• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trúng đậm cá cơm

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 09/02/2017
Ngày cập nhật: 12/2/2017

Không chỉ đạt sản lượng khai thác cao, mà kích cỡ, chất lượng cá cơm về cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đều rất tốt, nên giá bán cũng rất cao, ngư dân lời to sau mỗi chuyến biển.

Không khí tại cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng) sáng ngày 7-2 rất nhộn nhịp với hàng chục con tàu khai thác cá cơm đang lên, xuống hàng. Những kết, sọt cá cơm đầy ắp, tươi rói được đội bốc xếp nhanh chóng đưa lên khỏi khoang tàu để kịp đến nơi tiêu thụ.

Một thủy thủ tàu mang biển số tỉnh Bình Định nói át cả tiếng máy xay nước đá: "Tôi vô chuyến này là chuyến thứ hai rồi. Ngoài ngư trường đang nhiều cá lắm. Bởi vậy chuyến nào cũng được 600 - 700 giỏ (mỗi giỏ bình quân 18kg), trong khi thời gian đánh bắt (kể cả đi về) chỉ có 2 ngày". Như vậy, tính ra mỗi chuyến biển chỉ 2 ngày là ngư dân đã có sản lượng cá cơm trên 10 tấn. Các tàu neo ở cảng, tàu nào cũng đã lên cả xe tải mà vẫn chưa hết hàng, mới thấy lộc biển đầu năm dồi dào đến chừng nào...

Mỗi con tàu về cảng đều đầy ắp cá cơm.

Ông Phạm Văn Hứa, Giám đốc Cảng cá Trần Đề, xác nhận: "Có tàu đi chưa đầy 2 ngày đã vô cảng với sản lượng từ 600-1.000 giỏ cá cơm. Với sản lượng này, mỗi chuyến biển, ngư dân thu về từ 100 - 200 triệu đồng, vì giá cá cơm hiện nay lên đến 270.000 đồng/giỏ. Giá cá cơm năm nay cao là do cá đạt kích cỡ lớn, tươi ngon, đủ tiêu chuẩn để làm khô xuất khẩu".

Theo những ngư dân chuyên khai thác cá cơm, mùa cá cơm thường kéo dài từ tháng 1 đến hết tháng 8 hằng năm. Nhưng thời điểm trúng nhất tập trung từ tháng 1 đến tháng 3, sau đó ít dần trong tháng 4 - 5 và có sản lượng trở lại từ tháng 6-8. Vùng đánh bắt chủ yếu từ Côn Đảo trở vào. Với ngư trường trên, cùng với thời gian đánh bắt ngắn, nên chi phí mỗi chuyến biển đánh bắt cá cơm là rất thấp.

Ông Nguyễn Đăng Luân, Phó Bộ phận điều hành Cảng cá Trần Đề, cho biết: Chỉ riêng ngày 6-2, có đến 28 tàu khai thác cá cơm cập cảng với tổng sản lượng khoảng 500 tấn. Nhưng hầu hết đều là tàu của các tỉnh khu vực Nam Trung bộ, như: Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Thuận... Đặc biệt, có một chiếc tàu của tỉnh Phú Yên chỉ sau 1 đêm đã đánh được 1.000 giỏ cá cơm, còn lại bình quân cũng được 500 – 600 giỏ.

Năm nay, mùa cá cơm đến sớm lại trúng mùa, nên gần như các cơ sở thu mua, sơ chế đều đi vào hoạt động. Từ khi tuyến đường Nam sông Hậu được thông suốt, tàu đánh bắt cá cơm mới vào cảng Trần Đề và nghề sơ chế cá cơm mới phát triển tại đây vì dễ vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh hay các tỉnh khác. Cá cơm sau khi hấp chín, phơi khô sẽ được lặt đầu và đóng gói để xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa.

Theo ông Quảng Đức Danh, Phó Giám đốc Cảng cá Trần Đề, chỉ mới khoảng 7 năm nay, các tàu khai thác cá cơm mới vô cảng Trần Đề. Trước đó, chủ yếu họ bán ngay trên biển hoặc chạy về Bình Thuận hay Ninh Thuận tiêu thụ. Việc chọn Cảng cá Trần Đề là rất có lợi vì rất gần với ngư trường khai thác, giúp giảm được chi phí rất nhiều.

Sản lượng khai thác mỗi ngày lên đến hàng trăm tấn, nhưng việc tiêu thụ nhanh chóng, nhờ đội ngũ nậu vựa hùng hậu kể cả trong và ngoài tỉnh. Ông Quảng Đức Danh chia sẻ: "Tới mùa khai thác, đội ngũ thu mua từ các tỉnh đổ về cảng rất đông, nên ngư dân không lo chuyện tiêu thụ. Họ chỉ lo giá cao hay thấp và làm sao khai thác đạt sản lượng cao mà thôi".

Theo các cơ sở chế biến cá cơm trong khu vực cảng và dọc theo tuyến đường Nam sông Hậu, cá cơm ngoài thị trường xuất khẩu lớn là Malaysia, Trung Quốc… còn được các cơ sở chế biến thu mua, tẩm ướp gia vị làm thành phẩm tiêu thụ nội địa. Riêng với loại có kích cỡ nhỏ hay chất lượng không tươi cũng được các nhà thùng thu mua để ủ nước mắm, nhưng với giá thấp hơn.

Những thông tin gần đây từ ngư trường đưa về cho thấy, không chỉ có nghề khai thác cá cơm trúng mùa, mà hầu hết các nghề khác như: nghề cào, lưới đèn… cũng đạt sản lượng rất khá. Đối với ngư dân, thắng lợi ngay những chuyến biển đầu năm luôn rất quan trọng, báo trước điềm may cho một năm vươn khơi, bám biển.

XUÂN TRƯỜNG

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang