• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phú Thọ: Tạo lập nhãn hiệu tập thể cá chép đỏ Thủy Trầm

Nguồn tin: Báo Phú Thọ, 18/10/2017
Ngày cập nhật: 22/10/2017

Ông Bùi Văn Chữ - Trưởng làng nghề, Giám đốc HTX cá chép đỏ Thủy Trầm chăm sóc cá.

Xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ có làng nghề Thủy Trầm rất nổi tiếng nuôi và kinh doanh cá chép đỏ. Loại cá này không dùng làm thực phẩm mà chỉ phục vụ nhu cầu tâm linh, dùng trong lễ cúng “ông Công ông Táo" vào dịp 23 tháng Chạp hàng năm, cũng như lễ phóng sinh.

Theo lời kể của những lão nông trong làng, từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, Thủy Trầm đã có nghề ương, nuôi cá giống từ cá bột vớt ở sông Hồng vào mùa lũ. Trong số nhiều giống cá, từ chép, trôi, mè, trắm..., bà con Thủy Trầm thấy có loài giống cá chép nhưng toàn thân màu đỏ rất lạ và đẹp. Họ chọn những con cá này nuôi thành cá bố mẹ để nhân giống làm cá cảnh, dành tặng bạn quý và nuôi để phóng sinh. Dần dà, con cá “linh” của làng được nhiều người biết đến, trở thành sản phẩm đặc hữu, là "phương tiện" không thể thiếu để "các Táo về trời" trong ngày lễ cuối năm. Lúc đầu chỉ có một vài hộ làm thử, dần dần hàng chục, rồi hàng trăm gia đình cùng làm. Từ đây, nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm "lên ngôi" cùng với sự phát triển nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, sinh vật cảnh của không chỉ người dân trong tỉnh mà ở rất nhiều tỉnh, thành phía Bắc.

Những năm gần đây, kinh tế- xã hội của huyện Cẩm Khê phát triển mạnh, trong đó thủy sản được xác định là khâu đột phá với diện tích mặt nước khoảng 1.900ha, sản lượng cá hàng năm là 4.800 tấn. Bên cạnh mở rộng nuôi cá thịt hàng hóa, ương nuôi các loại cá giống cung cấp cho thị trường, huyện Cẩm Khê còn tích cực chỉ đạo phát triển làng nghề, trong đó có làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng dân gian. Từ năm 2011, sau khi được UBND tỉnh chính thức công nhận là làng nghề khu vực nông thôn, nhân dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận đã biết đến nhiều hơn con cá chép đỏ của Thủy Trầm. Không chỉ được tiêu thụ mạnh trong tỉnh, vật nuôi đặc hữu chỉ có ở Thủy Trầm đã "bơi" đến nhiều vùng trong cả nước, trở thành sản phẩm hàng hóa có chất lượng. Cá quý cũng được dân làng cung tiến cho ao cá Bác Hồ, cho ao hồ ở các di tích nổi tiếng để nhân dân cùng chiêm ngưỡng. Từ việc nuôi và kinh doanh cá chép đỏ, thu nhập của người dân trong vùng tăng lên rõ rệt, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Làng Thủy Trầm có 370 hộ thì có tới 353 hộ nuôi cá chép đỏ với tổng diện tích ao hồ hơn 30ha, tạo việc làm cho 1.215 lao động với mức thu nhập cao. Theo ông Bùi Văn Chữ - Trưởng làng nghề, Giám đốc HTX cá chép đỏ Thủy Trầm: Năm 2016, doanh thu từ cá chép đỏ là 75,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân từ nghề nuôi cá chép đỏ của các hộ trong làng là 25 triệu đồng/người/năm. Đó là chưa kể nguồn thu từ việc nuôi cá giống, sản xuất cây rau giống đang rất phát triển ở đây. Những năm gần đây làng nghề đã được đầu tư kiên cố hóa đường sá, kênh mương, hồ ao; các tiến bộ kỹ thuật đã được ứng dụng vào ương nuôi, chọn lọc, vận chuyển cá, nhưng việc giao thương mới chỉ mang tính chất buôn bán tự do nên người tiêu dùng không biết rõ xuất xứ của sản phẩm, không xác định được giá trị và chất lượng của cá chép đỏ được nuôi ở Thủy Trầm, ít biết đến làng nghề nổi tiếng ở vùng trung du Phú Thọ. Trước thực trạng đó, việc "tạo lập, quản lý và xây dựng nhãn hiệu tập thể" đối với sản phẩm của làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm là rất cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên làng nghề phát triển và quản lý sản phẩm, đồng thời tạo sự tin tưởng cho người sử dụng sản phẩm có xuất xứ từ làng nghề Thủy Trầm; bảo vệ uy tín và lợi ích cho người sản xuất, mở rộng thị trường để kích cầu tiêu dùng một cách ổn định, lâu dài; lấy nghề này tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân; lấy sản xuất hàng hóa bền vững để bảo tồn và phát triển sản phẩm, nghề truyền thống; gắn phát triển sản xuất với phát triển du lịch sinh thái, khám phá.

Từ thực tế đó, Dự án "Tạo lập, quản lý và xây dựng nhãn hiệu tập thể cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê" do Liên hiệp các hội KHKT tỉnh chủ trì cùng sự phối hợp của UBND huyện Cẩm Khê đã được khởi động. Trong tương lai không xa, với nhãn hiệu tập thể được xác lập, nghề sản xuất và kinh doanh cá chép đỏ Thủy Trầm sẽ thêm cơ hội phát triển; không chỉ mở rộng về quy mô mà vị thế, uy tín, sức cạnh tranh của sản phẩm cũng được nâng cao, mang lại thu nhập cho người dân ở một vùng quê phong cảnh hữu tình bên hữu ngạn sông Thao.

Tâm Đắc - Nguyễn Văn

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang