• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hợp tác xã thủy sản hoạt động cầm chừng

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 13/11/2017
Ngày cập nhật: 14/11/2017

Thời gian qua, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển khá mạnh. Song, người nuôi vẫn gặp nhiều khó khăn, từ hạ tầng, kỹ thuật đến khâu tiêu thụ, trong khi các hợp tác xã (HTX) thủy sản được thành lập nhưng chưa phát huy được vai trò.

Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát tại huyện Phong Điền vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Chưa hiệu quả

Huyện Phong Điền quy hoạch tổng thể nuôi tôm trên cát với diện tích 898,84 ha; đến nay, đã phê duyệt quy hoạch bổ sung và quy hoạch chi tiết hạ tầng nuôi thủy sản trên cát ven biển xã Điền Hòa với diện tích 56,78 ha, Phong Hải (166,55 ha) và Điền Hương (386,16 ha). Đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi khoảng 184,51ha với 304,81 triệu con giống, tập trung tại các xã Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc và Phong Hải.

Trước thực trạng khó khăn của người nuôi, UBND huyện Phong Điền đã thành lập các HTX thủy sản để hỗ trợ, giúp người nuôi trồng phát triển sản xuất; làm đầu mối cung cấp các dịch vụ về giống, thức ăn, xử lý nước, điện… cho các thành viên. Cơ cấu trong hội đồng quản trị và ban giám đốc là những người nuôi tôm có kinh nghiệm, có nguồn lực và uy tín tại địa phương. Song, từ khi thành lập vào năm 2013, đến nay hai HTX này hoạt động không hiệu quả.

Ông Võ Kháng, Giám đốc HTX Thủy sản Phong Hải 2 cho biết, HTX được thành lập nhưng đã ngừng hoạt động bởi nhiều lý do, trong đó các thành viên của HTX thủy sản vẫn chưa có sự đồng thuận. Ban đầu thành lập, HTX có 13 thành viên. Năm đầu tiên hoạt động đúng thời điểm người nuôi tôm địa phương được mùa, được giá nên có nhiều người nuôi khác mong muốn vào HTX. Đến năm thứ hai, tình hình nuôi tôm gặp khó khăn, thua lỗ, nhiều người phơi hồ nên họ lại muốn rút ra khỏi HTX.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến hoạt động cầm chừng

Về nguyên nhân các HTX hoạt động không hiệu quả, ông Kháng cho rằng: “Mục đích của HTX khi thành lập là hỗ trợ về kỹ thuật, tìm đầu mối để cung cấp thức ăn, thị trường đầu ra hợp lý. Song trên địa bàn đã có một số cơ sở cung cấp thức ăn khá uy tín mà người dân đã quá quen thuộc nên HTX dường như không hỗ trợ được gì. Do vậy, người dân không mặn mà tham gia HTX. Đến nay, ngoài HTX Phong Hải 1 hoạt động cầm chừng, HTX thủy sản Phong Hải 2 đã ngừng hoạt động”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều thành viên khó tiếp cận nguồn vốn, mở rộng đầu tư vì không có tài sản thế chấp. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn theo hình thức “tự sản tự tiêu”.

Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải bày tỏ, khó khăn nhất trong việc nuôi tôm tại địa phương là kỹ thuật nuôi, và đầu ra phụ thuộc quá nhiều vào thương lái, các hộ nuôi có thể có những phương pháp nuôi khác nhau nên vẫn chưa đồng lòng vào HTX để chia sẻ kinh nghiệm.

Sẽ kiện toàn bộ máy

Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, hiện người nuôi tôm trên địa phương đang thiếu vốn để sản xuất và tái đầu tư, nhất là sau sự cố môi trường biển và do dịch bệnh của các vụ nuôi trước; thị trường tiêu thụ không ổn định, phụ thuộc vào các đầu nậu; nguồn tôm giống sạch bệnh chưa đáp ứng nhu cầu của người nuôi; chưa có sự hỗ trợ của Nhà nước khi xảy ra dịch bệnh thủy sản, mặc dù thiệt hại do dịch bệnh thủy sản là rất lớn.

Ngoài HTX Thủy sản Phong Hải 1 và Phong Hải 2 đã thành lập, dự kiến, trong năm 2018, sẽ thành lập HTX thủy sản tại xã Điền Hương để hỗ trợ người nuôi, nhất là về hạ tầng vùng nuôi.

Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thừa nhận, trong khi người nuôi đang gặp nhiều khó khăn nhưng vai trò của các HTX thủy sản chưa được phát huy là một trăn trở của lãnh đạo địa phương.

"Việc thành lập các HTX thủy sản trên địa bàn được các địa phương chỉ đạo, lấy ý kiến của người dân, các nhóm hộ nuôi trồng thủy sản. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức kiện toàn, củng cố lại các HTX thủy sản trên địa bàn, qua đó nâng cao hơn nữa vai trò của HTX trong việc hỗ trợ người nuôi”, ông Cho thông tin về giải pháp nhằm tăng hiệu qủa hoạt động của các HTX thủy sản thời gian đến.

Lê Thọ

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang