• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Kim Sơn (Ninh Bình): Nuôi trồng thủy sản “gặp khó” do thiên tai

Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 18/10/2017
Ngày cập nhật: 19/10/2017

Tình trạng mưa lớn kéo dài nhiều ngày liên tục từ đầu tháng 10 đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc nuôi trồng thủy sản của nhiều hộ dân tại địa bàn xã Kim Hải, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Chị Nguyễn Thị Mây ở xóm 2, xã Kim Hải dùng lưới để ngăn thủy sản thất thoát.

Gia đình chị Nguyễn Thị Mây, xóm 2, xã Kim Hải có 3 ao nuôi thủy sản, tổng diện tích là 2 mẫu. Vụ tôm này, gia đình chị thả hơn 20 vạn con giống với hy vọng sẽ là một vụ nuôi trồng bội thu, để bù lại những tổn thất từ vụ nuôi trước đó. Thế nhưng, thời tiết lại đang thử thách niềm hy vọng đó.

Chị Mây chia sẻ với chúng tôi: Mưa kéo dài cả tuần lễ, nước dâng lên gần đến bờ, như vậy lứa tôm non mới thả được gần 1 tháng làm sao sống nổi.

Để khắc phục tình trạng đó, vợ chồng tôi đã làm đủ mọi cách, từ quây lưới để tránh thất thoát tôm, rồi tới bơm nước, tạo kênh thoát nhằm giảm lượng nước trong các ao nuôi.

Ngoài ra, tôi đã tìm mua một số loại thuốc để xử lý nước và các chất dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng cho tôm. Tuy nhiên, một vài ngày trở lại đây, trong các ao nuôi đã rải rác xuất hiện tình trạng tôm chết.

Ông Mai Văn Hùng, Phó Giám đốc HTX thủy sản Kim Hải cho biết: Toàn xã hiện có 485 hộ nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 285ha. Đa phần các hộ dân nuôi trồng quảng canh nên chịu tác động lớn từ yếu tố thời tiết.

Khi xảy ra mưa lớn, ngoài nguy cơ xảy ra dịch bệnh, còn có khả năng lớn xảy ra tình trạng các chất kiềm, phèn trôi xuống ao nuôi gây biến đổi môi trường nước. Khi môi trường nước trong các ao nuôi bị ảnh hưởng sẽ khiến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm kém đi.

Mặt khác, do môi trường nước để nuôi trồng thủy sản cần có độ pH ổn định, nước mưa rơi xuống sẽ khiến môi trường nước bị phân tầng, độ pH giảm đột ngột làm tôm chết rải rác, ngoài ra còn có trường hợp tôm chết do bị ngạt khí. Trước tình hình đó, HTX đã có khuyến cáo tới bà con nông dân sử dụng vôi bột để xử lý môi trường nước trong ao nuôi, cân bằng lại độ pH.

Đồng thời sử dụng các tấm lưới quây 4 phía ao nuôi để tránh thất thoát số lượng và sử dụng các chất dinh dưỡng để tăng sức chống chịu của tôm nuôi.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ vụ nuôi tôm trước đó, khoảng tháng 5, tháng 6/2017, một số hộ gia đình nuôi tôm tại xã Kim Hải đã chịu thiệt hại do dịch bệnh xảy ra.

Đến nay lại chịu tổn thất do thời tiết xấu, chắc chắn sẽ gây suy giảm về năng suất và sản lượng thủy sản toàn xã. Theo thống kê của UBND xã Kim Hải, hiện sản lượng thủy sản đã thu hoạch trong năm 2017 là 180 tấn, chỉ đạt 19% so với kế hoạch đã đề ra.

Huyện Kim Sơn hiện có khoảng 3.000ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Tính riêng thiệt hại sau cơn bão số 10, nuôi trồng thủy sản ước tính thiệt hại khoảng 1,8 tỷ đồng.

Trong đó, diện tích ngao bị ảnh hưởng khoảng gần 1.000ha; khoảng 5ha đầm nuôi trồng thủy sản phía ngoài đê Bình Minh 3 bị ngập; khoảng 60ha diện tích đầm nuôi trồng thủy sản thuộc bãi sông Can, giáp đê Bình Minh 2, trên địa bàn xã Kim Hải bị ngập trắng.

Còn riêng những thiệt hại do đợt áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn và dài ngày vừa qua, huyện Kim Sơn đang tiến hành khảo sát và tổng hợp số liệu.

Sau những đợt “càn quét” mà thiên tai gây ra, Trạm thủy sản Kim Sơn-Yên Khánh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan lấy mẫu nước, đồng thời hướng dẫn các hộ gia đình xử lý môi trường nước trong các ao nuôi, bổ sung chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho con nuôi. Đó là những việc cần thiết để khắc phục phần nào những hậu quả do thiên tai gây ra.

Ngành chức năng cũng khuyến cáo, bà con nông dân không vì những ảnh hưởng xấu của thiên tai thời gian gần đây mà bỏ bê việc chăm sóc thủy sản bởi việc chăm sóc đầy đủ và kỹ lưỡng sẽ hạn chế được thiệt hại, giúp ổn định năng suất và sản lượng thủy sản cuối vụ.

Thái Học

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang