• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Những cử nhân quê Nhãn nuôi cá "tiến Vua" trên sông Hồng

Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 06/10/2017
Ngày cập nhật: 9/10/2017

Từ trên cầu Yên Lệnh phóng tầm mắt nhìn xuống dòng sông Hồng rộng lớn, bên cạnh vườn chuối xanh ngút ngàn là những lồng bè nuôi cá lăng nổi trên sông. Loài cá hoang dã quý hiếm từng được dùng để "tiến Vua" xưa kia giờ đã được nhiều hộ gia đình ở Hưng Yên thuần hóa thành công, trở thành hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cá lăng thuộc họ cá da trơn, không có xương dăm, thịt rất ngon. Từ xa xưa, loài cá này đã trở thành đặc sản tiến vua hay thiết đãi khách quý. Ngày nay, cá lăng được thị trường ưa chuộng vì thịt sạch và có giá trị dinh dưỡng cao. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, tháng 3.2016, Hợp tác xã (HTX) Thủy sản sạch Hưng Hải (phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên) được thành lập bởi một cử nhân từng làm công chức nhà nước sau xin thôi việc mày mò học hỏi mô hình nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy...

Ban đầu, HTX đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng xây dựng 56 lồng bè cùng cơ sở vật chất phục vụ việc nuôi cá trên sông. Mỗi lồng cá có diện tích 36m2. Cá giống được HTX mua từ các trại cá uy tín trên địa bàn tỉnh Hải Dương. HTX chủ yếu nuôi cá lăng (chiếm 80% số lượng), còn lại là cá quả, cá trắm cỏ, cá chày…

Chia sẻ về lý do chọn dòng sông Hồng để đặt lồng nuôi cá, anh Đỗ Ngọc Quyền, Giám đốc HTX Thủy sản sạch Hưng Hải cho biết, yếu tố quyết định thành công của nghề nuôi cá là nước sạch. Sông Hồng có dòng chảy ổn định, nước lưu thông liên tục nên cá sẽ ít bị bệnh, khỏe mạnh, mau lớn, tiết kiệm chi phí mua thuốc thú y thủy sản. Đồng thời, nhờ dòng nước lưu thông liên tục nên người nuôi không phải lo lượng thức ăn thừa, phân cá như nuôi trong ao; giảm thiểu được khâu xử lý môi trường ao nuôi và thời gian nghỉ của ao sau mỗi vụ, từ đó giảm được nhiều chi phí. Bên cạnh đó, khi nuôi cá lồng trên sông Hồng người nuôi dễ kiểm soát và cân đối lượng thức ăn. Đặc biệt thịt cá dai và ăn ngon hơn, giá bán cao hơn.

Anh Quyền cho biết: Cá lăng nuôi khoảng 2 năm, khi đạt trọng lượng từ 3kg trở lên sẽ xuất bán. Khi cá nhỏ cho ăn thức ăn chăn nuôi và cá rô phi nhỏ. Khi cá lăng trưởng thành sẽ chuyển sang ăn cá con để nâng cao chất lượng thịt. Vừa qua, HTX đã xuất bán trên 20 tấn cá lăng thương phẩm, đạt doanh thu gần 1,5 tỷ đồng ngay trong lứa đầu tiên.

HTX Thủy sản sạch Hưng Hải hiện nuôi 2 loại cá lăng là lăng vàng và lăng đen, trong đó cá lăng vàng cho giá trị kinh tế cao hơn. Theo ước tính, mỗi vụ HTX sẽ xuất bán ra thị trường khoảng 80 tấn cá. Với giá bán buôn từ 70.000 – 100.000 đồng/kg, bán lẻ từ 90.000 – 150.000 đồng/kg, HTX sẽ đạt doanh thu từ 5 - 6 tỷ đồng.

HTX Thủy sản sạch Hưng Hải đã được cấp chứng nhận sản xuất VietGAP vào tháng 6.2017 và có kế hoạch mở rộng thêm số lồng nuôi.

Sinh năm 1987, là cử nhân trường Đại học Kinh tế quốc dân nhưng anh Nguyễn Văn Nha ở thôn Vân Nghệ, xã Mai Động (Kim Động) lại chọn con đường riêng để phát triển kinh tế.

Mô hình nuôi cá lăng và các loại cá trắm, chép giòn, diêu hồng mang lại lợi nhuận khá cho anh Nguyễn Văn Nha, xã Mai Động (Kim Động)

Ấp ủ hy vọng làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương, sau một thời gian làm qua nhiều nghề như lái xe, buôn bán… nhưng kinh tế gia đình vẫn khó khăn, anh Nha đi nhiều nơi và thăm quan nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả để học tập.

Trong đó, anh đặc biệt chú ý đến mô hình nuôi cá lồng trên sông của nông dân các tỉnh Hải Dương, Hà Nam.

Với lợi thế địa phương có dòng sông Hồng chảy qua, đầu năm 2015, anh Nha đầu tư vốn đóng một lồng sắt để thử nuôi cá lăng trên sông Hồng. Hơn 1 năm sau, lồng cá cho lợi nhuận khá, anh Nha tiếp tục đầu tư mở rộng số lồng nuôi.

Đến nay, anh có 28 lồng, trong đó 12 lồng cá lăng, còn lại là cá trắm, cá chép giòn và cá diêu hồng. Thay vì nuôi bằng lồng tre, anh Nha đầu tư nuôi cá bằng lồng thép chắc chắn. Trung bình mỗi chiếc lồng có diện tích 36 – 54m2, chi phí làm khoảng 25 triệu đồng, đắt hơn so với lồng tre nhưng có thể sử dụng được trong nhiều năm và không lo bị hư hỏng do gió, bão.

Theo anh Nha, với ưu điểm dòng nước sông Hồng luôn luôn được luân chuyển nên có thể thả cá với mật độ nhiều hơn so với nuôi trong ao.

Để chất lượng cá ngon, ngoài cám, anh Nha tận dụng nguồn cá tạp do người dân trong vùng đánh bắt rồi băm nhỏ làm thức ăn cho cá. Cá lăng nuôi trong thời gian khoảng 1,5 - 2 năm có thể thu hoạch, trọng lượng trung bình mỗi con đạt từ 2,5 – 3kg. Phần lớn cá lăng ở đây được xuất bán cho các nhà hàng, khách sạn với đầu ra ổn định.

Với giá bán dao động từ 65.000 – 100.000 đồng/kg, mỗi lồng cá lăng của anh có thể cho lãi từ 60 – 70 triệu đồng/lứa, cao hơn nhiều so với nuôi các loại cá khác. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Nha còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 – 4 lao động địa phương.

Anh Nha cho biết: “Lúc mới bắt đầu nuôi cá lăng trên lồng tôi cũng gặp nhiều khó khăn, có lúc còn bị thiệt hại do thiên tai, bệnh dịch. Song nhờ tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức và học hỏi kinh nghiệm của những người cùng nuôi cá, tôi đã có thêm nhiều kiến thức để chăn nuôi hiệu quả. Thời gian tới, tôi dự định sẽ đầu tư vốn để tăng thêm số lồng nuôi cá”.

Ông Vũ Văn Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh: “Nghề nuôi cá lăng trên sông Hồng đã có ở Hưng Yên từ lâu. Trước đây, chủ yếu các hộ đóng lồng bằng tre, nứa, vầu để nuôi cá. Từ năm 2010 trở lại đây, các hộ chuyển đổi sang nuôi cá trong lồng thép chắc chắn.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 300 lồng nuôi các loại cá trên sông, trong đó có 30 – 40% số lồng nuôi cá lăng. Trung bình mỗi năm, các hộ thu được khoảng 400 tấn cá lăng, mang lại thu nhập hàng trăm tỷ đồng cho các hộ nuôi.

Tuy nhiên, người dân không nên phát triển ồ ạt mô hình này, các hộ nuôi cá trên sông cần tập trung phát triển ổn định số lượng, chất lượng lồng cá để mang lại hiệu quả kinh tế”.

Hương Giang – Dương Miền

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang