu Phú), Nguyễn Văn Tấn, Ngô Quang Đức (cùng ngụ xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú), Huỳnh Nhan Thiên Truất (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) và Nguyễn Văn Học (phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc). Các ND cho rằng, tháng 5-2014, họ được UBND tỉnh quyết định cho tham gia vào chuỗi liên kết thí điểm Tafishco. Trong 2 năm tham gia thí điểm, các ND đều chấp hành tốt quy định của chuỗi, trả lãi, trả vốn đúng quy định cho Agribank An Giang theo mô hình khép kín. Ngân hàng đầu tư cho ND bằng thức ăn và ND trả nợ cho ngân hàng bằng cá tra nguyên liệu thông qua Công ty Thuận An. “Qua tổng kết quá trình hoạt động của chuỗi, các ban, ngành từ tỉnh đến Trung ương đánh giá hiệu quả mô hình rất tốt. UBND tỉnh An Giang đã đề nghị gia hạn thêm 2 năm nữa, được Trung ương đồng ý” - ND Lê Quang Vinh chia sẻ.

Đến tháng 11-2016, sau khi thu mua cá của ND trong chuỗi liên kết, lãnh đạo Công ty Thuận An bất ngờ “đi nước ngoài rồi biến mất”, không thanh toán tiền thức ăn cho Agribank An Giang, khiến chuỗi ngưng hoạt động đột ngột, ND trở thành “chủ nợ” của Thuận An nhưng là “con nợ” của ngân hàng. Suốt cả năm nay, ND bị ngân hàng thông báo nợ nhưng lại không thể đầu tư sản xuất cũng như đòi nợ Thuận An.

Các ND cùng ký đơn yêu cầu giải chấp tài sản để tái đầu tư sản xuất

Cần sớm giải quyết

Ngày 13-2-2017, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 441/QĐ-UBND, thành lập Tổ xử lý khoản cho vay thí điểm đối với dự án chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco (gọi tắt là Tổ xử lý 441), gồm nhiều đại diện ban, ngành để xử lý vấn đề. Ngày 7-3, tại Sở Công thương, các hộ ND nuôi cá đã có cuộc họp với Tổ xử lý 441. Căn cứ vào các tài liệu, văn bản liên quan, trong đó có Quyết định số 109/NHNN-TD.m, ngày 22-2-2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) về “xử lý đối với Công ty Thuận An và các hộ ND chuỗi liên kết cá tra”, cuộc họp đã thống nhất đưa ra phương án xử lý: Agribank An Giang có trách nhiệm thu nợ từ Công ty Thuận An theo bản xác nhận nợ của công ty (cả khoản nợ Thuận An vay và ND vay phục vụ chuỗi liên kết), ND được giải chấp tài sản để tái đầu tư sản xuất. “ND chúng tôi hết sức đồng tình với phương án xử lý này bởi nó đúng với tinh thần hợp đồng đã ký giữa 3 bên: Công ty Thuận An, ngân hàng và ND. Tổ xử lý 441 đã trình phương án xử lý lên UBND tỉnh. Ngày 31-3-2017, UBND tỉnh đã có Công văn số 519/UBND-KTTH gửi NHNNVN đề nghị giải quyết theo phương án này” - ND Nguyễn Văn Tấn nhớ lại. Tuy nhiên, suốt 9 tháng qua, phương án xử lý chuyển nợ của ND qua Công ty Thuận An vẫn chưa được thực hiện, tài sản của ND vẫn còn thế chấp trong ngân hàng. “ND chúng tôi đã chờ đợi quá lâu, nhiều hộ đã phá sản, đời sống gặp khó khăn khi không thể tiếp tục sản xuất” - ND Nguyễn Danh Cởn rầu rĩ.

Trong đơn kiến nghị mới đây, các ND đề nghị Agribank An Giang phải giải chấp ngay tài sản của các hộ tham gia chuỗi liên kết Tafishco để họ có điều kiện tái sản xuất, ổn định cuộc sống. “ND chúng tôi tha thiết mong các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương nhanh chóng thúc đẩy để vụ việc sớm được giải quyết, tránh gây thêm thiệt hại cho người nuôi cá” - các hộ kiến nghị.

Trước đó, các ND đã có đơn cầu cứu khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Thủ tướng xem xét thấu đáo kiến nghị của UBND tỉnh An Giang để tháo gỡ khó khăn cho ND. Ngày 13-12-2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Giao NHNNVN chủ trì, phối hợp UBND tỉnh An Giang tập trung giải quyết dứt điểm phản ánh, kiến nghị của các hộ dân thuộc chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1-2-2018.

NGÔ CHUẨN

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang