• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bà Rịa - Vũng Tàu: Môi trường nuôi ô nhiễm: Người nuôi hàu Long Sơn lao đao

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 26/10/2017
Ngày cập nhật: 28/10/2017

Nuôi hàu trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu). Ảnh: MINH T M

Hiện nay, nhiều hộ nuôi hàu ở xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) đang lo lắng khi môi trường nuôi ngày càng bất lợi, sản lượng liên tục sụt giảm. Một số hộ nuôi hàu bị thua lỗ nặng. Nguyên nhân là do tình trạng nuôi tự phát đã khiến môi trường nuôi hàu suy thoái nghiêm trọng.

Sản lượng sụt giảm mạnh

Hai năm nay, với bãi hàu hơn 10ha tại khu vực Bến Điệp (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu), ông Nguyễn Hoàng Oanh chỉ thu được 4 - 5 triệu đồng/năm. Theo ông Oanh, những năm trước, vào mùa thu hoạch, bãi hàu của ông thu được 1,2 - 1,5 tấn/ngày. Có những thời điểm, ông phải huy động gần 30 thợ để thu hoạch hàu, với sản lượng lên đến 4 - 5 tấn/ngày. “Thời điểm đó, hàu đóng dày, con to nên mỗi ngày, một thợ đục được khoảng 200kg. Nhưng hiện nay, do số lượng hàu sụt giảm mạnh nên một thợ chỉ đục được 50kg, trong khi tiền công lên đến 250 ngàn đồng/ngày. Do đó, chủ bãi hàu gần như không có lời”, ông Oanh nói.

Ông Nguyễn Văn Phúc, người nuôi hàu nhiều năm ở Long Sơn cho biết, số lượng ấu trùng hàu lá (loại hàu người dân Long Sơn nuôi chủ yếu trong thời gian qua) đã giảm rất nhiều. Hiện nay, trên mỗi miếng giá thể đến kỳ thu hoạch, có đến 80% là hàu sò (loại hàu có kích thước nhỏ), hàu Thái Bình Dương; còn hàu lá chiếm số lượng rất ít.

Không chỉ giảm số lượng, tốc độ tăng trọng của hàu cũng chậm hơn trước rất nhiều. Trước đây, từ khi thả giống đến thời điểm thu hoạch chỉ mất 11 tháng, trong khi hiện nay phải mất thời gian từ 15 - 18 tháng. “Số lượng hàu giảm, chậm lớn và thường xuyên bị chết khiến người nuôi hàu đang lâm vào cảnh bết bát”, ông Nguyễn Hoàng Oanh cho biết thêm.

Thu hoạch hàu tại Bến Điệp (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu). Ảnh: N PHONG

Môi trường nuôi ô nhiễm

Môi trường nuôi xuống cấp là nguyên hàng đầu dẫn đến tình trạng nêu trên. Theo ông Nguyễn Hoàng Oanh, vùng Bến Điệp có đến gần 100 hộ nuôi hàu, với diện tích nuôi lên đến cả ngàn ha. Hơn 5 năm trước, vào mùa thu hoạch, ai cũng hớn hở, nhưng nay nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, bởi hàu bị chết liên tục. Riêng ông Oanh, mặc dù đã đầu tư tiền tỷ vào bãi hàu 10ha nhưng nay phải làm phụ hồ để kiếm sống qua ngày.

Được biết, khu vực Bến Điệp là vùng nuôi hàu lý tưởng của nhiều năm trước. Trước đây, khi khu vực sông Chà Và bị ô nhiễm, nhiều người đã di chuyển đến đây để “lánh nạn”. Trong những năm đầu, việc nuôi hàu tại khu vực này là phù hợp. Hàu nuôi ở Bến Điệp mập tròn, có màu trắng đục, vị thơm ngon hơn hàu nuôi tại nơi khác. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng nuôi tự phát, thiếu tổ chức đã làm cho môi trường vùng nuôi này bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Thu hoạch hàu tại Bến Điệp (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu). Ảnh: N PHONG

Ngoài ra, với phương pháp nuôi hàu cắm bãi, người nuôi sử dụng giá thể (chủ yếu là tôn phibro xi măng) cắm trên bãi để các ấu trùng hàu bám vào. Người nuôi thường tranh nhau đón đầu con nước để lấy nhiều ấu trùng và thức ăn. Hầu hết những người nuôi hàu sau khi cắm giá thể xuống bãi gần như “phó thác” cho thiên nhiên. Do vậy, chỉ sau thời gian ngắn, trên mỗi giá thể có rất nhiều đối tượng cùng nhau bám vào, tạo môi trường lý tưởng cho các loài “kẻ thù” của hàu cư ngụ, trong đó nguy hiểm nhất là các loại giáp xác. Loài này sử dụng hàu làm thức ăn, khiến mật độ của hàu lá trên giá thể suy giảm nghiêm trọng.

Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, do người nuôi không theo quy hoạch, nuôi theo hình thức cắm bãi, các giá thể cắm dưới bãi sình chịu tác động rất lớn của sóng và thủy triều, thường xuyên bị xô ngã hoặc vùi lấp. Đây là nguyên nhân chính làm chết toàn bộ số hàu bám trên giá thể, đồng thời gia tăng ô nhiễm vùng nuôi. Bên cạnh đó, khi hàu bị chết, người nuôi thường không thu dọn bãi hàu, khiến hàng trăm ngàn tấm giá thể bằng tôn phibro xi măng nằm ngổn ngang trên bãi, làm thay đổi dòng chảy, thủy triều, làm biến dạng các con rạch… Từ đó tác động rất lớn đến môi trường của khu vực này.

Kỹ sư Phạm Thị Thu Nga, Phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh) cho biết: Các hộ nuôi hàu ở Long Sơn thường sử dụng 4 loại vật liệu làm giá thể nuôi, bao gồm: tôn fibro xi măng, vỏ hàu, rổ nhựa và vỏ xe cũ. Trong khi đó, nhiều hộ nuôi thiếu ý thức không thu gom và xử lý đúng quy định sau khi sử dụng đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Chi cục Nuôi trồng Thủy sản đã khuyến cáo người dân sử dụng các loại giá thể nuôi an toàn và thân thiện với môi trường như dùng trụ gỗ trét xi măng, dây cước trét xi măng, sử dụng vỏ hàu... Những giá thể này dễ làm, giá thành thấp và không ảnh hưởng đến môi trường. Chi cục Nuôi trồng thủy sản kiến nghị Sở NN-PTNT đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nhân tạo giống hàu cửa sông nhằm cung cấp nguồn giống ổn định cho người nuôi trồng thủy sản thay vì phụ thuộc vào nguồn giống hàu tự nhiên như hiện nay. Khuyến khích các đề tài, dự án nghiên cứu thử nghiệm, ứng dụng các loại vật liệu nuôi mới, thân thiện với môi trường nhằm từng bước thay thế các loại vật liệu như hiện nay.

ÂN PHONG

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang