• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khánh Hòa: Hỗ trợ thủy sản bị thiệt hại do bão ở Cam Ranh: Khó thực hiện

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 16/11/2017
Ngày cập nhật: 19/11/2017

Ngư dân ở các phường ven biển TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) bị thiệt hại nặng về nuôi trồng thủy sản do cơn bão số 12. Tuy nhiên, do người dân nuôi trồng ngoài vùng quy hoạch, không thực hiện kê khai đầy đủ nên không có căn cứ để hỗ trợ khi bị thiệt hại.

Thiệt hại nặng

Tại TP. Cam Ranh, vùng nuôi trồng thủy sản dọc biển tại các phường: Cam Nghĩa, Cam Phúc Bắc, Cam Phúc Nam… bị thiệt hại nặng nề. Hàng nghìn lồng nuôi tôm hùm, cá bớp, cá chim… chuẩn bị thu hoạch bị bão giật trôi hết. Ngay sau bão, ngư dân ra biển tìm lại những lồng còn trôi dạt nhưng không kịp cứu. Chiều 14-11, anh Nguyễn Đình Nam (phường Cam Phúc Nam) vẫn đang gia cố lại những ô lồng bị trôi dạt do bão. Anh Nam cho biết: “ Gia đình tôi có 42 lồng nuôi cá chim, đã đến kỳ thu hoạch, bão ập tới phá nát hết các bè khiến lồng trôi dạt khắp nơi. Ngay sao bão, tôi huy động anh em đi kéo những lồng cá còn sót lại để gia cố. Khoảng 10.000 con cá chim đã bị thất thoát, thiệt hại ước tính hơn 1 tỷ đồng”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thiên Lý (tổ dân phố Phúc Thủy, phường Cam Phúc Nam) bị thiệt hại hơn 100 lồng nuôi cá bớp. Số cá bớp này đạt cân nặng từ 3 đến 5kg/con, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Gần nhà bà Lý, hộ ông Nguyễn Hữu Phúc (tổ dân phố Phúc Ninh) cũng bị thiệt hại gần 100 lồng nuôi cá bớp, chỉ còn sót lại 8 lồng. Tổng giá trị thiệt hại của ông Phúc gần 2 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tục ông Phúc bị thiệt hại do nuôi trồng thủy sản. Năm 2015, dịch bệnh khiến hàng tấn cá bớp của ông nổi trắng bè; năm 2016 mưa nhiều khiến hàng chục lồng cá bị chết. “Tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ, khoanh nợ để những người bị thiệt hại như tôi có cơ hội làm lại, tiếp tục nuôi trồng, phát triển kinh tế”, ông Phúc nói.

Ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, ngay sau bão, phòng đã về các địa phương hướng dẫn người dân thống kê thiệt hại theo mẫu. Theo thống kê sơ bộ, toàn thành phố có hàng chục nghìn lồng cá bớp, tôm hùm bông, tôm hùm xanh… bị thiệt hại do bão, trong đó có nhiều hộ nuôi bị thiệt hại hơn 70%. Tổng thiệt hại về thủy sản toàn thành phố ước tính 360 tỷ đồng, trong đó riêng phường Cam Phúc Nam 240 tỷ đồng.

Lồng nuôi thủy sản ở phường Cam Phúc Nam bị bão đánh trôi dạt vào bờ

Khó tìm căn cứ hỗ trợ

Phường Cam Phúc Nam bị thiệt hại thủy sản nhiều nhất, nhưng lãnh đạo địa phương đang lúng túng trong việc đề xuất hỗ trợ người dân nuôi trồng thủy sản. Ông Hoàng Đình Minh - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Phúc Nam cho biết, chủ trương của thành phố là không phát triển thêm các lồng nuôi, bởi khu vực này chưa được quy hoạch để nuôi trồng thủy sản. Đầu năm nay, phường yêu cầu các hộ kê khai đối tượng, số lượng, diện tích nuôi và thời gian xuất bán. Tuy nhiên, rất ít hộ chấp hành hoặc kê khai không đúng sự thật. Đến khi bão qua mới làm đơn kê khai, nên con số thiệt hại với con số đăng ký đầu năm chênh lệch rất nhiều. Chưa kể trên địa bàn phường có hàng chục hộ từ huyện Cam Lâm đến tự ý nuôi thủy sản mà không đăng ký với phường.

Theo ông Lê Minh Hải, khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác xác minh kê khai của các hộ có đúng với thực tế hay không. “Nhiều hộ không đăng ký với địa phương, nhưng khi bị bão cuốn trôi mới kê khai thiệt hại. Có hộ đầu năm đăng ký nuôi 10 lồng, nhưng thực tế họ nuôi đến 100 lồng, bây giờ không có căn cứ để hỗ trợ. Hoặc có người nuôi 100 lồng, sau đó di dời lồng đi địa phương khác, đến nay không xác minh được. Trong cuộc họp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sắp tới, tôi sẽ nêu ý kiến này để bàn cách giải quyết”, ông Hải nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết: “Chiếu theo các quy định thì không có căn cứ để hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại về thủy sản. Biết là người dân bị thiệt thòi nhưng lúc chính quyền yêu cầu kê khai thì họ không thực hiện hoặc thực hiện không trung thực; chính quyền vận động không phát triển thêm lồng nuôi nhưng họ không chấp hành. Trước mắt, thành phố sẽ đề nghị các ngân hàng trên địa bàn khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho người dân vay tiền mua con giống, sửa lại lồng bè nuôi trồng trở lại”.

VĂN KỲ

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang