• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thanh Hóa: Phát triển kinh tế thủy sản hiệu quả, bền vững ở huyện Hậu Lộc

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 22/09/2017
Ngày cập nhật: 23/9/2017

Khu nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình anh Nguyễn Văn Hữu, xã Đa Lộc (Hậu Lộc) cho hiệu quả kinh tế khá cao. Ảnh: Thùy Dương

Sáng mùa thu lịch sử, về quê hương Mẹ Tơm - xã Đa Lộc (Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) chúng tôi cảm nhận khí thế lao động sản xuất sôi động, người dân đang phấn khởi thu hoạch sản phẩm thủy sản vụ hè-thu.

Cả vùng quê biển rộn rã tiếng nói cười, bước chân hối hả... May mắn, tôi gặp anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Đông Thành, vui vẻ hướng dẫn đi thăm quan khu nuôi tôm thẻ chân trắng diện tích 4 ha của gia đình. Anh phấn khởi chia sẻ niềm vui: Do mua được con giống bảo đảm chất lượng; đầu tư cơ sở hạ tầng ao nuôi đồng bộ, hiện đại, đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng, 2 vụ/năm. Năng suất tôm thẻ chân trắng thương phẩm bình quân đạt 15 tấn/ha/vụ. Sau khi đã trừ các chi phí, gia đình anh còn lãi khoảng 500 triệu đồng/ha/năm. Không những làm giàu cho gia đình, khu nuôi tôm của gia đình anh còn tạo việc làm cho một số lao động...

Cùng chúng tôi đi thăm một số mô hình nuôi thủy sản trên địa bàn xã, các đồng chí lãnh đạo UBND xã Đa Lộc, cho biết: Xã có 436 ha nuôi thủy sản nước mặn, 30 ha nuôi nước ngọt, 186 ha nuôi thủy sản nước lợ. Đối với nuôi nước lợ có 256 hộ tham gia. Để tránh thất thiệt do nuôi tôm sú độc canh, các năm vừa qua UBND xã đã chỉ đạo chủ đồng “phá” thế độc canh tôm sú đưa 100 % diện tích nuôi nước lợ áp dụng hình thức nuôi xen canh, luân canh đa thời vụ, đa đối tượng thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua là đối tượng nuôi chính, tôm rảo, rau câu và các loại cá) nếu không may mất tôm sú vẫn còn có nguồn thu từ các đối tượng khác. UBND xã Đa Lộc đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền cho chủ đồng đầu tư xây dựng hệ thống cống, cải tạo ao đầm đúng kỹ thuật; chọn mua con giống bảo đảm chất lượng và đã qua kiểm dịch của cơ quan chức năng; thả nuôi đúng hướng dẫn kỹ thuật để đạt hiệu quả cao và bền vững. Kết quả, so với nuôi độc canh tôm sú trên cùng diện tích, nuôi luân canh, xen canh các đối tượng thủy sản khác giá trị tăng cao hơn khoảng 40%. Giá trị nuôi trồng thủy sản của xã đạt từ 22 tỷ đồng ( năm 2015) lên 34 tỷ đồng (năm 2016). Ngoài ra còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động thời vụ. Hàng chục hộ gia đình trong xã như Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Văn Giang, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Hữu,vv... có kinh nghiệm, kỹ thuật và nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống cống, cải tạo ao đầm đúng kỹ thuật, mua con giống đảm bảo chất lượng đã làm giàu từ nghề nuôi thủy sản.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ huyện Hậu Lộc lần thứ XXVI (nhiệm kỳ 2015-2020) và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 xác định: khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản là một trong 5 chương trình trọng tâm của huyện. Để phát huy tiềm năng, lợi thế vùng ven biển nhiều xã đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo đột phá trong phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững. Huyện đã tập trung kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư cơ sở hậu cần nghề cá, khu chế biến thủy, hải sản, khu đóng sửa tàu thuyền,vv... Một số mặt hàng thủy sản truyền thống của huyện đã được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý như mực khô, tôm nõn, ngao nuôi... là những sản phẩm thế mạnh. Cảng cá Hòa Lộc và Khu neo đậu cho tàu thuyền nghề cá Lạch Trường đã được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng thúc đẩy dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển. Diện tích nuôi thủy sản khá lớn, lợi thế cả nước ngọt, nước mặn và nước lợ; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi vùng nuôi được quan tâm đầu tư, đã và đang phát huy hiệu quả; một số mô hình nuôi công nghiệp, áp dụng quy trình thực hành nuôi Viêt Gap bảo đảm môi trường và an toàn dịch bệnh cho sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm và thu nhập cao được nhân rộng, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho người nuôi.

Đồng chí phó chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc Nguyễn Văn Long, cho biết: Mục tiêu tái cơ cấu ngành thủy sản là tạo bước phát triển đột phá về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh sản phẩm thủy sản có tiềm năng, lợi thế và thị trường tiêu thụ với sản phẩm khai thác biển và các loài con nuôi chủ lực như ngao Bến Tre, tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá rô phi đơn tính... Theo đó, đưa diện tích nuôi thủy sản từ 1.694 ha (năm 2015) tăng lên 2.167 ha (năm 2020); sản lượng nuôi trồng từ 12.287 tấn (năm 2015) lên 16.000 tấn (năm 2020). Phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất bình quân 1 ha nuôi thủy sản đạt 195 triệu đồng/năm, đến năm 2025 đạt 250 triệu/ha. Sản lượng khai thác từ 22.731 tấn (năm 2015) lên 30.000 tấn (năm 2020). Hậu Lộc đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, như quy hoạch tổng thể ngành nông-lâm-thủy sản trên địa bàn chi tiết đến từng xã, từng vùng, bảo đảm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, cơ sở; cùng với việc vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh, huyện đã ban hành một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành thủy sản; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, đẩy mạnh liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại và thị trường tiêu thụ sản phẩm; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thủy sản; nghiên cứu và nhân rộng công nghệ sinh sản đối với giống cua, ngao, tôm sú; phát triển vùng nuôi thủy sản thâm canh tập trung ứng dụng công nghệ cao,vv...

Cụ thể, đối với khai thác, tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản ở các địa phương, cơ cấu lại nghề phù hợp với vùng, tuyến biển gắn phát triển khai thác hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Triển khai thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Tăng cường quản lý tàu cá, đăng ký, đăng kiểm chính sách bảo hiểm tàu cá, thuyền viên bảo đảm an toàn cho tàu đi biển gắn với củng cố, kiện toàn các tổ, đội sản xuất trên biển. Đến đầu tháng 9-2017, toàn huyện có 748 tàu cá, trong đó có 433 phương tiện công suất từ 90 CV trở lên được ứng dụng kỹ thuật tiên tiến như máy dò cá, máy định vị khai thác xa bờ với những chuyến bám biển dài ngày, khai thác thủy sản có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo (trong đó có 39 tàu chuyên khai thác khơi xa và vùng đánh cá chung Việt Nam-Trung Quốc). Hiện nay, Hậu Lộc có 111 tổ đoàn kết sản xuất trên biển, đã phát huy hiệu quả, tinh thần trách nhiệm của từng thuyền viên, tính đoàn kết cộng đồng được nâng lên. Toàn huyện đã đóng mới được 15 tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-Cp của Chính phủ, trong đó có 13 tàu đã đi khai thác dài ngày trên biển.

Về nuôi trồng thuỷ sản, hiện tại toàn huyện đưa 1.813 ha vào nuôi trồng thủy sản, trong đó có 763 ha nuôi nước mặn, 430 ha nuôi nước lợ, còn lại là nước ngọt. UBND huyện tập trung chỉ đạo các xã vùng triều phát triển các đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá rô phi đơn tính...Huyện tiếp tục chỉ đạo các xã chuyển 355 ha đất trồng lúa sâu trũng kém hiệu quả sang sản xuất theo mô hình trang trại tổng hợp như lúa-cá-vịt, lúa-lợn-cá,vv... đưa diện tích nuôi nước ngọt đạt 927 ha (năm 2020). Chuyển 136 ha (đất sản xuất muối kém hiệu quả và vùng ven đê nhiễm mặn) sang nuôi nước lợ đạt quy mô 537 ha (năm 2020). Ổn định diện tích nuôi ngao Bến Tre 703 ha tại các xã vùng bãi ngang của huyện. Vùng nuôi ngao Bến Tre của huyện đang từng bước thực hiện các khâu kiểm soát để đủ điều kiện nằm trong chuỗi sản xuất-chế biến-tiêu thụ tại thị trường khối EU, nhằm nâng giá trị cao hơn từ 3-4 lần hiện nay. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh tôm, ngao; hướng dẫn chủ đồng kỹ thuật nuôi thủy sản hiệu quả, quản lý môi trường nuôi...

Lĩnh vực chế biến dịch vụ hậu cần nghề cá, huyện tích cực kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến ngao, doanh nghiệp cấp đông sản phẩm hải sản khai thác có giá trị xuất khẩu và phát triển Cảng cá Hòa Lộc thành trung tâm thu mua, chế biến hải sản. Từng bước hình thành đội tàu dịch vụ hậu cần trên biển, phấn đấu đến năm 2020 đóng mới 7 tàu trên 400 CV làm dịch vụ hậu cần nghề cá để chủ động thu mua hải sản tại ngư trường cho các tàu khai thác của huyện, nâng cao giá trị thu nhập cho ngành thủy sản.

Trước mắt, năm 2017, huyện Hậu Lộc phấn đấu đạt tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng 42.000 tấn (tăng 11,7 % so với năm 2016). Kết quả, 6 tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng ước đạt 20.405 tấn, đạt 48,6% kế hoạch, tăng 3,8% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành thủy sản ước đạt 986 tỷ đồng, tăng 9,2 % so cùng kỳ.

Mong muốn Trung ương, tỉnh tiếp tục quan tâm nâng cấp cơ sở hạ tầng cho phát triển thủy sản ở địa phương; cùng với các cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực khắc phục khó khăn của cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp chắc chắn sẽ tạo động lực mới để Hậu Lộc vươn lên khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế thủy sản hiệu quả, bền vững, góp phần làm giàu cho quê biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Thùy Dương

Các tin mới

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang