• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hiệu quả từ mô hình kết hợp tôm - lúa - cá

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 21/12/2017
Ngày cập nhật: 22/12/2017

Những năm qua, nông dân trên địa bàn ấp Thạnh Điền, thị trấn Phú Lộc (Thạnh Trị, Sóc Trăng) đã phát triển nhanh mô hình nuôi tôm trên nền đất lúa và kết hợp nuôi một số loài cá. Đây được xem là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con có thu nhập ổn định.

Theo bà con ở khu vực ấp Thạnh Điền, mô hình tôm - lúa - cá đã đem lại lợi nhuận khá cao trên cùng diện tích đất. Việc thực hiện mô hình này đã giúp cải tạo được đất, lúa tăng năng suất, hạn chế dịch bệnh và lúa sau thu hoạch đảm bảo “an toàn vệ sinh” vì hạn chế tối đa việc dùng phân bón, thuốc hóa học.

Khu vực ấp Thạnh Điền được phân chia thành hai cụm dân cư, gồm: phía trong đê và phía ngoài đê để ngăn nước mặn từ cửa biển Trần Đề đổ về trong những tháng mùa khô. Do vậy, người dân sinh sống phía ngoài đê tận dụng những tháng nước mặn để nuôi tôm sú, tôm thẻ, kể cả nuôi tôm càng xanh và đã mang lại giá trị kinh tế cao. Thực tế, qua nhiều năm áp dụng mô hình trên đã giúp gia đình ông Nguyễn Quốc Khanh, ấp Thạnh Điền có cuộc sống sung túc.

Ông Nguyễn Quốc Khanh ở ấp Thạnh Điền, thị trấn Phú Lộc (Thạnh Trị) bên ruộng lúa kết hợp nuôi cá của gia đình.

Chúng tôi có dịp đến nhà ông Khanh ngay lúc ông đang chuẩn bị bón phân cho lúa. Một mình khuân vác từng bao phân nặng trĩu trên vai nhưng ông Khanh rất niềm nở chào hỏi khách ghé tham quan. Ngừng công việc và trò chuyện cùng chúng tôi, ông Khanh thố lộ: “Tôi có 3ha đất ruộng gồm: 1ha đất ngoài đê, 2ha còn lại ở trong khu vực đê nên lúa làm được 2 vụ/năm; riêng đất ngoài đê do ảnh hưởng nước mặn nên trong những tháng mùa khô không thể xuống giống vụ 2. Từ nguyên nhân trên nên hơn 15 năm nay, tôi chuyển làm lúa vụ 2 sang nuôi tôm sú và sau này là con tôm thẻ, bởi nuôi thẻ có thể nuôi 2 - 3 vụ/6 tháng, còn con sú chỉ nuôi được 1 vụ, so ra nuôi tôm nhiều vụ lợi nhuận sẽ cao hơn, bình quân vụ nuôi tôm trừ chi phí lợi nhuận tầm 200 triệu đồng”.

Ngoài nuôi tôm sú, tôm thẻ, ở vụ nuôi vừa qua, ông Khanh đã nuôi thử nghiệm con tôm càng xanh, cũng mang về lợi nhuận khá. Theo đó, ông đã tận dụng mùa nước nổi, số lượng tôm tự nhiên nhiều nên sẽ mua lại của những hộ dân đi kéo lưới, đặt lờ... khoảng vài chục kilôgam tôm loại nhỏ và tiến hành thả vào ao nuôi. Do nuôi theo cách tự nhiên, hoàn toàn không sử dụng thức ăn nhằm đảm bảo tôm có thịt ngon, nên phần lớn thức ăn chính của tôm càng xanh là các loại rau, củ tận dụng trong vườn nhà hay một số loài cá vụn đem xay để tôm ăn dần, khoảng 5 tháng thu hoạch tôm, trừ chi phí lợi nhuận hơn 30 triệu đồng.

Ông Khanh chia sẻ, sau khi kết thúc vụ tôm, xả toàn bộ số nước trong ruộng ra ngoài kênh, cải tạo lại ruộng đất cho bằng phẳng và cấy lúa Tài nguyên vào. Vừa cấy xong lúa thì thả ngay cá rô phi vào ruộng, bởi loại cá này không phải tốn tiền mua thức ăn, chúng vẫn sinh sôi phát triển tốt do ăn các loại tảo, rong rêu hay những loại ốc nhỏ trong ruộng lúa. 1ha lúa thả 12kg cá rô phi đơn tính, kết hợp cá rô phi đồng có sẵn trong ao tôm, đến khoảng 6 tháng thì thu hoạch lúa, đây cũng là thời điểm cá đạt trọng lượng để bán ra thị trường. Số cá lớn bán cho các thương lái bán lẻ tại các chợ, còn cá nhỏ bán cho hộ dân mua về làm mồi cho cá sấu ăn, tổng lượng cá khoảng 500kg, trừ chi phí con giống lợi nhuận hơn 6 triệu đồng. Riêng sản lượng lúa thu hoạch ước 6 tấn/ha, lợi nhuận hơn 25 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Lộc Ngô Văn Trung cho biết, trên địa bàn thị trấn có khá nhiều mô hình chăn nuôi kết hợp trồng màu. Tuy nhiên, việc chăn nuôi của hộ dân gặp khó khăn do ảnh hưởng thời tiết, giá cả thị trường, nhất là việc chăn nuôi heo thời gian gần đây đã gây thiệt hại lớn cho nông dân. Riêng mô hình nuôi tôm, cá trên nền đất trồng lúa được xem là mô hình mang tính bền vững lâu dài tại địa phương, bởi với diện tích đất phía ngoài đê chỉ làm lúa được 1 vụ/năm, năng suất lúa thấp do nước mặn lưu dẫn. Chính vì nguyên nhân trên, để cải thiện thu nhập cho người dân, hội đã cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền hộ dân triển khai thực hiện mô hình tôm - lúa đã qua nhiều năm và thấy hiệu quả kinh tế vẫn duy trì ổn định. Mô hình cũng đã tạo công ăn việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương khi tới vụ thu hoạch tôm, cá. Hướng tới, hội tiếp tục vận động người dân thả nuôi thêm những con vật trên bờ có giá trị kinh tế cao, như: trâu, bò, dê để nâng dần mức sống của người dân khu vực thị trấn.

Thúy Liễu

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang