• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thoát nghèo nhờ tham gia tổ hợp tác

Nguồn tin: Báo ảnh Đất Mũi, 07/12/2017
Ngày cập nhật: 8/12/2017

Chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau về vốn, hỗ trợ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, là những lợi ích cơ bản mà Tổ hợp tác ương vèo cua giống Cái Trăng (xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) mang đến cho các thành viên. Nhờ những ưu điểm đó mà Tổ hợp tác thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia, nhất là những hộ nghèo, cận nghèo, hộ ít đất sản xuất.

Trong căn nhà khá tươm tất, vợ chồng anh Nguyễn Văn Lẹ và chị Võ Thị Thu (ấp Cái Trăng) phấn khởi: “Nhờ được vào Tổ hợp tác mà giờ đây gia đình tôi đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định hơn trước rất nhiều”. Gia đình anh Lẹ, chị Thu thuộc diện hộ dân tộc Khmer nghèo của ấp. Không đất, không tư liệu sản xuất, lại nuôi hai con ăn học, anh chị thuê đất để làm ao vèo cua giống bán, với 10 ao, nhưng trừ chi phí, lợi nhuận còn thấp. Thấy hoàn cảnh anh chị khó khăn, năm 2014, địa phương xét cho gia đình vay 10 triệu đồng làm vốn sản xuất và được tạo điều kiện tham gia vào Tổ hợp tác ương vèo cua giống Cái Trăng. Nhờ chí thú làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, đến nay gia đình đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định hơn trước. “Giờ đây, đứa con lớn của tôi có việc làm ổn định ở Đồng Nai, lương từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Gia đình được Nhà nước cấp đất cất nhà ở, cho mượn đất sản xuất cua giống, với 10 ao ương, mỗi tháng thu nhập trên dưới 5 triệu đồng. Chúng tôi quyết tâm gắn bó với nghề ương vèo cua giống, mong một ngày cuộc sống được khá giả hơn”, anh Nguyễn Văn Lẹ bộc bạch.

Nhờ uy tín, chất lượng, cua giống Cái Trăng đã “có mặt” trong và ngoài tỉnh.

Nghề ương vèo cua giống ở ấp Cái Trăng xuất hiện năm 2010, với khoảng 30 hộ thực hiện. Ban đầu, người dân sản xuất với hình thức nhỏ lẻ, manh mún, đầu ra không ổn định, ít được tiếp cận khoa học, kỹ thuật, chưa có thương hiệu và hay bị thương lái ép giá. Từ những bất lợi đó, mà ý tưởng thành lập tổ hợp tác để liên kết sản xuất đã nhen nhóm trong lòng người dân. Đến năm 2012, Tổ hợp tác ương vèo cua giống Cái Trăng được thành lập với 14 thành viên, bình quân mỗi người khoảng 20 ao. Với cách làm ăn bài bản, biết chia sẻ kinh nghiệm sản xuất qua từng tháng, quý, năm, Tổ hợp tác ngày càng phát triển, các thành viên có thu nhập khá cao. Đến nay, Tổ hợp tác đã có gần 50 thành viên, bình quân mỗi thành viên từ 20 - 30 ao vèo, ít nhất cũng 10 ao và được chia thành 3 tổ nhỏ. Tiện ích của mô hình này đó là không cần đất và vốn nhiều, mà chỉ tuân thủ quy trình nuôi thì hiệu quả mang lại rất cao. Theo anh Đoàn Văn Tiên, Tổ trưởng tổ 2, nếu vốn của gia đình để ương vèo cua khoảng 20 triệu đồng, từ 7 - 10 ngày, sẽ cho lợi nhuận trên 7 triệu đồng. “Vào cao điểm từ tháng 5 - 7, mỗi ngày một thành viên xuất bán từ 15 - 20 ngàn con cua giống. Riêng năm 2017, bình quân mỗi thành viên Tổ hợp tác có thu nhập từ 140 - 300 triệu đồng, thấp nhất cũng vài chục triệu đến 100 triệu đồng. Từ 6 - 7 thành viên là hộ nghèo, cận nghèo ban đầu, đến nay Tổ hợp tác không còn hộ nghèo, cuộc sống ngày càng khá giả, giải quyết cho trên 100 lao động nhàn rỗi địa phương”, anh Tiên phấn khởi.

Cơ sở ương vèo cua giống của anh Đoàn Văn Tiên nằm trên tuyến Quốc lộ 1A, thuận tiện cho giao thương.

Thấy điều kiện làm ăn phát triển, từ năm 2015 đến nay đã có 4 thành viên mua đất trên tuyến Quốc lộ 1A làm cơ sở ương vèo cua giống để tiện trong khâu vận chuyển, mua bán, quảng bá thương hiệu cho khách tham quan du lịch đi qua, đồng thời hỗ trợ cho các thành viên khác về đầu ra sản phẩm. Hiện nay, cua giống Cái Trăng đã xuất bán đến các tỉnh: Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng…

Hiện nay, tại các tổ cũng thành lập được quỹ hùn vốn xoay vòng, mỗi thành viên đóng góp 1 triệu đồng/tháng, số tiền này dùng để giúp cho những hộ cần vốn để mở rộng sản xuất khi có nhu cầu. “Chất lượng, uy tín là yếu tố quan trọng mà Tổ hợp tác ương vèo cua giống Cái Trăng đã và đang duy trì để tồn tại và phát triển, đặc biệt là tình làng nghĩa xóm gắn kết với nhau sâu hơn thông qua tổ hợp tác sản xuất”, anh Tiên khẳng định.

NGUYỄN VĂN

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang