• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nam Định: Nhìn lại nghề "canh trì" năm 2016

Nguồn tin: Báo Nam Định, 30/12/2016
Ngày cập nhật: 1/1/2017

Năm 2016, nghề nuôi thủy sản chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, đặc biệt là cơn bão số 1 đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Nam Định vào cuối tháng 7, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi về cơ sở vật chất cũng như làm thất thoát nhiều đối tượng nuôi. Tuy nhiên, năm 2016 vẫn được đánh giá là một năm thành công trong lĩnh vực nuôi và sản xuất, cung ứng giống thủy sản của tỉnh. Đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của các địa phương, cơ quan chức năng cũng như của những người nuôi thủy sản.

Nông dân huyện Mỹ Lộc thu hoạch cá nước ngọt.

Ngoài những tác động lớn do điều kiện thời tiết, thiên tai gây ra, ngành thủy sản vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn từ lâu chưa được khắc phục; trong đó hệ thống thủy lợi tại các vùng nuôi còn nhiều bất cập, còn chung với sản xuất nông nghiệp và muối; kênh cấp, thoát nước chưa tách biệt hoặc tách biệt chưa hoàn toàn. Do đó, việc điều tiết nước phục vụ nuôi thủy sản còn gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng đến kết quả vụ nuôi. Bên cạnh đó, việc sản xuất con giống thủy, hải sản trong tỉnh một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng, cá trắm đen… vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người nuôi. Chất lượng giống các loài cá truyền thống chưa thực sự đảm bảo do đàn cá bố mẹ đã già và thoái hóa. Bên cạnh đó, ý thức của một số người nuôi vẫn còn hạn chế; vẫn còn hiện tượng lạm dụng hóa chất, kháng sinh, xả nước bừa bãi ra môi trường không qua xử lý... Tuy nhiên, theo Sở NN và PTNT, nuôi thủy sản năm 2016 vẫn là một năm thắng lợi. Hiện toàn tỉnh có 15.916ha diện tích mặt nước được đưa vào nuôi thủy sản. Trong đó diện tích nuôi mặn lợ là 6.348ha và nuôi nước ngọt là 9.568ha. Sản lượng thủy sản năm 2016 toàn tỉnh đạt 81.814 tấn, tăng 6,3% so với năm 2015, đạt 102,27% kế hoạch năm. Trong đó, sản lượng nuôi mặn lợ đạt 41.342 tấn, bằng 106,24% so với năm 2015. Năm vừa qua, tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là 3.532ha, giảm 288ha so với năm 2015. Tổng sản lượng tôm nước lợ đạt 4.400 tấn, đạt 88% kế hoạch. Nguyên nhân là do một số diện tích nuôi tôm sú kém hiệu quả đã được người nuôi mạnh dạn chuyển đổi sang đối tượng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Riêng tôm thẻ chân trắng vẫn giữ vai trò là một trong những đối tượng nuôi chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao và được các địa phương duy trì diện tích thâm canh. Các vùng nuôi cơ bản đều nằm trong vùng quy hoạch đã được phê duyệt. Công tác chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ khoa học được Sở NN và PTNT cùng các đơn vị thường xuyên triển khai nên trình độ kỹ thuật của các hộ nuôi ngày càng được nâng cao. Nhiều mô hình nuôi thâm canh đạt hiệu quả cao, cho năng suất tốt như hộ các ông Trần Văn Giáp, xã Hải Lý (Hải Hậu); Nguyễn Đức Chỉnh, xã Hải Xuân (Hải Hậu)… Hộ ông Trần Văn Giáp là một trong những hộ nuôi được Trung tâm Dạy nghề và chuyển giao công nghệ Vacvina đầu tư và hướng dẫn kỹ thuật trong nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông đã không ngần ngại bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư các trang thiết bị hiện đại. Ông còn cho biết, tôm giống khi mang về nuôi được ông chăm sóc tỉ mỉ, thường xuyên cải tạo đầm nuôi cũng như chủ động theo dõi môi trường nước, các yếu tố thời tiết để có những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Do đó, đàn tôm của ông lớn nhanh, phát triển đồng đều, đạt sản lượng cao. Ngoài ra, các đối tượng như ngao, cá bống bớp, cua biển có dấu hiệu phát triển tốt. Diện tích nuôi ngao là 1.946ha, tăng 290ha so với năm 2015. Sản lượng đạt 31.795 tấn, đạt 105,98% kế hoạch. Năng suất trung bình đạt hơn 17 tấn/ha/năm. Cá bống bớp đã có thị trường ổn định trong nước và xuất khẩu. Các đối tượng nuôi trong vùng nuôi nước ngọt chủ yếu là các loại cá truyền thống và một số loài thủy đặc sản như cá rô phi, cá lóc bông.

Đặc biệt, trong năm 2016, các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao được người nuôi quan tâm phát triển với hình thức nuôi lồng, bè trên sông như cá diêu hồng, cá lăng, cá trắm đen… Ngoài ra, một số đối tượng nuôi khác như ba ba, ếch, lươn, chạch đồng… được người dân các huyện như Nghĩa Hưng, Hải Hậu… đưa vào nuôi thả đạt hiệu quả. Một trong những yếu tố quyết định thành công của vụ nuôi năm 2016 là các cơ sở sản xuất giống đã chủ động sản xuất con giống đảm bảo chất lượng để cung ứng cho người nuôi. Toàn tỉnh hiện có 137 cơ sở sản xuất giống, đã sản xuất được 11.002 triệu con giống các loại. Trong đó, 115 cơ sở sản xuất giống mặn lợ đã sản xuất được 9.487 triệu con giống, tăng 52 cơ sở so với năm trước. Các cơ sở sản xuất giống nước ngọt tương đối ổn định với 22 cơ sở, trong đó đối tượng sản xuất chính vẫn là các loại cá truyền thống. Nhiều cơ sở có quy mô sản xuất lớn được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại. Để đạt được những kết quả cao như vậy, không thể không kể đến sự quản lý chặt chẽ, chỉ đạo sát sao của Sở NN và PTNT. Năm 2016, Sở NN và PTNT đã thành lập Chi cục Thủy sản với chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý trong lĩnh vực sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh, tăng cường năng lực chủ động trong hoạt động quản lý cho đơn vị. Chi cục đã kịp thời ra văn bản chỉ đạo kỹ thuật, thời vụ cho Phòng NN và PTNT các huyện về một số công tác như cải tạo đầm đúng kỹ thuật, kiểm tra chất lượng nước các vùng nuôi tập trung, tăng cường công tác quản lý nuôi tôm mặn lợ, quản lý nuôi cá lồng, bè tại các địa phương, thống kê các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh. Tích cực triển khai công tác quan trắc môi trường, thông báo kết quả kèm theo những khuyến cáo các biện pháp khắc phục những diễn biến bất thường của môi trường trong quá trình nuôi. Công tác quản lý chất lượng vật tư trong nuôi thủy sản đã dần đi vào nền nếp. Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện, Thanh tra Sở, Chi cục Thú y tiến hành kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh của 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, 19 cơ sở cung ứng thức ăn, hóa chất, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi thủy sản; kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống sản xuất trong tỉnh cũng như nhập vào tỉnh.

Năm 2016, bằng sự nỗ lực thực hiện các biện pháp đồng bộ từ công tác chỉ đạo, kỹ thuật đến giám sát, quản lý chặt chẽ nên các vùng nuôi thủy sản đã đạt được những kết quả nổi bật. Năm 2017 được dự báo vẫn là một năm đầy thách thức vì tình hình thời tiết diễn biến khôn lường, ngành thủy sản phải phấn đấu nỗ lực hết mình để duy trì tốc độ tăng trưởng và sản lượng nuôi thủy sản./.

Thanh Hoa

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang