• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Người nuôi thủy sản chưa mặn mà VietGap

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 19/10/2017
Ngày cập nhật: 21/10/2017

Hiện toàn tỉnh Bắc Ninh có 12 cơ sở được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap, 3 cơ sở được chứng nhận theo hướng an toàn nhưng chủ yếu là các cơ sở sản xuất rau, chưa có cơ sở thủy sản nào. Vì vậy, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản sạch hết sức cần thiết.

Thời điểm này, sau 3 năm lập nghiệp với nghề nuôi cá lồng trên sông, anh Nguyễn Xuân Đang, thôn 2, xã Mão Điền (Thuận Thành) đang tất bật chuẩn bị chuyển hướng sang nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGap. Hiện nay, cơ sở của anh có 85 lồng, chủ yếu nuôi cá lăng, sản lượng 4 đến 500 tấn mỗi năm. Quá trình nuôi cho thấy, sản xuất cá lồng trên sông có thể tạo ra nguồn thực phẩm sạch hơn trong ao đất do nguồn nước ổn định, cá sinh trưởng và phát triển tốt, ít dịch bệnh. Sau khi thu hoạch, các thương lái đến tận nơi thu gom, nhưng giá cả vẫn bấp bênh theo điều tiết của thị trường. Với mong muốn ổn định đầu ra cho sản phẩm, anh Đang quyết tâm xây dựng thương hiệu bằng một chứng nhận cam kết chất lượng để hướng tới đối tượng khách hàng lớn hơn như các nhà hàng, công ty, bếp ăn tập thể...

Từ đầu năm nay, anh tích cực tham gia các lớp tập huấn về VietGap, mời đơn vị tư vấn ở Hà Nội về hướng dẫn và chuẩn bị hồ sơ cần thiết. Anh cũng thay đổi thói quen, tỉ mỉ ghi chép vào sổ theo dõi từng lồng cá từ ngày xuống giống, cho ăn, lịch phòng bệnh… Anh Đang chia seû: “Quy trình sản xuất theo VietGap không khó nhưng quy chuẩn đánh giá tương đối khắt khe với nhiều bước, nhiều công đoạn. Điều quan trọng nhất với người nuôi là thay đổi từ chăm sóc cá theo kinh nghiệm sang theo dõi qua thực tế và sổ sách”.

Những hộ nuôi cá lồng như gia đình ông Đào Xuân Chuẩn (Chi Nhị, Song Giang, Gia Bình) có nhiều thuận lợi khi áp dụng VietGap.

Tuy nhiên, hiện số lượng người nuôi thủy sản quyết tâm theo đuổi VietGap như anh Đang là rất ít. Do hạn chế về trình độ tiếp cận, người dân thường e ngại tìm hiểu cũng như áp dụng quy trình hiện đại này. Chưa kể, họ chưa có động lực để thực hiện công nhận VietGap do chưa tìm được đầu ra ổn định. Ngoài ra, điều kiện hạ tầng cơ sở nhiều vùng nuôi trồng còn yếu, quy mô nhỏ nên hệ thống ao chứa, ao lắng không đáp ứng được yêu cầu. Do nuôi thâm canh với mật độ cao, kéo theo nguy cơ nguồn nước bị ô nhiễm, các mầm bệnh lây lan trong vùng nuôi rất khó trị; dư lượng hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm cũng gia tăng nên đã ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản.

Theo Tổng cục Thủy sản, khi áp dụng VietGap, cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đáp ứng được 4 tiêu chí cơ bản là bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Mặc dù việc áp dụng VietGap đang gặp nhiều khó khăn nhưng đây vẫn là hướng phát triển tất yếu của ngành nuôi trồng thủy sản. Lợi ích mà VietGap mang lại là giúp người nuôi quản lý cơ sở nuôi một cách khoa học, tạo ra được sản phẩm sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chứng minh được chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng sẽ có được thực phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn thông qua mã số chứng nhận và có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm…

Được biết, toàn tỉnh có 5.400 ha nuôi trồng thủy sản trong ao đất, 1.600 lồng nuôi cá trên sông, sản lượng bình quân hàng năm đạt 38.000 tấn. Theo đánh giá, khu vực nuôi cá lồng có nhiều triển vọng áp dụng VietGap. Ngành Nông nghiệp tỉnh đang tích cực tập huấn, hướng dẫn, khuyến khích đi kèm xây dựng mô hình sản xuất VietGap đối với các hộ nuôi ở đây. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, điều quan trọng nhất để người nuôi hào hứng áp dụng quy trình VietGap là phải có chế độ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hợp lý, nâng cao giá thành cho sản phẩm, xứng đáng với sự đầu tư công sức, tiền bạc của nông dân.

Song Giang

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang