• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh miền trung (Kỳ 2: Để phát huy hiệu quả, bền vững)

Nguồn tin: Nhân dân, 05/10/2017
Ngày cập nhật: 7/10/2017

Cán bộ khuyến nông các tỉnh, thành phố khu vực miền trung tham quan mô hình nuôi xen ghép của người dân xã Vinh Giang, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế).

Bài 2: Để phát huy hiệu quả, bền vững

Mặc dù nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở các tỉnh miền trung đã đạt nhiều thành tựu, nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và đang tồn tại nhiều bất ổn như: hạ tầng vùng nuôi chưa ổn định, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây rủi ro lớn cho người nuôi. Cần có giải pháp để vừa phát huy tiềm năng, hiệu quả của vùng, vừa bảo đảm NTTS an toàn, bền vững.

Những khó khăn, bất cập

Khu vực miền trung có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, suy thoái và ô nhiễm môi trường, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp; cơ sở hạ tầng nhiều vùng nuôi thâm canh chưa bảo đảm, dẫn đến mức độ rủi ro cao; kiểm soát vật tư đầu vào, kháng sinh, chất xử lý cải tạo môi trường ao nuôi còn nhiều bất cập… Mặc dù đã có nhiều mô hình nuôi tôm bền vững đem lại hiệu quả cao, nhưng rất khó thay đổi tập quán canh tác của người dân về tôm truyền thống có sử dụng thuốc và hóa chất, nhất là vấn đề ghi chép truy xuất nguồn gốc, xả thải ra môi trường chưa được quan tâm đúng mức.

Công tác quản lý nhà nước về thủy sản chưa thống nhất giữa các địa phương; các giải pháp kỹ thuật nuôi mới, biện pháp phòng trị bệnh chưa được chia sẻ ứng dụng rộng rãi… Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Thừa Thiên - Huế, phần lớn diện tích ao nuôi vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai chưa bảo đảm quy cách, chủ yếu sử dụng phương thức nuôi quảng canh cải tiến, bán thâm canh, cho nên hiệu quả sản xuất chưa cao. Việc xả thải bừa bãi nguồn nước chưa qua xử lý, quy trình nuôi chưa đúng kỹ thuật, khiến dịch bệnh dễ lây lan và gây ô nhiễm môi trường.

Nguồn nước ngọt, nhất là nguồn nước ngầm ngọt khu vực ven biển có xu hướng suy giảm về trữ lượng, nhiều nơi đã bị nhiễm mặn. Môi trường biển cũng đang có chiều hướng xấu, ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra, một số khu biển ven bờ bị ô nhiễm, gây khó khăn cho người NTTS.

Theo kế hoạch năm 2017, Hà Tĩnh sẽ dành hơn 2.700 ha NTTS mặn, lợ. Nhưng sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động khoảng 1.000 ha (chiếm khoảng 40%) diện tích không thả được giống theo lịch thời vụ. Phần lớn các hộ NTTS chưa mạnh dạn đầu tư cho nghề. Tại nhiều hồ tôm, hệ thống kênh mương xuống cấp, thiết bị công nghệ lạc hậu cả chục năm, nhưng không được nâng cấp, sửa chữa. Việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cộng đồng NTTS chưa nhiều. Sự liên kết bốn nhà trong sản xuất NTTS còn hạn chế, cho nên vào mùa thu hoạch lớn, người nuôi bị tư thương ép giá.

Sản xuất NTTS vẫn tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và thiên tai; công tác quản lý còn nhiều bất cập, lực lượng cán bộ mỏng, trang thiết bị thiếu. Nhất là việc phát triển nuôi tôm trên cát hiện nay ở các tỉnh ven biển miền trung đều mang tính tự phát, chưa có quy hoạch tổng thể. Tình trạng nuôi ngoài vùng quy hoạch, tự ý chuyển đổi diện tích làm ao chứa, xử lý sang nuôi tôm đã làm tăng mức độ ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh cao. Việc quản lý nhà nước về thủy sản chưa thống nhất giữa các địa phương; công tác chỉ đạo chưa sát thực tế, từ đó làm giảm hiệu quả của công tác trong quản lý, chỉ đạo sản xuất. Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Huân, nguồn gốc, chất lượng giống tôm chưa được kiểm soát chặt chẽ, ý thức của người dân trong lựa chọn giống chưa cao, hạ tầng nuôi tôm chưa bảo đảm và chưa tuân thủ các quy trình về xử lý nguồn nước, môi trường là nguyên nhân chính làm phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi.

Liên kết để phát triển bền vững

Theo Tổng cục Thủy sản và các chuyên gia lĩnh vực NTTS, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đa dạng hóa đối tượng nuôi là một trong những giải pháp phát triển bền vững nghề NTTS ở các tỉnh ven biển miền trung.

Để tiếp tục thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” và đề án tái cơ cấu ngành thủy sản; thực hiện chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020, định hướng 2030; quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản đến 2020, định hướng 2030 và các quy hoạch về NTTS, Bộ NN-PTNT cần rà soát, sửa đổi và xây dựng mới, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, kỹ thuật trong NTTS; các quy chuẩn/tiêu chuẩn kỹ thuật về giống, thức ăn; rà soát và quản lý thực hiện tốt quy hoạch về NTTS. Các địa phương cần đẩy mạnh áp dụng nuôi có chứng nhận, phát triển các mô hình nuôi công nghệ cao, nuôi tuần hoàn tiết kiệm nước, góp phần vào mục tiêu đến năm 2020 sản lượng NTTS cả nước đạt 4,5 triệu tấn, trong đó tôm đạt khoảng 710.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4,5 đến 5 tỷ USD.

Ngành thủy sản cần triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất con giống sạch bệnh và tăng trưởng nhanh; xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; hình thành các kênh phân phối hàng thủy sản từ người sản xuất, doanh nghiệp đến các chợ, siêu thị. Trước mắt, khẩn trương nghiên cứu, ban hành các quy trình nuôi tiên tiến; tổng kết và nhân rộng các mô hình nuôi hiệu quả, bền vững môi trường như mô hình nuôi kết hợp tôm - cá và các đối tượng khác. Trong NTTS cần tổ chức lại sản xuất, hướng dẫn xây dựng các mô hình liên kết chuỗi giá trị ngang và dọc trong NTTS, như các HTX, tổ hợp tác với những mô hình đồng quản lý vùng đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế); liên kết người nuôi - doanh nghiệp tại các địa phương.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Công Hoàn, tỉnh đang tập trung rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch về đất đai cho NTTS, để phát triển theo hướng bền vững. Trong đó, quy hoạch NTTS phải hài hòa, phù hợp quy hoạch của các địa phương. Tập trung phát triển đối tượng chủ lực là tôm, các loại cá có giá trị kinh tế, đưa vào nuôi một số đối tượng mới để mở rộng thị trường tiêu thụ. Phát triển nhanh nuôi tôm công nghiệp trên cát, chuyển dần nuôi tôm trong ao đất quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh; chú trọng công tác quan trắc, cảnh báo môi trường cho các vùng nuôi tập trung; thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các vùng nuôi; tuyên truyền, nhân rộng các mô hình NTTS an toàn sinh học, thân thiện với môi trường.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Đình Đức kiến nghị: Để phát triển NTTS theo hướng an toàn, bền vững, cần đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung, nhằm bảo đảm quy trình xử lý nước thải, bảo vệ môi trường, nhất là vùng nuôi tôm chân trắng trên cát và các vùng nuôi cao triều tập trung. Quan tâm đầu tư hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển vừa qua bằng các mô hình việc làm mới. Hình thành nhóm trại sản xuất và dịch vụ cung ứng giống, xây dựng các đề án về chính sách hỗ trợ sản xuất... Tăng cường công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nuôi, hướng người dân sản xuất theo quy trình VietGAP để tạo ra sản phẩm an toàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cho biết, tỉnh đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình phát triển cơ sở hạ tầng vùng NTTS tập trung giai đoạn 2016 - 2020, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi tôm. Các sở, ngành và địa phương tích cực huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, nhân dân để xây dựng vùng nuôi tôm, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, người dân chung sức, liên kết với các hộ liền kề đầu tư lại hệ thống ao nuôi, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật; hình thành các tổ cộng đồng, tổ hợp tác và hợp tác xã thực hiện tốt công tác quản lý vùng nuôi, giúp nhau trong quá trình sản xuất.

Đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ sản xuất giống tôm, cá biển; công tác phòng, chống dịch bệnh, xác định phòng bệnh là chính thông qua các mô hình/phương thức nuôi phù hợp từng vùng. Đổi mới phương thức xúc tiến thương mại và phát triển thị trường phù hợp chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu, theo hướng các hiệp hội và doanh nghiệp là chủ thể trực tiếp tổ chức thực hiện, Nhà nước giữ vai trò xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ các hoạt động. Phát triển hình thức xuất khẩu trực tiếp cho các hệ thống phân phối, các trung tâm thương mại lớn, siêu thị. Đối với thị trường nội địa, quy hoạch hệ thống các chợ đầu mối, hình thành kênh phân phối hàng thủy sản từ người sản xuất, doanh nghiệp đến các chợ, siêu thị.

Hậu Tùng và Hai Tuấn

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang